Dự án chậm, có tiền mà không tiêu được

Cập nhật 10/10/2017 08:51

Cuối năm 2016, Hà Nội đã sáp nhập 26 Ban quản lý dự án thành 5 đơn vị trực thuộc thành phố. Đây được xem là động thái quyết liệt trong thực hiện tinh giản biên chế và tái cơ cấu, sắp xếp lại bộ máy, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Tuy nhiên, đến nay, hoạt động của 5 “siêu” ban quản lý dự án này đã xuất hiện nhiều vướng mắc tồn tại.

Ngày 31-12-2016, UBND TP Hà Nội đã công bố Quyết định thành lập 5 Ban Quản lý dự án chuyên ngành thành phố (BQLDA). Các BQLDA này được thành lập trên cơ sở tiếp nhận nguyên trạng về tổ chức bộ máy, nhân sự, tài sản, công việc của 26 BQLDA tiền thân trực thuộc thành phố và các sở, ngành.

Tổng số cán bộ của 5 BQLDA lên tới 984 người, trong đó có 5 công chức, 706 viên chức và 273 lao động hợp đồng. Kết quả khảo sát mới công bố của Ban Kinh tế - Ngân sách, HĐND TP Hà Nội cho thấy, sau 8 tháng kể từ ngày thành lập, 5 BQLDA chuyên ngành đã cơ bản sắp xếp xong tổ chức nhân sự, bắt đầu đi vào hoạt động bài bản.

Hoạt động của 5 “siêu” ban quản lý dự án của thành phố còn nhiều tồn tại

Tỷ lệ giải ngân quá thấp

Các BQLDA được giao tiếp nhận nhiệm vụ chủ đầu tư của tổng cộng 668 dự án. Tới thời điểm Ban Kinh tế - Ngân sách tiến hành khảo sát, còn 29 dự án chưa hoàn thành công tác tiếp nhận hoặc tiếp nhận không đầy đủ hồ sơ từ chủ đầu tư trước đây. Việc thực hiện trình tự, thủ tục trong quản lý đầu tư xây dựng theo các quy định mới của Nhà nước và thành phố tại một số đơn vị còn lúng túng, đặc biệt là thủ tục liên quan đến đánh giá tác động môi trường…

Đến ngày 23-8-2017, trong số 44 dự án dự kiến cần khởi công mới theo kế hoạch đầu tư công trung hạn của thành phố, còn 20 dự án chưa hoàn thiện thủ tục trình cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư (chiếm 45%). Đáng chú ý, việc triển khai, thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2017 ở các BQLDA còn chậm.

Tỷ lệ giải ngân của 5 BQLDA nhìn chung còn thấp. Theo số liệu của Kho bạc Nhà nước Hà Nội, đến 23-8-2017, các BQLDA mới giải ngân đạt 1.625 tỷ đồng/6.524 tỷ đồng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2017 (bằng 25% kế hoạch). Trong đó, BQLDA văn hóa - xã hội giải ngân đạt tỷ lệ thấp nhất, chỉ bằng 16% kế hoạch. Có tới 17 dự án chưa giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2017. Kết quả rà soát cho thấy, một số dự án không thể thực hiện hết kế hoạch vốn năm 2017 đã giao trong khi công tác GPMB đối với một số dự án còn chậm, dẫn đến thời gian triển khai bị kéo dài.

Lúng túng, chưa đủ kinh phí để trả lương

Cũng theo kết quả khảo sát, các BQLDA còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong việc tự chủ, tự đảm bảo kinh phí cho hoạt động. Có BQLDA chưa đủ kinh phí để trả lương cho cán bộ, người lao động năm 2017, phải trình UBND TP ứng trước ngân sách (BQLDA nông nghiệp và phát triển nông thôn đã được UBND TP hỗ trợ 1,4 tỷ đồng và tạm ứng ngân sách thành phố 6,2 tỷ đồng; BQLDA giao thông dự kiến chỉ đủ chi phí hoạt động đến hết quý III-2017...). Một số BQLDA có tình trạng viên chức, cán bộ hợp đồng có trình độ, kinh nghiệm chuyển công tác.

Chỉ ra các nguyên nhân dẫn tới các tồn tại trên, Ban Kinh tế - Ngân sách, HĐND TP Hà Nội cho rằng, việc thành lập các BQLDA chuyên ngành trên cơ sở sáp nhập bộ máy tổ chức, con người từ nhiều cơ quan khác nhau nên rõ ràng cần một khoảng thời gian nhất định để ổn định tổ chức, tập trung vào công việc, nhiệm vụ được giao.

Cũng theo Ban Kinh tế - Ngân sách, số lượng cán bộ, người lao động nhiều hơn so với khối lượng công việc tương ứng số lượng dự án, kế hoạch vốn được giao triển khai nhưng tính chuyên nghiệp của các BQLDA, trình độ của cán bộ tham mưu chưa đồng đều. Việc chủ động phối hợp giữa các BQLDA với các sở, ngành của thành phố trong tháo gỡ khó khăn, vướng mắc khi triển khai các thủ tục đầu tư công còn hạn chế, chưa kịp thời. Một số chủ đầu tư lúng túng, chưa có sự phối hợp, chia sẻ thông tin kịp thời...

Kiến nghị thành phố một loạt các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho các BQLDA , Ban Kinh tế - Ngân sách cũng đề nghị các đơn vị này phải tiếp tục rà soát, kiện toàn bộ máy, cơ cấu tổ chức của đơn vị; xây dựng bộ máy tổ chức đảm bảo gọn nhẹ, tinh nhuệ, chuyên nhiệm để thực hiện các nhiệm vụ được giao, từ đó đảm bảo nguồn thu để tự chủ kinh phí đáp ứng chi trả lương cho cán bộ, người lao động.


DiaOcOnline.vn - Theo ANTĐ