Hơn 20.000 căn hộ phân khúc cao cấp đã và đang hình thành tại khu Đông TP.HCM. Sức ép lên hạ tầng đang có dấu hiệu tăng và sự kết nối hạ tầng giữa các dự án này dường như đang bỏ ngỏ.
Khu Đông TP.HCM (quận 2, 9) đang hiện diện những “đại gia” trong ngành bất động sản (BĐS) như Novaland, Đại Quang Minh, Vincom, Thảo Điền...
Dự án mọc như nấm
Xét về cơ hội để ở và cả đầu tư, phía Đông TP.HCM đang là lựa chọn khá tốt hiện nay vì đây là khu vực cửa ngõ TP, với hàng loạt dự án hạ tầng được xây dựng kết nối với toàn khu vực. Hơn nữa, so với mặt bằng chung, giá BĐS ở khu này đang ở mức hợp lý.
Nguyên do chính là sự hồi phục chung của cả thị trường BĐS trên tất cả phân khúc đã dẫn đến sự phát triển BĐS ở khu Đông TP.HCM. Các nhà đầu tư trong nước là nhân tố thúc đẩy, dẫn dắt thị trường như Đại Quang Minh, Novaland, Thảo Điền, Vincom…
Ngoài ra có sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài cũng tiếp tục đầu tư Capital Land, Kepelland. Điểm nhấn, dịch chuyển dòng vốn chủ đầu tư miền Bắc vào miền Nam, trọng tâm vẫn là TP.HCM. Đó là mặt sáng, tích cực của thị trường BĐS nhưng nhà đầu tư phải tỉnh táo ở phân khúc cao cấp.
Các cao ốc sát vòng xoay Cát Lái. Ảnh: HTD.
|
Bước ra cổng là đụng xe container
Tuy nhiên, vẫn có ý kiến nhiều khách hàng lo ngại là hiện nay khu vực quận 2, quận 9 rất phát triển nhưng nhìn tổng thể chung thì ở đây những khu tiện ích công cộng bên ngoài quy mô lớn phục vụ cho toàn khu như công viên, bệnh viện… lại không nhiều. Những cư dân trong dự án nào đấy chỉ được thụ hưởng tiện ích nội khu, ngoài ra không còn gì hơn. Ngoài ra, một lo lắng lớn nhất là hạ tầng giao thông vẫn chưa đáp ứng kết nối các khu dân cư theo quy hoạch với các khu đô thị, trung tâm hành chính. Trước mắt là lo ngại tình trạng kẹt xe, ùn tắc và những năm tới khi một số dự án hoàn thành sẽ có một lượng lớn dân cư đổ về sinh sống, liệu hạ tầng giao thông có thể hoàn thiện để đáp ứng kịp?
Bà Ngọc đang tìm mua nhà ở khu Đông TP theo lời khuyên của mấy người bạn. Đi xem nhiều dự án toàn nhà đầu tư có tên tuổi trên thị trường BĐS, căn hộ vừa ý, giá hợp lý, vị trí đẹp nhưng bà lại hơi lo lắng về giao thông.
“Có dự án tôi vừa ra cổng là đã thấy xe container chạy ào ào thấy sợ. Chưa kể vào giờ cao điểm còn kẹt xe, ùn tắc khiến tôi phải suy nghĩ lại. Cuối cùng tôi quyết định mua một căn hộ của dự án trên đường Mai Chí Thọ hướng về gần quận 1 hơn” - bà Ngọc chia sẻ.
Chúng tôi đóng vai một người mua nhà, nêu nỗi lo hạ tầng ở đây thì được nhân viên một sàn giao dịch BĐS trấn an chỉ ra nhiều đường di chuyển về quận 1. Nhân viên này còn thông tin tương lai sẽ di dời cảng Cát Lái nên giao thông sẽ thông thoáng, không còn xe container di chuyển. Tôi hỏi khi nào thì nhân viên cười trừ.
Đại diện một doanh nghiệp BĐS cho biết lý do phát triển BĐS khu Đông là khi quận 1 phát triển đến mức phải vượt qua các khu vực khác. Có các hướng đi quận 4, quận 8 nhưng quận này lại chỉ tập trung những người dân thu nhập thấp, trung bình. Vì vậy quận 2, quận 9 là hướng phát triển mở rộng thích hợp. BĐS khu vực Cát Lái “nóng” lên, TP.HCM cho xây dựng hạ tầng giao thông, các cầu vượt, tuyến tàu điện. Tuy nhiên, vẫn không khỏi lo ngại vì đây là cửa ngõ vào TP. Nếu hạ tầng chúng ta không quan tâm sẽ ảnh hưởng rất lớn.
“Phải công nhận một số tuyến đường ở quận 2, quận 9 hiện nay tập trung nhiều dự án. Hiện nay vẫn xảy ra tình trạng kẹt xe hàng dài đường ra cảng Cát Lái như đường Nguyễn Thị Định, Đồng Văn Cống. Hạ tầng giao thông qua hầm Thủ Thiêm, Mai Chí Thọ vẫn lo sắp tới đây gánh nhiều phương tiện giao thông lưu thông. Tôi cho rằng TP.HCM đã tính đến hệ số dân, các dự án để cân đối mật độ dân cư. Nhưng tốc độ phát triển của hạ tầng phải tương đồng với sự phát triển dân cư, vì thế phải kiểm soát cân đối hai yếu tố trên” - vị đại diện doanh nghiệp trên chia sẻ.
Cần xây dựng đường nội khu
Về vấn đề hạ tầng, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA), cho rằng lo ngại trước mắt thì đúng, riêng các tuyến đường ra cảng Cát Lái, nhiều xe container di chuyển ùn tắc giao thông, có thể đe dọa người đi xe máy, gây mất an toàn giao thông, nguy cơ đó có thật. Một lo lắng hơn nữa là đường kết nối nội khu chưa có sự kết nối, khu đô thị mới Thủ Thiêm phải kết nối với khu trung tâm hành chính quận 2 nhưng hiện nay nhiều đường vẫn chưa kết nối, đang xây dựng.
Vì vậy theo ông Châu, khi đã hoàn thiện các đường kết nối thì người dân sẽ đi trong các đường nội bộ, không đi các đường lớn này, tình trạng kẹt xe, mất an toàn giao thông giảm. Tuy nhiên, các nhà đầu tư chỉ có thể hoàn thành hạ tầng giao thông phạm vi trong dự án của mình, còn việc kết nối các dự án này cần sự chỉ đạo của “nhạc trưởng” là Nhà nước. Cũng cần có chính sách kêu gọi các nhà đầu tư BĐS nhận làm hợp đồng xây dựng - chuyển giao hình thức BT (hình thức đầu tư được ký giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư để xây dựng công trình kết cấu hạ tầng) các công trình để kết nối khu đô thị Thủ Thiêm, khu hành chính quận 2 với các khu dân cư theo quy hoạch.
Bên cạnh việc mở rộng các đường Nguyễn Thị Định, Đỗ Xuân Hợp, đường qua cầu Phú Mỹ phải mở rộng đúng theo thiết kế, phải dành làn đường riêng cho xe máy, nâng cấp chất lượng các đường đã mở rộng đạt chuẩn như đường Mai Chí Thọ. TP.HCM cũng cần rà soát quy hoạch để phát triển hạ tầng giao thông phù hợp với thực tiễn tốc độ phát triển các dự án khu dân cư hiện nay. Ông Châu góp ý.
DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật TP