Dòng tiền đang chảy về bất động sản

Cập nhật 02/02/2015 08:42

Năm 2014, tăng trưởng tín dụng chung trên 7% nhưng tăng trưởng trong lĩnh vực bất động sản trên 12%. Dòng tiền đưa vào bất động sản nhanh hơn nhiều so với dòng tiền đầu tư vào lĩnh vực khác.

Đó là nhận định tại hội thảo "Kinh doanh bất động sản: Cơ hội và thách thức trong bối cảnh thị trường có dấu hiệu phục hồi", do Hiệp hội Bất động sản Việt Nam phối hợp với Trường ĐH Kinh tế Quốc dân tổ chức tại TP HCM tuần qua.

Nhu cầu thực

Tỉ giá ổn định, lãi suất ngân hàng huy động giảm, kiểm soát tốt mua bán vàng... là những yếu tố được xem là cơ hội để dòng tiền trong xã hội hướng về bất động sản (BĐS). Nhưng trên tất cả các yếu tố đó là nhu cầu thật của người dân. Năm 2014, tăng trưởng tín dụng chung trên cả nước tăng trên 7% nhưng tăng trưởng trong lĩnh vực BĐS trên 12%.

Dòng tiền đưa vào BĐS nhanh hơn, nhiều hơn so với dòng tiền đầu tư vào lĩnh vực khác. Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam Nguyễn Trần Nam cho rằng điều này khẳng định nhu cầu về BĐS của người dân là có thực. Thứ trưởng cũng khẳng định: "Thị trường BĐS đang trên đà hồi phục chứ không còn là dấu hiệu phục hồi"!

Liên tục từ đầu năm 2013 đến nay, lượng giao dịch tăng liên tục trong 8 quý. Theo số liệu mới nhất 11 tháng năm 2014, lượng giao dịch tại 2 thị trường dẫn dắt là Hà Nội và TP HCM đã phản ánh rõ điều đó.

Tại Hà Nội có gần 10.000 giao dịch thành công, tức mỗi tháng có khoảng gần 1.000 giao dịch, tăng 100% so với cùng kỳ năm 2013. TP HCM có khoảng trên 6.500 giao dịch thành công, tăng khoảng 35% so với cùng kỳ năm 2013. Cơ cấu hàng hóa BĐS được điều chỉnh theo hướng phù hợp hơn với nhu cầu thực và khả năng thanh toán thực của khách mua nhà.


Thị trường bất động sản đang trên đà hồi phục cùng với niềm tin trở lại của người dân.

Niềm tin trở lại

Cùng với nhu cầu thực, các chuyên gia cho rằng sự hồi phục của thị trường BĐS thời gian gần đây còn có yếu tố niềm tin đã trở lại. Đó là các quy định bán nhà hình thành trong tương lai của chủ đầu tư được siết chặt hơn, tránh người dân "mua nhà trên giấy".

Cụ thể, theo Luật Kinh doanh BĐS (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua, chủ đầu tư phải có sự bảo lãnh của ngân hàng. Điều này sẽ hạn chế nhà đầu tư yếu kém không đủ năng lực, bảo đảm quyền lợi cho người tiêu dùng được mua sản phẩm có bảo lãnh, giảm nguồn cung ảo.

Mặt khác, các chủ đầu tư có ý thức hơn trong việc giữ lợi nhuận kỳ vọng vừa phải, không dùng các chiêu trò thổi giá khi thị trường có dấu hiệu phục hồi. Lượng giao dịch tăng nhưng giá ổn định, trừ một số dự án có vị trí đắc địa hoặc hàng hóa đặc biệt có nhích lên chút ít về giá.

TS Hoàng Kim Huyền, Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia, cho biết cùng với sự ấm lại của thị trường BĐS, xu hướng đầu tư hộ gia đình vào thị trường BĐS cũng đang tăng trở lại. Theo khảo sát của Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia vào tháng 8-2014, 24% người được hỏi cho biết có đầu tư vào BĐS, tăng 11 điểm so với khảo sát 6 tháng trước đó. Điều này cho thấy niềm tin vào thị trường BĐS đã hồi phục. Thị trường BĐS trở thành một kênh đầu tư hấp dẫn đối với hộ gia đình.

Tại hội thảo, các đại biểu cũng đánh giá thị trường bất động sản trong năm 2015 sẽ có thêm nhiều dấu hiệu tích cực. Theo Thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong năm 2014, các nhà đầu tư nước ngoài đã đăng ký đầu tư vào Việt Nam 20,23 tỉ USD, trong đó kinh doanh bất động sản xếp thứ 2 với 35 dự án đầu tư đăng ký mới, tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm là 2,54 tỉ USD, dự báo xu hướng này sẽ tiếp tục tăng.

Luật Nhà ở (sửa đổi) tạo điều kiện cho người nước ngoài được phép sở hữu nhiều loại hình BĐS tại Việt Nam chính thức có hiệu lực vào tháng 7-2015 sẽ là "cú hích" mới cho thị trường BĐS.


DiaOcOnline.vn - Theo Người Đồng hành