Dự án 143 Trần Phú (Hà Đông): Quay cuồng thế trận mua nhà

Cập nhật 15/04/2015 09:44

Là một trong số ít các dự án NƠTM được chuyển sang NƠXH đầu tiên ở địa bàn Thủ đô, 143 Trần Phú thời điểm hiện tại đã cơ bản xong thô. Chủ đầu tư dự kiến bàn giao nhà vào quý IV năm nay và đang “giục” khách hàng đóng tiền đợt 5 theo tiến độ. Tuy nhiên, nhiều thông tin xoay quanh dự án thể hiện một sự thật khác.

Tháng 2/2014, Sở Xây dựng Hà Nội công bố chi tiết danh sách 153 hộ đủ điều kiện mua đợt 2. Đồng thời, một list gồm 38 khách hàng (đã đăng ký và đủ điều kiện mua đợt 1) xin rút hồ sơ mua. Tìm hiểu cụ thể, mới biết cung đường để tiếp cận sản phẩm dự án không hề đơn giản.

Ta là một, là riêng…

Ở dự án 143 Trần Phú (do Công ty CP Đầu tư Xây dựng & phát triển đô thị Sông Đà – SDU làm chủ đầu tư), hành trình mua nhà của khách hàng đã bắt đầu từ hai năm trước.

Áp dụng đúng quy trình, dự án cao 35 tầng, hứa hẹn hơn 512 căn hộ vừa túi tiền – nhu cầu người mua được SDU yêu cầu khách hàng (đang nộp hồ sơ) đến Công ty nộp 70 triệu đồng đặt cọc mua nhà và ký vào bản cam kết được chủ đầu tư soạn sẵn với nội dung người mua nhà tự nguyện nộp (!)

Đó là thông tin phát đi từ nhiều khách hàng vào cuối quý III/2013. Đáng nói, SDU từng giải thích với Thượng đế rằng: đặt cọc sẽ chắc suất mua nhà. Trong khi theo luật định, người mua chuẩn bị đủ hồ sơ để nộp cho chủ đầu tư.

Các hồ sơ đủ tiêu chuẩn sẽ được nộp lên Sở Xây dựng thẩm duyệt và công khai danh sách “đỗ” trên Cổng thông tin của Sở. Sau 45 ngày công khai, không có vấn đề kiện cáo thì chủ đầu tư mới được ký hợp đồng với khách hàng.

Ngay trong những thông báo về nhận hồ sơ mua, thuê mua NƠXH, Sở Xây dựng Hà Nội đều lưu ý: “Chủ đầu tư chỉ được huy động tiền ứng trước, vốn của khách hàng khi đã xây xong phần móng”.

Cung cách bán hàng, huy động… tiền đặt cọc “vô tiền khoáng hậu” của SDU đã trở thành tâm điểm bức xúc của rất nhiều diễn đàn cộng đồng.

Quý I/2014, một mặt mải miết thi công cốt thép móng dự án, SDU mặt khác “giục” khách hàng ký hợp đồng nhằm “né” Thông tư 03/2014 của Bộ Xây dựng bắt đầu có hiệu lực từ ngày 8/4.

Hiện trường dự án chiều ngày 13/4.

Cụ thể, với hàng rào bất biến (giá không quá 15 triệu đồng/m2), hợp đồng ký sau 8/4 đồng nghĩa phần diện tích bán theo cách tính “thông thủy” sẽ nhỏ hơn “tim tường” (Thông tư 16) – giá trị lợi nhuận sụt giảm.

Đơn cử, căn diện tích 69,9m2 theo “tim tường” sẽ chỉ còn khoảng 67m2 theo “thông thủy”. 14,8 triệu đồng (đơn giá tháng 3/2014) x 69,9 = 1, 0345 tỷ đồng (cách tính trước 8/4) so với 14,8 x 67 = 991,6 triệu đồng (áp dụng Thông tư 03).

Khoảng hao hụt ngót 40 triệu đồng mỗi căn (tổng số 512 căn) giải thích động thái sốt ruột của SDU trong việc thúc khách hàng ký hợp đồng, dù móng công trình vẫn tứ bề ngổn ngang.

Ai đứng sau môi giới?

Khi PV đặt vấn đề tìm hiểu nguyên nhân từ bỏ giấc mơ an cư tại 143 Trần Phú, chị Chu Thị Quỳnh (ở Hà Đông) không ngần ngại trao đổi về quá trình tìm mua nhà của mình.

Do nhu cầu sinh hoạt, đầu năm 2014, cặp vợ chồng trẻ đã bàn nhau tìm tới dự án 143 Trần Phú với hy vọng cả hai đều là công chức, thuộc lực lượng vũ trang (đối tượng ưu tiên mua) và giá trị vừa túi tiền, đồng thời vị trí dự án gần nhà gia đình người vợ.

Theo đó, đầu quý II/2014, chị Quỳnh tìm hiểu dự án nhưng được thông báo đã hết suất mua. Qua môi giới, người này mừng rỡ vì “hoàn toàn có cách mua được”.

Tuy vậy, đã xuất hiện trở ngại đầu tiên về vấn đề hộ khẩu. Hai vợ chồng không cùng hộ khẩu (một người ở phường Mỹ Đình, một ở phường Văn Quán), quy định yêu cầu phải xác nhận chưa có nhà ở trước ngày 15/3/2014.

Trong khi đó, do mới lên quận (tách từ huyện Từ Liêm) nên… đổi dấu, phường Mỹ Đình chưa thể xác nhận cho người chồng vì phải lục lại con dấu cũ (?!) Trước khó khăn này, người môi giới tiếp tục khẳng định sẽ “giúp” khách hàng với chi phí nhất định sau khi thành công.

Tỏ ra bất ngờ vì khả năng “vượt chướng ngại vật” của môi giới (thông qua giới thiệu của đồng nghiệp đã mua, xuống tiền ở 143 Trần Phú) dù mới chỉ là hứa hẹn, cặp vợ chồng này tiếp tục “sốc” với đề nghị: Nếu thông suốt giao dịch, được ký hợp đồng với chủ đầu tư, môi giới sẽ được hưởng chênh lệch 2 triệu đồng mỗi mét vuông căn hộ. Như vậy, với căn hộ 70m2 (làm tròn) mà khách hàng “chấm”, ngoại trừ số tiền hơn 1 tỷ đồng phải thanh toán cho chủ đầu tư, Thượng đế phải chấp nhận chi “dưới gầm bàn” cho môi giới 140 triệu đồng. Đặt câu hỏi liệu hồ sơ có đủ điểm phê duyệt hay không (do đã hết đơt nhận hồ sơ), môi giới quả quyết: “Đủ điểm đỗ hay không là do… em. Chị chỉ việc thanh toán đủ tiền và chuẩn bị hồ sơ liên quan”.

“Thực sự mua nhà tại dự án quá phức tạp, mặc dù gia đình tôi đủ tiêu chuẩn (công chức, lương thấp, hai con nhỏ). Khi được biết dự án qua giới thiệu, nhiều đồng nghiệp trong đơn vị tôi đã mua từ trước đó nửa năm và không mất tiền chênh.

Họ còn khẳng định hiện (tháng 4/2014) dự án không còn bán sản phẩm ra thị trường, nếu muốn mua thì tìm trên mạng. Chán nản vì dự án thuộc gói 30.000 tỷ quá xa vời, đơn vị thì tạo điều kiện nhưng phường xã lại gây khó khăn. Cộng thêm môi giới quá lộng hành ở dự án nên gia đình tôi quyết định chuyển hướng mua nhà thương mại” – chị Quỳnh than thở.

DiaOcOnline.vn - Theo Thời báo Kinh doanh