Đồng loạt khởi động các "siêu" dự án giao thông

Cập nhật 27/03/2008 11:00

Bền lề hội nghị tổng kết công tác năm 2007 của ngành GTVT, Bộ trưởng Bộ GTVT Hồ Nghĩa Dũng cho biết, năm 2008 là năm đẩy mạnh triển khai các dự án giao thông trọng điểm.

Thời điểm hiện tại đã cho thấy, hàng loạt các siêu dự án giao thông của ngành này đang được khởi động một cách tích cực…

Nhắm mạnh về Hà Nội

Tín hiệu đáng mừng nhất của những tháng đầu năm là Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng đã đi kiểm tra dự án cầu Nhật Tân và chỉ đạo phải gấp rút triển khai dự án này. Bộ GTVT cũng vừa cho biết, đã thống nhất đề xuất của đơn vị tư vấn về hướng tuyến đường nối thẳng từ đầu cầu Nhật Tân (phía Đông Anh, Hà Nội) đến Cảng hàng không quốc tế Nội Bài. Khi tuyến đường này được xây dựng, lộ trình đến sân bay Nội Bài sẽ chỉ dài khoảng hơn 10km. Dự kiến, dự án tuyến đường Nhật Tân - Nội Bài sẽ được JBIC bố trí vốn trong tài khóa 2009.

Trước dự án trên, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng chỉ đạo: Tuyến Nhật Tân - Nội Bài khi đầu tư phải đảm bảo phù hợp với định hướng quy hoạch mở rộng Thủ đô. Do vậy, Vụ Kế hoạch đầu tư (Bộ GTVT) sớm hoàn chỉnh văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ kiến nghị bổ sung đường Nhật Tân - Nội Bài vào Quy hoạch giao thông TP Hà Nội, đồng thời trình Thủ tướng quy hoạch hướng tuyến của tuyến đường để sớm được phê duyệt. Trước mắt, để đáp ứng tiến độ thực hiện, Phó Thủ tướng Chính phủ cho phép ứng vốn ngân sách, đồng thời đồng ý chỉ định thầu công tác tư vấn thực hiện dự án (bao gồm: tư vấn lập dự án; tư vấn thiết kế kỹ thuật; tư vấn giám sát) là Tổng Công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải (TEDI).

 Ngoài tuyến đường kể trên đang được gấp rút chỉ đạo xây dựng thì Bộ GTVT vừa có quyết định giao nhiệm vụ tuyển chọn tư vấn lập đề xuất dự án đường vành đai 4 và 5 của TP Hà Nội cho Cục Đường bộ Việt Nam. Theo đó, 2 vành đai này sẽ được đầu tư theo hình thức BOT và cùng đi qua Hà Nội, Hà Tây, Bắc Ninh, Hưng Yên, Vĩnh Phúc. Vành đai 5 ngoài các địa điểm trên sẽ còn kéo qua Hòa Bình, Hà Nam.

Vành đai 4 sẽ kết nối các tuyến quốc lộ và cao tốc hướng tâm, nối các khu công nghiệp, khu đô thị liền kề thủ đô Hà Nội, chạy qua các khu vực Phúc Yên, Mê Linh (Vĩnh Phúc); Đan Phượng, Hoài Đức, Hà Đông, Thường Tín (Hà Tây); Văn Giang, Yên Mỹ, Văn Lâm, Như Quỳnh (Hưng Yên); Tiên Sơn, Tiên Du, Yên Phong (Bắc Ninh); huyện Hiệp Hoà, (Bắc Giang); Sóc Sơn (Hà Nội). Bên cạnh đó, một vành đai liên kết các đô thị vệ tinh xung quanh Hà Nội: thành phố Vĩnh Yên - thành phố Sơn Tây - đô thị Hoà Lạc - thị trấn Xuân Mai - Miếu Môn - Đồng Văn - thị xã Hưng Yên - thành phố Hải Dương - thị trấn Chí Linh - thành phố Bắc Giang - thị xã Sông Công (Thái Nguyên)...

Khởi công hàng loạt các siêu dự án

Thời gian tới, Bộ GTVT triển khai tiếp hàng loạt dự án giao thông khác với số vốn khổng lồ. Cụ thể, dự án đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai có chiều dài 264 km với số tiền giai đoạn 1 đã lên tới 19.984 tỷ đồng. Dự án đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng có tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 24.000 tỷ đồng, là tuyến đường được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cao tốc loại A, với chiều dài khoảng 105,5 km.

Dự kiến công trình được khởi công vào tháng 5/2008 và hoàn thành vào cuối năm 2011. Dự án xây dựng đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây với tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là 9.890 tỷ, giai đoạn hoàn chỉnh là 18.884 tỷ dồng, dự kiến khởi công vào đầu quý IV/2008 và hoàn thành vào năm 2012. Dự án xây dựng cầu Nhật Tân - cây cầu lớn, hiện đại, đẹp nhất ở Hà Nội do Bộ GTVT làm chủ đầu tư sẽ được khởi công vào cuối quý IV. Tổng mức đầu tư xây dựng cây cầu này lên tới 9.000 tỷ đồng, bằng vốn ODA của Nhật Bản và vốn đối ứng của Chính phủ…

Một loạt các dự án quy mô lớn khác cũng được Bộ GTVT khởi công xây dựng trong thời gian tới là: Quốc lộ 3 Hà Nội - Thái Nguyên (320 triệu USD), cảng Thị Vải - Cái Mép (185 triệu USD), 44 cầu đường sắt (290 triệu USD), vành đai 3 Hà Nội giai đoạn 2 (312 triệu USD), cơ sở hạ tầng đồng bằng sông Cửu Long (138 triệu USD), 1.600 km tỉnh lộ miền Trung - Tây Nguyên (125 triệu USD)…

Theo Kinh Tế Đô Thị