Dòng sông, biệt thự và hẻm phố Sài Gòn...

Cập nhật 07/09/2007 08:00

Văn hóa của Sài Gòn gắn liền với hẻm phố. Kiến trúc của Sài Gòn không thể thiếu biệt thự thời thuộc địa. Di sản thiên nhiên của Sài Gòn không gì hơn sông Sài Gòn...

Những tài sản vô giá này sẽ được gìn giữ thế nào khi khu đô thị trung tâm được chính quyền TP.HCM thiết kế lại?

Cuộc thi Ý tưởng thiết kế đô thị khu trung tâm TP.HCM đang trong giai đoạn “nước rút”. Mười hai công ty tư vấn dự thi phải hoàn thiện ý tưởng của mình trong tháng 9 tới. Ý tưởng hay nhất, khả thi nhất sẽ được thành phố chọn để lập quy hoạch, chỉnh trang lại khu đô thị trung tâm.

“Đầu bài”


Trong “đầu bài” của cuộc thi có viết: “Xu hướng đầu tư của các doanh nghiệp trong và ngoài nước vào các dự án phát triển bất động sản tại khu trung tâm thành phố trở nên sôi động nhất từ trước tới nay”. Thật vậy, hàng loạt dự án đầu tư xây dựng các cao ốc văn phòng, trung tâm thương mại, khách sạn, căn hộ cao cấp... đang được triển khai với tốc độ chóng mặt. Kiến trúc sư Nguyễn Trường Lưu, Hội Kiến trúc sư TP.HCM, nói: “Cứ sau một tuần công tác ở tỉnh về là thấy kiến trúc ở trung tâm thành phố có sự thay đổi. Không biết là nên vui hay buồn!”.

Chính quyền TP.HCM nhận định, đây là cơ hội cho thành phố thu hút đầu tư, cải tạo và chỉnh trang khu đô thị trung tâm. Vì vậy, cuộc thi ý tưởng thiết kế đô thị khu trung tâm sẽ giúp thành phố lập quy hoạch chi tiết để làm cơ sở pháp lý cho việc quản lý quy hoạch xây dựng; triển khai các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng và thu hút đầu tư.

Ông Phan Văn Trường, nguyên Giáo sư Đại học Paris-Sorbonne 1, nói: “Đọc kỹ hơn 20 trang tài liệu đầu bài của cuộc thi thì thấy rõ ràng ý của chính quyền thành phố là dần dần phá hết những khu nhà ổ chuột, lụp xụp để xây nhà cao tầng - vì thành phố muốn phát triển khu trung tâm thành đô thị đa chức năng: hành chính, thương mại dịch vụ, du lịch, tài chính ngân hàng, văn hóa, giáo dục, y tế, thể thao và cả đầu mối giao thông nữa!”.

Ông Trường cho rằng, đó cũng là một sự nỗ lực của nhà chức trách, nhưng do giá đất ở khu trung tâm quá cao nên xu thế tận dụng tối đa diện tích, xây dựng cao tầng và dày đặc khi chỉnh trang đô thị là rất khó tránh. Nếu vậy thì sức ép lên cơ sở hạ tầng (đã xuống cấp trầm trọng), môi trường và chất lượng cuộc sống của người dân thành phố là rất lớn. Hậu quả trước hết là gây nên nguy cơ hủy hoại các giá trị di sản về kiến trúc, cảnh quan, môi trường đô thị; kế tiếp là nguy cơ phát triển mất cân bằng với các phần còn lại của thành phố; và cuối cùng dẫn đến sự phát triển không bền vững.

Những yêu cầu và hệ lụy có thể có


Nhưng một trong những yêu cầu chủ yếu đối với sự phát triển khu trung tâm là đảm bảo tính khả thi và thu hút đầu tư. Ông Nguyễn Trọng Hòa, Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc, từng nói nhiều lần với các đơn vị tham gia dự thi: “Một đồ án quy hoạch rất hay và đẹp nhưng không thể thực thi được thì sẽ không có giá trị, đồng thời làm lãng phí thời gian, cản trở quá trình phát triển của xã hội. Do đó, đảm bảo tính khả thi và thu hút đầu tư là một yêu cầu tiên quyết”.

Theo các nhà nghiên cứu đô thị, thiết kế lại khu trung tâm cần hết sức chú ý đến ba yếu tố chính, đó là: di sản thiên nhiên sông Sài Gòn, đặc trưng kiến trúc biệt thự thời thuộc địa và văn hóa hẻm phố. Việc thu hút đầu tư và những hệ quả của nó có thể ảnh hưởng xấu đến các di sản nói trên của thành phố. Vì vậy chính quyền thành phố rất trông chờ vào ý tưởng thiết kế đô thị của các đơn vị dự thi.

Thật vậy, trong đầu bài của cuộc thi, chính quyền thành phố cũng rất chú ý đến yếu tố sông Sài Gòn và kiến trúc biệt thự cũ... Nhà nghiên cứu đô thị Larence Vilson, thành viên Ban tổ chức cuộc thi, cho rằng “Yếu tố chủ đạo trong phát triển đô thị trung tâm là sông Sài Gòn. Sự sống còn của dòng sông chính là sự sống còn của đô thị”. Vì thế, thành phố mong muốn phương án quy hoạch và thiết kế đô thị khu trung tâm cần xem sông Sài Gòn như là một trong những yếu tố quan trọng nhất.

Theo đó, sông Sài Gòn cần được nghiên cứu để bảo vệ và khai thác khéo léo sao cho hài hòa với sự phát triển chung của khu trung tâm, đem lại những lợi ích như: cải thiện môi trường; tăng cường không gian mở, không gian xanh (dải công viên cây xanh và không gian mở dọc bờ sông là một phần rất quan trọng trong toàn bộ hệ thống khu vực trung tâm. Đây là khu vực có thể coi là trung gian giữa hệ sinh thái sông nước với các hệ sinh thái khác sâu bên trong). Bờ sông Sài Gòn cũng đồng thời phải là cơ hội để thu hút đầu tư, xây dựng các công trình dịch vụ thương mại đa chức năng góp phần xây dựng hình ảnh thành phố năng động, hiện đại...

Với hệ thống các biệt thự, theo ông Hòa, hiện nay các biệt thự và công trình có giá trị kiến trúc đã và đang xuống cấp. Nhiều công trình đã được cải tạo và thay đổi hình thức, phong cách và công năng. Nhiều công trình đã bị đập bỏ và thay vào đó là những kiến trúc có phong cách hỗn tạp xen cài. Do đa số khu biệt thự cũ có vị trí thuận tiện (chủ yếu ở quận 3 và phía Bắc quận 1), giá trị bất động sản cao nên các chủ bất động sản có xu hướng muốn tháo dỡ các biệt thự để xây dựng nhà cao tầng. “Đây là một vấn đề nan giải mà thành phố chưa có chủ trương rõ ràng và nhất quán”, ông Hòa nói.

Không chỉ kiến trúc biệt thự, đầu bài của cuộc thi còn cho thấy thành phố muốn bảo tồn và phát huy cả giá trị của các khu vực đô thị và di sản kiến trúc có giá trị. Nhưng sự bảo tồn này làm sao hài hòa với các công trình kiến trúc mới là một bài toán khó. Làm sao kết nối giữa kiến trúc quá khứ và tương lai? Ông Larence Vilson đặt câu hỏi: “Vấn đề bảo tồn sẽ được thực hiện như thế nào khi mỗi mét vuông đất ở khu trung tâm có giá trị hàng chục ngàn đô la Mỹ?”.

Còn theo kiến trúc sư Lưu Trọng Hải, cần đặc biệt lưu ý đến hệ thống hẻm phố khi thiết kế lại khu trung tâm. Nếu xóa bỏ các khu nhà thấp tầng để xây cao tầng thì văn hóa hẻm phố sẽ không còn nữa. Ông Hải cho rằng, văn hóa của con người là linh hồn của đô thị. Văn hóa của Sài Gòn gắn liền với hẻm phố, vì vậy hẻm phố (tất nhiên không phải tất cả) là yếu tố cần bảo tồn trong quá trình phát triển đô thị. “Quá trình đô thị hóa, xóa bỏ ngõ, hẻm của Singapore là một bài học cho chúng ta”, ông Hải nói. 

Theo Quang Chung - TBKTSG