Đồng quê xôn xao vì dự án sân bay

Cập nhật 25/10/2014 10:07

Trong khi Dự án sân bay Quốc tế Long Thành (SBQTLT) chưa được Quốc hội cho ý kiến về chủ trương đầu tư hay không, thì các vùng thôn quê sáu xã của huyện Long Thành, nơi dự kiến xây dựng sân bay đã nhộn nhạo vì cò đất khuấy động.

Đường làng nhan nhản biển rao bán đất

Cách đây gần năm, trên hàng trăm tờ báo giấy, trang web, thông tin quảng cáo rao bán đất của hàng chục dự án dân cư, khu đô thị tại huyện Long Thành, Nhơn Trạch đều chiếm lĩnh diện tích khổng lồ. Dường như bất cứ thông tin rao bán đất nào các chủ đầu tư cũng đều gắn với "đất sân bay", "cảng hàng không quốc tế", "cửa ngõ sân bay quốc tế Long Thành" để chiêu dụ khách hàng. Không ít nhà đâu tư có tiền khắp cả nước, từ Sài Gòn, Hà Nội, Hải Phòng... thi nhau "ôm" đất nền nhà phố, ruộng, vườn để chờ cơ hội. Tuy nhiên, sau đợt sốt của thị trường địa ốc năm 2006, 2007, thì giới đầu cơ gần như vỡ mộng. Không ít người giờ vẫn "ôm" hàng chục lô đất nền, hàng chục hecta đất vườn, ruộng để chờ cơ hội.


Rao bán đất từ trên cây


...tới cột biển báo hiệu

Hơn một tháng qua, sau khi ngành hàng không nước nhà và Bộ Giao thông vận tải làm báo cáo trình Chính phủ đề nghị đưa ra Quốc hội xin ý kiến về chủ trương đầu tư, một lần nữa, vùng đất này lại "nóng lạnh" vì thông tin. Đi vòng quanh khu vực mà cơ quan chức năng - cụ thể là Trung tâm Phát triển Quỹ đất tỉnh Đồng Nai và của huyện Long Thành công bố tấm bản đồ "có hình chữ nhật màu đỏ đỏ 5.000 ha" - cái tên mà người dân các xã này dùng để gọi vùng quy họach SBQTLT trên bản đồ - chúng tôi lại thấy hàng trăm tấm pano, băngron bằng vải, thậm chí tấm bìa giấy carton, một thanh gỗ dùng để rao bán đất đai.

Tại khu vực Ngã ba Nhơn Trạch, điểm nối Quốc lộ 25B từ Nhơn Trạch ra Quốc lộ 51 được giới đầu tư, cò đất đặt cho cái tên mĩ miều là "cửa ngõ Cảng hàng không Quốc tế Long Thành", đang trở thành điểm nóng rao bán đất. Đoạn Quốc lộ 25B sát Ngã ba Nhơn Trạch, những cột điện, cột thông tin đều đựơc treo băngron đỏ rực để rao bán đất của dự án có tên là Victoria (do Cty Đinh Thuận đầu tư. Cty Đất Xanh Đông Nam Bộ phân phối). Trên Quốc lộ 51, thông tin về dự án này cũng được treo đầy rẫy hai bên đường. Từ Long An, lên đến thị trấn Long Thành, xuống xã Long Phước, thậm chí vào đến xã Bàu Cạn cách đó hơn chục cây số đều có những tấm băng rôn rao bán đất của dự án này. Cò đất tên Hoàng dẫn chúng tôi đến sát dự án rồi chỉ về hướng Tây Bắc: "Sân bay cách đây có 3km thôi anh. Dự án này chỉ còn vài nền đẹp thôi. Giá 320 triệu/nền 5 x 18,5m, đường nội bộ rộng 17m, đường chính dự án rộng 32m. Đây là cửa ngõ sân bay rồi. Không còn chỗ nào đẹp hơn". Bữa giờ mấy người ngoài Bắc vào mua nhiều lắm. Đất ruộng xa xa đường kia năm ngoái chỉ 200 - 300 triệu một công (1.000m2). Giờ anh đi mua thử coi, 400 - 600 cả rồi. Tăng nhiều rồi, khó mua lắm".

Chia tay Hoàng, chúng tôi đi một vòng quanh cả sáu xã, từ xã Long An, vào Bình Sơn, qua Cẩm Đường, về lại xã Suối Trầu, Bàu Cạn, Long Phước, đâu đâu cũng đầy những biển rao bán đất chi chít chữ ra bán "đất sân bay", đất nền, ruộng, vườn.

Con đường dẫn vào ấp 3, xã Long An được một cò đất tên Hường thông báo chắc nịch: "Đây là một trong sáu con đường chính vào sân bay". Từ đầu đường sát Quốc lộ 51, không khó để nhận ra tấm bảng gắn chắc chắn vào cột điện "Dự án bất động sản Sân bay Long Thành" có cả hình ảnh rất bắt mắt là nhà ga và những chiếc máy bay to đùng trên đó. Phía dưới tấm bảng còn được chủ đầu tư ghi chú "Mặt tiền đường 32m. Cổng chính sân bay Quốc tế Long Thành, giá chỉ với 254 triệu/nền".


Địa điểm được cho là nơi xây dựng sân bay Long Thành. Nguồn: Từ Internet

Dự án của trên  do Cty Vinh Hương Phát đầu tư, Cty Nam Tiến phân phối. Đi từ Quốc lộ 51 vào hơn một cây số, dự án nằm bên tay trái. Khu đất đã được quy họach, làm hạ tầng khá hoàn chỉnh. Một cò đất tên Hương, thổ địa tại đây khoe: "Đất nền ở đây dân thành phố về mua hết rồi". Có lẽ đúng như lời của Hương, dân thành phố mua để đầu cơ, nên cả dự án chưa có căn nhà nào, đang được người dân thả bò.

Dự án vẫn "treo" dài dài

Ở hướng Tây Bắc khu "quy hoạch sân bay" là khu vực ấp 2, xã Suối Trầu  ấp may mắn nằm ngoài rìa của khu "quy hoạch hình chữ nhật màu đỏ 5.000ha", 82 hộ dân có vẻ rất phấn khởi vì không bị giải tỏa, sau khi các cơ quan chức năng huyện Long Thành và tỉnh Đồng Nai tiến hành khảo sát, điều tra cơ bản tình trạng sử dụng đất đai, dân cư để lên phương án đền bù giải tỏa khi dự án được thực hiện.

Ngoài các hộ ở ấp 2, hai ấp còn lại của xã Suối Trầu có 110 dân là khu vực "lõi" của "khu quy hoạch" dự án sân bay, người dân mang nhiều tâm trạng vui buồn lẫn lộn khi thông tin Dự án SBQTLT được "hâm nóng" lên những ngày qua. Anh Đặng Tiểu Bình (SN 1953, ngụ ấp 1), đi kinh tế mới vào đây từ năm 1980. Đại gia đình anh sống với khu vườn hơn 6ha hơn 30 nam nay. Hàng ngày, anh vẫn vác rựa phát quang xung quanh khu vườn tràm sắp đến tuổi thu hoạch của mình, nhưng với tâm trạng nặng nề. "Dự án của Quốc gia, làm thì bà con cũng chấp hành giao đất, di dời đến khu tái định cư thôi. Nhưng mà không biết làm hay không, hay cứ "treo" hoài. Hơn chục năm nay chúng tôi không thể chia đất, tách thửa cho con cái khi chúng có gia đình. Cơ quan chức năng không cho tách thửa, sang nhượng, mua bán từ lâu rồi" - anh Bình cho biết.

Theo lời anh Bình, dự án đã manh nha ý tưởng hơn 30 năm nay rồi. Vì từ năm vợ chồng ông sinh con đầu lòng (năm 1982), đã có cơ quan đo đạc đến đo. Khi ông hỏi đo làm gì thì có người trả lời nơi đây sau này sẽ làm sân bay. Một thời gian dài không nghe gì nữa. Cách đây gần 10 năm thì lại được thông báo sẽ làm sân bay. "Mấy năm gần đây, người dân chúng tôi còn bị "treo" nhiều thứ khác. Như việc các ngân hàng cho dân ở đây vay tín dụng theo thời vụ, ngắn hạn. Còn vay trung, dài hạn đều bị "đóng" vì lý do không biết dự án triển khai khi nào. Nếu làm ngay khi dân đang vay tiền để trồng trọt, chăn nuôi lâu dài thì rủi ro cho ngân hàng. Nên thay vì đầu tư mạnh cho khu đất để tăng năng suất, giá trị, tui chỉ trồng tràm. Cứ ba năm khai thác một lần, vậy mà đã mấy lứa rồi. Sân bay vẫn chưa biết khi nào làm" - ông Bình phân trần.

DiaOcOnline.vn - Theo CA TPHCM