Đồng ruộng bỏ hoang, đường sá nham nhở, người dân Thanh Đa chới với giữa dự án treo 26 năm ròng

Cập nhật 19/10/2018 15:36

Dù chỉ cách trung tâm TPHCM vài cây số nhưng bán đảo Thanh Đa vẫn đang là vùng đầm lầy, ruộng đất hoang hóa, đời sống người dân khó khăn bởi quy hoạch kéo dài. Ảnh: Trường Sơn

Trái ngược với vẻ bình yên của một làng quê - có lẽ là duy nhất còn sót lại ở TPHCM - là nỗi lo lắng của hàng nghìn hộ dân ở phường 28, quận Bình Thạnh. 26 năm nay, họ không được phép xây nhà mới, đồng ruộng bỏ hoang, đường sá nham nhở bởi mảnh đất này được quy hoạch khu đô thị sinh thái.

Mới đây, UBND TPHCM đã chỉ đạo khởi động lại dự án khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa sau 26 năm bị treo khiến đời sống của hàng nghìn hộ dân nơi đây lâm cảnh khốn khó.

Ba phía của bán đảo Thanh Đa là sông Sài Gòn, phần còn lại là một con kênh lớn. Để sang đây bằng được bộ chỉ có lối duy nhất là qua cầu Kinh (hay còn gọi là cầu Kinh Thanh Đa). Ảnh: GGM

Bắt đầu từ năm 1992, khu vực này được đưa vào quy hoạch xây dựng khu đô thị với tổng mức đầu tư xấp xỉ 29.000 tỉ đồng. Đến năm 2004, dự án này được giao cho Tổng Cty Xây dựng Sài Gòn nhưng Cty này không thể triển khai được. Sau 12 năm sống trong vùng dự án, người dân nơi đây phải tiếp tục chờ TP kiếm nhà đầu tư khác. Do dính quy hoạch nên tất cả đất đai ở đây không được giao dịch theo thị trường, nhà cửa người dân muốn xây mới cũng không được, sửa chữa thì không xong. Ảnh: Trường Sơn

Đến năm 2010, quyết định giao dự án cho Cty trên được rút lại, TPHCM điều chỉnh quy hoạch 1/2000 với tổng diện tích hơn 426 ha bao trùm toàn bộ bán đảo (phường 28, quận Bình Thạnh). Đến năm 2015, liên danh Bitexco và Emaar Properties PJSC được UBND TPHCM chỉ định là nhà đầu tư dự án khu đô thị Thanh Đa - Bình Quới, với tổng vốn hơn 30.000 tỉ đồng. Sau đó, nhà đầu tư Emaar Properties PJSC rút lui khỏi dự án và chỉ còn lại Bitexco. Đến tháng 8 vừa qua, UBND TPHCM giao Sở Kế hoạch - Đầu tư khẩn trương tham mưu để tái khởi động dự án, Sở Xây dựng được chỉ đạo tạo điều kiện cho người dân sửa chữa tạm nhà cửa để sinh sống. Trong ảnh là cảnh người dân Thanh Đa vác cỏ về cho bò ăn vì đất đai ở đây không thể trồng lúa được, bán cũng không xong. Ảnh: Trường Sơn

Do nằm trong vùng quy hoạch nên đường sá ở đây hầu như không được đầu tư. Bao bọc quanh bán đảo ngoại trừ con đường Bình Quới đóng vai trò là xương sống được thảm nhựa, còn lại chủ yếu là đường đất, bêtông nhỏ hẹp, xuống cấp, ngập nước liên miên với chi chít ổ voi, ổ gà. Ảnh: Trường Sơn

Điện đường không có, người dân phải quyên góp lắp bóng đèn chiếu sáng những con đường nhỏ hẹp. Ảnh: Trường Sơn

Không thể mua bán được nên hầu hết đất đai ở đây không thể làm được gì nhiều ngoài việc để hoang cho cỏ mọc phục vụ chăn nuôi. Nhiều hộ có diện tích lớn, gần đường thì linh động cho thuê để làm quán ăn, nơi câu cá thư giãn. Ảnh: Trường Sơn

Dù sở hữu hàng nghìn mét vuông đất nhưng các hộ dân nơi đây phải sống trong những căn nhà tạm bợ bởi hàng chục năm không được sửa chữa nên xuống cấp. Họ cho biết, nhiều lần làm đơn xin sửa chữa lớn nhưng không được chấp thuận chỉ khi nào mái tôn thủng thì may lắm mới được đồng ý cho thay mới. Ảnh: Trường Sơn

Sau khi có chỉ đạo của TP về việc cho người dân được sửa chữa tạm nhà cửa, nhiều hộ đã lập tức sửa sang lại ngôi nhà của mình sau hàng chục năm phơi mưa nắng mà không được nâng cấp, tu bổ. Nhờ đó mà bộ mặt ở Thanh Đa hiện giờ có được vài gam màu tươi sáng hơn so với trước. Ảnh: Trường Sơn

Tuy vậy, chính quyền địa phương cũng đang phải rất đau đầu với tình trạng xây dựng không phép ở đây. Một bên là chỉ đạo cho sửa chữa nhà cũ trong khi chờ thực hiện "siêu dự án", một bên là nhu cầu có nhà mới để con cháu, người thân có nơi tá túc sau 26 năm biến động về dân cư. Ảnh: Trường Sơn

Ngoài khó khăn về nhà cửa, điều kiện sống, đất đai nơi đây cũng dần hoang hóa theo. Một số hộ dân cho hay, cách đây mấy năm họ vẫn trồng lúa nhưng nay buộc phải dẹp bởi vừa không có kênh mương thủy lợi, vừa bị chuột cắn phá nên ruộng đất nơi đây biến thành những bãi cỏ phục vụ cho đàn gia súc. Ảnh: Trường Sơn

Cuộc sống khó khăn do quy hoạch kéo dài hơn 2 thập kỷ, hầu hết người dân đều mong muốn TPHCM khẳng định là có thực hiện dự án này hay không và nếu có thì khi nào giải tỏa bồi thường để họ biết. “Một là làm, hai là không chứ chờ mãi 26 năm rồi mà vẫn thế này chúng tôi đã quá mệt mỏi” - ông Nguyễn Văn Chín ngụ tổ 28 than phiền. Ảnh: Trường Sơn



DiaOcOnline.vn - theo Lao Động