Sau nhiều lần ’trục trặc’, cuối cùng dự án cải tạo nhà B4 và B14 Kim Liên, một trong những khu chung cư cũ đã xuống cấp nghiêm trọng của thành phố, đã có những bước chuyển đáng mừng. Theo kế hoạch, dự án xây dựng lại hai khu nhà này sẽ được khởi công trong quý III năm nay.
Dự án chung cư B4 Kim Liên
Trong tháng 6-7, có 93 hộ dân (đợt 1) của hai nhà sẽ di dời về tạm cư tại nhà B10 và B7 cũ. Trước khi đưa ra phương án tạm cư tại đây, Cty cổ phần Xây dựng Sông Hồng, đơn vị được giao làm chủ đầu tư, đã chủ động bỏ ra hơn 12 tỷ đồng xây ốp 2 khu nhà B7, B10 nhằm đáp ứng tốt nhu cầu sinh hoạt cho các hộ dân.
Từ chỗ 7 hộ mới có 3 nhà vệ sinh chung, diện tích hẹp (không còn cơi nới), không có bếp nấu, không có nơi phơi quần áo..., hiện nay, mỗi căn hộ tạm cư từ tầng 1 đến tầng 4 đã được bố trí thêm 16 m2 làm khu bếp, khu phơi quần áo. Nhà vệ sinh cũng được cải tạo riêng biệt cho từng căn hộ. So với nơi ở cũ, hầu hết người dân ở hai khu nhà B4, B14 đều thấy hài lòng.
Giai đoạn 2, trong tháng 7-2007, dự kiến 47 hộ dân tầng 1 và một số hộ ở tầng 2, 3, 4 chưa có phương án đợt 1 sẽ tiếp tục tạm cư. Tuy nhiên đến nay, vấn đề khó khăn nhất vẫn là việc một số hộ dân tại tầng 1 nhà B4 chưa đồng tình với chủ trương của dự án. Theo báo cáo của chủ đầu tư, một số hộ này không cho tổ công tác vào điều tra, đo vẽ hiện trạng để lên phương án di dời, đền bù. Vì vậy, chủ đầu tư đã phải lấy toàn bộ hồ sơ từ ngành Địa chính-Nhà đất để lập phương án.
Ngoài ra, chủ đầu tư cũng kiến nghị thành phố sớm ban hành cơ chế, hành lang pháp lý để xây dựng phương án GPMB cho 72 hộ dân đang sống trên diện tích lưu không (dự kiến di chuyển vào tháng 8-2007). Với các trường hợp này, ngoài cơ chế đền bù theo quy định, chủ đầu tư và Hội đồng Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư quận Đống Đa đang phối hợp nghiên cứu, đề xuất một số giải pháp phù hợp theo mặt bằng chung trên địa bàn quận và thành phố.
Theo chủ đầu tư, việc giải quyết quyền lợi với 72 hộ sống trên diện tích lưu không ngoài sân cũng là một vướng mắc lớn của dự án. Nếu chỉ có sự nỗ lực từ phía chủ đầu tư, những vấn đề trên sẽ không thể giải quyết được. Trước hết, chính quyền các cấp phải tích cực thuyết phục, vận động người dân hiểu rõ “ích nước, lợi nhà” trong việc cải tạo 2 khu nhà này và cơ chế đền bù, để bà con cùng đồng thuận nhằm sớm triển khai dự án.
B4, B14 Kim Liên là một trong số nhiều dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ của thành phố vẫn “nằm trên giấy” trong nhiều năm qua. Nguyên nhân là do doanh nghiệp (DN) vẫn gần như “đơn thương, độc mã” lo từ quy hoạch đến điều tra khảo sát, lên phương án GPMB... trong khi đó còn phải tính đến hiệu quả kinh tế khi quyết định bỏ vốn ra đầu tư. Đặc biệt, việc GPMB đối với các dự án này rất khó khăn do tính chất phức tạp của dân cư sống trong khu vực.
Để thúc đẩy việc triển khai các dự án cải tạo, xây dựng chung cư cũ, theo các DN, trước hết cần phải xác định rõ trách nhiệm, quyền lợi các bên tham gia: Nhà nước, DN và người dân. Nhà nước cần tham gia đầu tư hạ tầng kỹ thuật, xã hội, khớp nối đồng bộ các khu vực xung quanh, giải quyết bức xúc về chất lượng trong các khu chung cư cũ, đồng thời tạo lập hành lang pháp lý, hỗ trợ cơ chế, chính sách phù hợp với đặc thù của từng dự án...
Người dân được cải thiện chỗ ở cũng cần xác định trách nhiệm trong việc xây dựng chính sách GPMB, di chuyển, đóng góp cho dự án. DN thực hiện dự án phải thực sự có năng lực về tài chính và có phương án giải quyết vấn đề tạm cư tốt nhất.
Nhiều DN cho rằng những giải pháp đưa ra tại dự thảo Nghị định về thực hiện cải tạo, xây dựng lại các chung cư cũ xuống cấp sẽ giúp họ giải quyết nhiều vấn đề vướng mắc bấy lâu khi tham gia các dự án. Cụ thể nhất là các dự án này được phép miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với diện tích được giao để thực hiện dự án và được chuyển đổi mục đích sử dụng đất một phần dự án...
Hy vọng với những tín hiệu mới, dự án B4, B14 Kim Liên sẽ là bước đột phá cho các dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ trên địa bàn thành phố.
Theo Hà Nội Mới