Dự án 750 triệu USD của Tập đoàn Thiên Thanh ở Đà Nẵng: Rối rắm chuyện đền bù (kỳ cuối)

Cập nhật 15/08/2014 15:30

Thời gian gần đây, thông tin về các lãnh đạo của Công ty TNHH Tập đoàn (TĐ) Thiên Thanh bị bắt khiến dư luận bất ngờ. Tại Đà Nẵng,  phía TĐ đầu tư nhiều dự án (DA), đặc biệt là khu phức hợp TMDV cao tầng tại sân vận động Chi Lăng (gọi tắt là DA Chi Lăng) quy mô khoảng 750 triệu USD. Điều bức xúc là khi TĐ này nhảy vào, người dân sống trên "khu đất kim cương" đang ăn nên làm ra bị giải tỏa khiến họ choáng váng, nhưng đã gần bốn năm trôi qua công tác đền bù vẫn chưa giải quyết xong, đang rối như canh hẹ…

HAI TỔ TRƯỞNG - MỘT NỖI NIỀM

Ông Nguyễn Thanh Long (nhà số 95 Lê Duẩn), Tổ trưởng tổ 1A, P.Hải Châu 2, Q.Hải Châu, Đà Nẵng, cho biết nhà và đất của gia đình ông được đền bù 1,6 tỷ đồng (sau thưởng thêm 100 triệu nhờ nhận đất sớm), nộp tiền lô mới trên đường Hải Phòng xong còn dư vài trăm triệu không đủ xây nhà, phải vay mượn thêm để dựng một căn vừa phải làm nơi kinh doanh.

>> Dự án 750 triệu USD của Tập đoàn Thiên Thanh ở Đà Nẵng: Rối rắm chuyện đền bù (kỳ 1)

Những hộ thuộc diện giải tỏa buôn bán ế ẩm

"Tôi làm tổ trưởng phải gương mẫu, nhưng nói thật thương hiệu may áo dài của gia đình tôi đã tồn tại hàng chục năm nay, giờ chuyển đi chẳng biết thế nào?", ông trăn trở. Theo ông, các hộ ở đường Lê Duẩn, một trong những khu "đỉnh" nhất Đà Nẵng mà lại bố trí lên hướng xa quá nên nhiều hộ không đi. "Vừa rồi xảy ra chuyện mấy ông ở TĐ Thiên Thanh bị bắt khiến người dân ít nhiều hoang mang nên làm sao họ có thể an cư để lạc nghiệp được? Giờ ở DA Chi Lăng người đi kẻ ở, chẳng biết tính thế nào. Người dân luôn chấp hành chủ trương chung, nhưng phải đền bù cho xứng đáng, công bằng thì họ mới yên tâm thực hiện. Kể cả người di dời rồi cũng phải hỗ trợ thêm cho hợp lí”, ông phân tích. Hiện tổ 1A có 37 hộ, nhưng đến nay vẫn còn gần nửa số đó chưa nhận đền bù.

Ông Quang - Tổ trưởng tổ 9A, P.Hải Châu 2 - cũng mang tâm trạng tương tự. Nhà ông cũng như một số hộ khác ở đường Triệu Nữ Vương đã giải tỏa 1 lần vào năm 2005, đến 2007 mới làm đường xong, sửa nhà chưa được bao lâu lại gặp... giải tỏa! Nghề sửa ôtô thất thế, đành mở quán chè Thái kiếm sống qua ngày. Đất và nhà của ông được đền bù 2,5 tỷ đồng, gia đình gồm 13 khẩu, đúng ra phải có lô phụ nhưng chỉ được phân lô chính ở đường Pasteur. "Mình là tổ trưởng phải gương mẫu nên đã nhận đất làm nhà, nhưng thực lòng cũng trăn trở lắm!", ông tâm sự. Tổ 9A hiện còn 11 trường hợp chưa nhận đất và tiền, trong đó có một số doanh nghiệp (DN).

BAN GIẢI TỎA ĐỀN BÙ CŨNG... VƯỚNG!

Dự án Chi Lăng được triển khai theo QĐ 6638/QĐ-UBND ngày 9-9-2010 của Chủ tịch UBND thành phố. Tổng diện tích quy hoạch 60.045m2, gồm 100 thửa. Theo báo cáo của Ban GTĐB, đến 22-11-2013 có 30/100 hồ sơ chưa nhận tiền, gồm 25 hộ dân và 5 DN. Thời điểm đó mới bàn giao 20/100 hồ sơ. Đã đăng ký đất và giao mặt bằng 39/80 hồ sơ. Công văn này cũng nêu: để chi trả hoàn thành DA, nhu cầu vốn cần được cấp thêm 70 tỷ đồng.

Căn cứ báo cáo này thì DA còn nhiều vướng mắc. Theo đó, các hộ bị giải tỏa yêu cầu hỗ trợ ngừng kinh doanh thỏa đáng khi phải di dời khỏi vị trí thuận lợi; đề nghị chuyển đổi, bố trí thêm đất tái định cư và so sánh với các hộ khác đã được giải quyết trên cùng DA. Hộ có đông nhân khẩu kiến nghị bố trí thêm đất tái định cư diện hộ phụ, chung cư...

Công văn 2179/UBND-QLĐBGT ngày 9-4-2012 của UBND thành phố bố trí cho các đơn vị, DN nằm trong diện giải tỏa di dời, cụ thể là Ngân hàng Kiên Long, Công ty CP công nghệ phẩm, Cửa hàng kinh doanh tổng hợp của Công ty CP thương mại dịch vụ Đà Nẵng, Công ty xuất nhập khẩu lâm đặc sản Quảng Nam, Tổng công ty vàng Agribank Việt Nam - Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn. Tuy nhiên, phía Kiên Long không thống nhất, đề nghị bố trí lại vị trí tương xứng; còn  các đơn vị khác kiến nghị giảm giá đất nhưng thành phố đã có văn bản không giải quyết.

Chủ tịch UBND quận Hải Châu - Lê Anh cho biết, từ sau báo cáo của Ban GTĐB (tháng 11-2013), đến nay ông chưa nhận được văn bản nào mới hơn. Hiện về phía quận vẫn chủ yếu thực hiện nhiệm vụ vận động tuyên truyền. Về việc một số lãnh đạo TĐ Thiên Thanh bị bắt, theo ông: "Các hộ có nhà, đất liên quan đến DA Chi Lăng lo lắng cũng đúng. Hiện nhà dân vẫn chưa đập nên họ có thể tận dụng kinh doanh, chứ nếu làm theo như một số dự án khác, bàn giao mà không làm thì nhếch nhác lắm, quây lại như ở một số khu đất vàng càng phức tạp hơn".

Chúng tôi đến Ban GTĐB số 1 tìm hiểu thông tin và những vướng mắc trong công tác GTĐB ở DA Chi Lăng thì ban này cho rằng chỉ được trả lời khi có chỉ đạo của Chánh văn phòng UBND TP. Đà Nẵng. Liên hệ với ông Võ Văn Thương, Chánh văn phòng UBND thành phố, ông này cho biết đang chỉ đạo Ban ĐBGT số 1 báo cáo tình hình GTĐB ở DA Chi Lăng, từ đó đề xuất lãnh đạo thành phố hướng xử lý. Còn vấn đề một số thành viên TĐ Thiên Thanh bị bắt có ảnh hưởng gì đến các DA ở Đà Nẵng, đặc biệt là DA Chi Lăng hay không, thành phố cũng đang nghiên cứu xem xét.

Mới đây, sau buổi làm việc với lãnh đạo TP.Đà Nẵng, chúng tôi có đặt câu hỏi với Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng về quan điểm của bộ sau khi xảy ra sự việc liên quan đến DA Chi Lăng, Bộ trưởng trả lời rằng: "Cái đó để về xem xét lại".

NHỮNG VẤN ĐỀ CẦN LÀM RÕ

Trong quá trình nắm thông tin, chúng tôi được nhiều người dân phản ánh không hiểu tại sao trong lúc các hộ thuộc diện ĐBGT đang lo lắng vì bị áp mức giá thấp, bố trí tái định cư chưa hợp lí thì vào thời điểm trên một số đại gia bất động sản lại tìm mua nhà, đất của số hộ giải tỏa? Đơn cử trường hợp căn nhà 162m2 của hiệu may S.C (đường Hùng Vương) của ông V., áp giá đền bù tiêu chuẩn 2 lô chính vẫn chưa xứng. Có người mua, ông chuyển giao bán phiếu lại 12 tỷ đồng cho đại gia bất động sản tên T. Giờ ông mua lại đất và làm nhà trên đường Đống Đa để tiếp tục giữ thương hiệu may của mình. Trong khi hiện tại ở đường Hùng Vương, hiệu may S.C vẫn được "trưng dụng" nhà cũ đến khi nào giải tỏa.

Hiện có hàng chục hộ chưa chịu nhận tiền ĐBGT vì cho rằng chưa hợp lí, chưa công bằng..., đề nghị cơ quan chức năng làm rõ. Một số hộ được bố trí ở các khu đất trên tuyến Ngô Gia Tự, Pasteur và đường 5,5m đang lo lắng do quy hoạch, bố trí bất hợp lí khi phía sau không hề có cống..., rất nguy hiểm khi xảy ra sự cố, điều này sai nguyên tắc trong quy hoạch xây dựng nhà ống ở thành phố. Ngoài ra, các hộ thuộc diện giải tỏa ở lô gốc ngã ba ngã tư hay khu đất rộng, đắc địa chưa được bố trí ở những vị trí hợp lí...

Không ít người tỏ ra băn khoăn về "khu đất kim cương" DA Chi Lăng, kiến nghị thành phố Đà Nẵng cần tỉnh táo cân nhắc bởi bài học nhãn tiền về một số khu đất vàng đang "trơ gan cùng tuế nguyệt" từng gây bức xúc trong dư luận.            


DiaOcOnline.vn - Theo CA TP. HCM