Những dãy nhà mái lợp ngói, trần đan tre, trát vữa được sử dụng từ năm 70 của thế kỷ trước giờ đã xuống cấp nghiêm trọng. Vì kèo tre bị mối mọt mục ruỗng, ngói nứt vỡ khiến nước mưa rỏ xuống trần, tường gây ẩm mốc loang lổ.
Tình trạng cả mảng trần tự nhiên “nhảy dù” xuống nền nhà đã không còn là chuyện hiếm. Trong báo cáo vào mỗi mùa mưa bão, năm nào chính quyền địa phương cũng liệt kê dãy nhà trên vào diện “nhà nguy hiểm, cần sửa chữa cải tạo gấp”. Dự án cải tạo, xây mới dãy nhà này cũng đã được khởi động từ năm 2006 nhưng đến nay vẫn “án binh bất động”. Nhà hỏng, người dân cũng không được phép sửa chữa, cải tạo mà phải... đợi !
Đó là thực trạng dãy nhà hai tầng từ A1 đến A12 khu tập thể Văn Chương phường Văn Chương, quận Đống Đa (ảnh 1). Cùng chung tình trạng xuống cấp mà không được sửa chữa còn có các dãy nhà B1 ba tầng, B2 bốn tầng, D1 và E năm tầng, trong đó nhà B1 bị xuống cấp nặng nề không kém dãy nhà A.
Mái ngói tầng 3 lâu ngày không được sửa chữa đã nứt vỡ, trần tre mối mọt, tầng 1 bị lún hàng chục cm, tường bong tróc từng mảng lớn, thấm nước loang lổ, mốc meo, cây dại mọc cả trên tường và mái nhà (ảnh 2). Những ngôi nhà tập thể cũ kĩ này giờ đã lọt thỏm giữa những căn nhà hiện đại, cao tầng xây dựng trên đất lưu không, đất lấn chiếm.
Khu tập thể Văn Chương đã có dự án phá dỡ, xây mới do Công ty Xây dựng số 2 làm chủ đầu tư. Từ đầu năm 2006, sau khi điều tra xã hội học, chủ đầu tư đã lập phương án quy hoạch tổng thể, các thiết kế được đưa ra để người dân và các cơ quan chức năng góp ý, họp bàn, kiểm tra. Theo thiết kế ban đầu, sẽ có hai tòa nhà cao 24 tầng quay mặt ra hồ Văn Chương.
Ngoài ra, còn bốn tòa nhà 20 tầng, một số nhà cao 15 tầng phục vụ tái định cư tại chỗ, các dịch vụ kinh doanh, vui chơi, giải trí. Người dân khu vực rất phấn khởi, nhiệt tình ủng hộ dự án để mong được cải thiện điều kiện sinh hoạt, nâng cao chất lượng cuộc sống và làm đẹp cảnh quan khu vực.
Nhiều cuộc hội thảo đã được tổ chức rầm rộ nhưng sau đó chưa có bản thiết kế nào được duyệt. Nguyên nhân xuất phát từ những điểm chưa phù hợp với quy hoạch đô thị trong các thiết kế. Và thế là dự án “nằm im” từ giữa năm 2006 đến nay.
Trong những căn hộ cũ kĩ chỉ khoảng 20m2 có nhiều gia đình hai, ba thế hệ cùng chung sống. Tại một số tòa nhà như nhà B1, các gia đình vẫn phải sử dụng chung những khu phụ chật chội, vào những giờ “cao điểm” vẫn tái diễn cảnh xếp hàng như thời bao cấp. Còn nhiều hộ ở dãy nhà A cũng phải “đồng sở hữu” những họng máy nước “tắc, bụp” để phục vụ việc tắm giặt, nấu nướng... Không gian sống chật chội, cả chục hộ gia đình chỉ có duy nhất khoảng sân vài mét vuông trước mặt để phơi quần áo, giăng chăn màn, để xe đạp, xe máy.
Nhưng theo ông Nguyễn Đình Huấn, Chủ tịch UBND phường Văn Chương, tất cả những bất tiện này còn có thể khắc phục nhưng điều đáng lo nhất là tình trạng không an toàn của các dãy nhà, đặc biệt là dãy nhà A. Trong báo cáo hàng năm của phường đều ghi nhận đây là diện nhà nguy hiểm, cần được sửa chữa, cải tạo gấp.
Thế nhưng vì đã nằm trong dự án nên người dân không được phép tự làm, phải đợi dù không biết đợi đến bao giờ. Trụ sở làm việc của phường cạnh nhà A11 là nhà mái bằng một tầng xây từ năm 1984 hiện cũng đã xuống cấp, tường gạch lún nghiêng ra phía sau, ngấm nước loang lổ, diện tích làm việc chật chội. Tất cả các bộ phận chỉ có một phòng làm việc chung nên luôn trong tình trạng quá tải... Việc cải tạo, xây dựng trụ sở mới cũng phải đợi dự án.
Gần một nghìn hộ dân khu tập thể Văn Chương và các cán bộ chính quyền địa phương vẫn có thể tiếp tục đợi nhưng không ai đoán được những ngôi nhà cũ kĩ, những mái ngói dột nát có thể qua được mấy mùa mưa bão nữa.
Dự án cải tạo khu tập thể Văn Chương cũng như nhiều khu tập thể cũ khác trên địa bàn thành phố như các khu Nguyễn Công Trứ, Giảng Võ... cần nhanh chóng được “khởi động” lại để đạt mục tiêu lớn nhất là nâng cao chất lượng cuộc sống và bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản cho người dân...
Theo Hà Nội Mới