Theo UBND tỉnh Đồng Nai, các doanh nghiệp đầu tư nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh đã xây dựng gần 1.000 căn nhà, nhưng so với số lượng công nhân nhập cư trên 500.000 người thì nhu cầu về nhà ở cho các đối tượng thu nhập thấp rất lớn.
Theo báo cáo đến đầu tháng 12/2015, các ngân hàng đã hỗ trợ cho 330 khách hàng cá nhân vay 183 tỷ đồng mua nhà ở xã hội, nhà ở thương mại từ gói 30 ngàn tỷ đồng. Các dự án bất động sản trên địa bàn tỉnh phần lớn triển khai chậm so với quy định của nhà nước. Hiện trên địa bàn tỉnh còn tồn hơn 500 nền đất, gần 150 căn nhà ở.
Trong đó, có nhiều dự án tại huyện Nhơn Trạch, Long Thành đã hoàn thiện hạ tầng, nhưng người dân không mua và đến ở, vì thiếu hạ tầng kết nối, các dịch vụ đi kèm.
Tỉnh có 5 khu công nghiệp có nhu cầu nhà ở cho công nhân lớn nhưng chưa có dự án đầu tư trong khi đó tỉnh còn diện tích đất có thể điều chỉnh quy hoạch bố trí đất xây dựng nhà ở công nhân là: Amata, Hố Nai, Thạnh Phú, Sông Mây (giai đoạn 1), Bàu Xéo...
UBND tỉnh cũng cho biết thêm, Đồng Nai làm nhà ở xã hội, nhà ở công nhân khá tốt, nhưng so với số lượng công nhân nhập cư trên địa bàn tỉnh (500 ngàn người), thì đây là con số còn khiêm tốn. Hiện, nhu cầu về nhà ở xã hội tại Đồng Nai vẫn còn rất lớn, vì vậy tỉnh mong Ban chỉ đạo Trung ương về Chính sách nhà ở và thị trường bất động sản kiến nghị Chính phủ kéo dài thời hạn gói vay 30 ngàn tỷ đồng. Đồng thời, giảm các quy định, tạo thông thoáng để người dân tham gia xây dựng nhà trọ giảm giá thuê nhà ở cho người lao động.
DiaOcOnline.vn - Theo Trí thức trẻ