Đồng Nai cần xây dựng 3 triệu m2 nhà ở mỗi năm

Cập nhật 15/05/2013 10:33


Ảnh minh họa. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)
Theo ông Nguyễn Thanh Lâm, Phó giám đốc Sở Xây dựng Đồng Nai, để đáp ứng nhu cầu về nhà ở cho người dân, từ nay đến năm 2020, mỗi năm tỉnh Đồng Nai cần xây dựng 3 triệu m2 nhà ở.

Nhu cầu vốn cho giai đoạn đến năm 2015 là 12.305 tỷ đồng, giai đoạn 2016-2020 là 19.144 tỷ đồng.

Thống kê cho thấy, giai đoạn 2000 - 2009, mỗi năm tỉnh Đồng Nai đã xây dựng được gần 2,9 triệu m2 nhà ở. Tuy nhiên, đến nay nhu cầu về nhà ở của người dân ở Đồng Nai, đặc biệt là công nhân vẫn chưa được đáp ứng đủ.

Theo khảo sát, nhu cầu nhà ở cho cán bộ, công chức, viên chức, công nhân, sinh viên và người thu nhập thấp từ nay đến năm 2020 đều tăng. Cụ thể, hiện có 324.000 người cần mua, thuê nhà, đến năm 2015 con số này là 650.000 và vào năm 2020 là khoảng 784.000 người.

Ông Lâm cho biết, 10 năm trước, mỗi năm Đồng Nai xây dựng được 2,9 triệu m2 nhà ở, song đây là thời điểm bất động sản đang phát triển mạnh. Còn từ nay đến năm 2020, để đạt mục tiêu xây dựng mỗi năm 3 triệu m2 nhà ở cần có sự tham gia đầu tư rất lớn của cộng đồng dân cư và chủ đầu tư bất động sản.

Từ khi có chủ trương chuyển đổi nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội, tại Đồng Nai đã có 3 dự án xin chuyển đổi với khoảng 1.600 căn hộ.

Toàn tỉnh cũng đã có 72 dự án nhà ở cho công nhân được phê duyệt với diện tích 650 ha, trong đó có 18 dự án đã đưa vào sử dụng, góp phần bố trí chỗ ở cho khoảng 20.000 công nhân.

Có một thực tế là nhiều dự án nhà ở cho công nhân ở Đồng Nai dù được kỳ vọng nhưng vẫn đang chậm tiến độ. Đơn cử là dự án nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp ở phường Tam Hòa, thành phố Biên Hòa do Công ty cổ phần đầu tư phát triển Sơn An làm chủ đầu tư.

Dự án được được thiết kế với 22 tầng, 408 căn hộ, giải quyết chỗ ở cho trên 2.000 người, dự kiến hoàn thành năm 2013 nhưng nay vẫn còn ngổn ngang. Lý giải việc chậm tiến độ, đại diện công ty cho rằng doanh nghiệp không tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi.

Ông Lâm chia sẻ Đồng Nai hiện có 280.000 công nhân có nhu cầu thuê, mua nhà, đến năm 2015 con số này tăng lên 360.000 người.

Nhiều dự án nhà ở công nhân đã được phê duyệt nhưng doanh nghiệp đăng ký rồi để đó hoặc triển khai một cách cầm chừng. Chủ đầu tư không mấy "mặn mà" với chương trình nhà ở công nhân, bởi việc đầu tư không thu được lãi.

Để giải quyết nhu cầu về nhà ở cho công nhân, Đồng Nai cần có phương án xây mới nhà ở công nhân trong các khu công nghiệp, đồng thời nâng cấp, sửa chữa, đấu nối hạ tầng trong các khu vực nhà trọ mà tư nhân xây dựng, từng bước cải tạo nơi ở cho công nhân.

Làm được điều này, mục tiêu 50% công nhân có chỗ ở vào năm 2015 mới được giải quyết.

Ông Lâm cũng cho biết, tỉnh Đồng Nai đã đề nghị Bộ Tài chính ứng vốn để mua 7 dự án bất động sản đang hiện hữu dùng để chuyển đổi sang nhà ở xã hội, tái định cư.

Về lâu dài, tỉnh cũng kiến nghị cần có các chính sách về vốn, thuế đối với nhà ở công nhân. Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp trong tỉnh đã tự đứng ra xây nhà ở cho công nhân của đơn vị mình. Đây là cách làm hay, cần sự hưởng ứng của đông đảo các doanh nghiệp.

DiaOcOnline.vn - Theo TTXVN