Đồng Nai: Loạn “nhà nhảy dù” quanh khu công nghiệp

Cập nhật 15/04/2015 08:38

Tình trạng phân lô bán nền đất nông nghiệp gần các khu công nghiệp (KCN) tại Đồng Nai như Nhơn Trạch, Long Thành, Trảng Bom và TP. Biên Hòa đang diễn ra rất phức tạp, nhưng chính quyền địa phương vẫn chưa thể ngăn chặn hữu hiệu.


Nguyên nhân được xác định là do các KCN Đồng Nai thu hút một lượng lớn lao động nhập cư, nhưng chưa kịp bố trí kịp chỗ ở và nguồn cung nhà ở xã hội vẫn rất thấp.

Hiện trên địa bàn tỉnh Đồng Nai có 31 KCN với 1.400 DN có vốn nhà nước và 12.000 DN tư nhân, liên doanh với khoảng 500.000 công nhân làm việc trong các KCN, chưa kể đến lượng người “đi theo” các công nhân này.

Theo số liệu báo cáo của Sở Xây dựng Đồng Nai, lượng nhà ở xã hội và nhà trọ của dân tự phát xây dựng chỉ mới giải quyết khoảng 50% nhu cầu về chỗ ở của người nhập cư. Như vậy, còn khoảng 50% vẫn phải tự tìm chỗ ở nên tình trạng xây nhà không phép tại địa phương này diễn ra khá nóng. Nhận thấy nhu cầu chỗ ở lớn của công nhân nhập cư, nhiều gia đình có đất ven KCN đã tự mở đường rồi phân lô bán nền trên diện tích đất trồng trọt, canh tác của gia đình. Ghi nhận của phóng viên Đầu tư Bất động sản cho thấy, đất nông nghiệp được phân lô từ 70 - 120 m2 có giá từ vài chục đến khoảng 100 triệu đồng. Mua xong, các gia đình công nhân chỉ phải bỏ thêm vài chục triệu nữa có thể xây nhà cấp 4 hoặc nhà tạm để ở.

Trong vai một công nhân đi tìm mua đất nhảy dù, phóng viên được Tư Bình - một cò đất khu vực gần KCN Biên Hòa cho biết: “Dân mua vẫn biết là đất nông nghiệp, không được tách bìa làm sổ nhưng cái chính là rẻ, vừa túi tiền, tiện dụng. Một gia đình có 4 người đi làm nếu thuê nhà trọ cũng mất 1,5 - 2 triệu đồng/tháng, ở chui rúc bẩn thỉu, trong khi có hơn trăm triệu đã có nhà đất đàng hoàng. Việc mua bán là 2 bên tự thỏa thuận, việc xây nhà thường diễn ra ban đêm nên chính quyền khó phát hiện, khi đã phát hiện được thì chuyện đã rồi”.

Theo cò Bình, khi người bán và cả người mua bắt tay nhau thì chính quyền khó phát hiện. Người bán sẽ tập kết sẵn vật liệu làm đường trong các lô đất đang trồng trọt, sau đó chia ra bán. Người mua tập kết vật liệu và xây dựng vào ban đêm để tránh bị phát hiện. Đồng thời, họ còn cho người canh giữ trên các cung đường vào khu vực đang xây dựng, nếu thấy cán bộ của phòng quản lý đô thị sẽ báo để khu vực đang xây dựng trái phép tạm thời “giải tán”. Tuy nhiên, “sự cẩn thận” này cũng chỉ được áp dụng tại khu vực TP. Biên Hòa nơi dễ bị phát hiện, còn ở các khu vực khác như Trảng Bom, Nhơn Trạch, Long Khánh thì cứ… vô tư xây dựng.

Ông Lê Thành Mỹ, Phó chủ tịch huyện Nhơn Trạch cho biết: “Tình trạng phân lô bán nền diễn ra khá phức tạp ở những khu vực gần KCN, huyện đã giao cho các xã và Phòng Quản lý đô thị thường xuyên kiểm tra xử lý”. Tuy nhiên, ông Mỹ cho rằng, việc mua bán là do 2 bên lén lút thỏa thuận nên rất khó phát hiện.

Bên cạnh đó, Luật Xây dựng năm 2014 quy định: Công trình xây dựng ở nông thôn thuộc khu vực chưa có quy hoạch phát triển đô thị và quy hoạch chi tiết xây dựng được duyệt; nhà ở riêng lẻ ở nông thôn (trừ nhà ở riêng lẻ xây dựng trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử - văn hóa) thì được miễn giấy phép xây dựng. Quy định này tạo điều kiện cho người dân và giảm thiểu thủ tục hành chính đối với dân cư nông thôn. Tuy nhiên, đây cũng là cái khó của chính quyền Đồng Nai trong việc xử lý xây dựng nhà tạm, nhà trái phép. Với quy định này, chính quyền chỉ có thể “xử phạt” các trường hợp vi phạm theo quy định với mức phạt từ 2 - 3 triệu đồng.

Khá bức xúc về vấn đề này, nhưng ông Trần Văn Vĩnh, Phó chủ tịch tỉnh Đồng Nai cũng tâm tư: “Nhu cầu có nhà ở của người dân là nhu cầu chính đáng, nếu không giải quyết được điều này thì việc xây nhà trái phép hoặc không phép cũng giống như… bắt cóc bỏ đĩa. Biện pháp của tỉnh là kiên quyết xử lý nghiêm tình trạng xây dựng trái phép. Trường hợp đã xảy ra rồi thì yêu cầu các ban ngành tham mưu xử lý cho có lý có tình, bởi chủ các căn hộ trái phép này hầu hết là công nhân nghèo nhập cư”.

Trao đổi với Đầu tư Bất động sản, ông Tạ Huy Hoàng, Giám đốc Sở Xây dựng Đồng Nai cho biết, đang nghiên cứu phương án lập quy hoạch các khu dân cư gần các KCN để tạo điều kiện cho người nhập cư có nhà cũng như tạo nguồn thu ngân sách từ quỹ đất. Tuy nhiên, các vùng phụ cận thì chủ yếu là đất thuộc sở hữu của dân, liên quan đến định giá, giải phóng mặt bằng. Khi đã hình thành ra các khu dân cư thì phải xây dựng hạ tầng và giá cho một m2 đất chắc chắn không phải là mức trên dưới 1 triệu đồng như “đất chui” đang giao dịch, trong khi khả năng của đối tượng mua không thể có nhiều tiền hơn. Sở có đưa phương án xử lý thì cũng phải dựa trên nguyên tắc “ích nước, lợi dân”.

Về giải pháp xử lý, ông Hoàng cho rằng, đối với các khu vực đang “nóng” về vấn đề này, phải xử thật nghiêm các trường hợp xây mới để ngăn chặn, răn đe. Còn với khu vực nông thôn chưa ảnh hưởng nhiều thì phạt và giải thích, thuyết phục người dân để họ tính toán cái lợi, cái hại khi mua đất chui.

DiaOcOnline.vn - Theo Đầu tư Bất động sản