Đơn vị tư vấn xây dựng: Kêu khổ vì mức phí thấp

Cập nhật 22/04/2010 08:40


Trên thực tế, doanh nghiệp tư vấn chỉ thu được khoảng 3-4% tổng dự toán công trình. Ảnh: Đ.T
Doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực tư vấn xây dựng gặp nhiều khó khăn khi chi phí đầu vào, giá nhân công tăng, nhưng phí tư vấn vẫn “dậm chân tại chỗ”…

Bộ Xây dựng đã ban hành hướng dẫn về mức phí tư vấn áp dụng cho mỗi giai đoạn khác nhau của dự án. Đây là mức phí bắt buộc áp dụng với các nhà tư vấn trong nước thực hiện các dự án được Chính phủ tài trợ, nhưng không áp dụng đối với các nhà tư vấn nước ngoài thực hiện cùng dự án với cùng phạm vi công việc. Theo ông Châu Dung Đạt, Tổng giám đốc Công ty Meinhardt Việt Nam, mức phí này rất thấp so với mức tiêu chuẩn quốc tế, khiến các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này gặp nhiều khó khăn.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Sỹ Hưng, Giám đốc Công ty cổ phần Tư vấn và Xây dựng Đại Dương cho biết, hiện mức phí tư vấn cho các công trình dân dụng có khảo sát tư vấn thiết kế và giám sát công trình, mời thầu theo Quyết định 975/2009/QĐ-BXD chiếm khoảng 7-8% tổng dự toán công trình, trong khi cùng dạng công trình tương ứng ở nước ngoài, mức chi phí cho tư vấn là từ 12 đến 15%. Hơn nữa, với nhiều khoản chi phí “ngoài”, trên thực tế, doanh nghiệp tư vấn chỉ thu được khoảng 3-4% tổng dự toán.

Trong các loại chi phí tư vấn xây dựng, các doanh nghiệp cho rằng, định mức chi phí tư vấn thiết kế hiện quá thấp. Trong khi đó, đơn vị tư vấn phải thường xuyên gửi cán bộ đi đào tạo các khoá học nghiệp vụ, như kỹ sư định giá, chủ trì thiết kế, chủ nhiệm thiết kế, chủ nhiệm dự án, giám đốc dự án, kỹ sư tư vấn giám sát…

“Vì định mức chi phí tư vấn thiết kế quá thấp, nên cán bộ thiết kế ít có điều kiện tham quan học tập, tiếp cận công nghệ mới. Có những kiến trúc sư thiết kế khách sạn 5 sao, nhưng chưa từng được ở khách sạn 4 sao, hoặc thiết kế nhà ga hàng không nhưng chưa hề đi máy bay”, ông Từ Đức Hoà, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tư vấn đầu tư phát triển và xây dựng THIKECO ngậm ngùi cho biết.

Không những vậy, theo nhiều doanh nghiệp, việc cấp phát thanh toán thông qua quá nhiều khâu xét duyệt, cắt xén tùy tiện, chi trả không đúng thời hạn..., khiến doanh nghiệp lâm vào tình trạng khó khăn. Ước tính, sau 5 năm thành lập, chỉ có khoảng 10% số lượng các công ty tư vấn có thể tiếp tục hành nghề.

Các doanh nghiệp cho rằng, để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tư vấn hoạt động, tiếp thu kỹ thuật, công nghệ mới, đổi mới trang thiết bị, đẩy mạnh đào tạo, nâng cao chất lượng tư vấn, các cấp quản lý nhà nước, chủ đầu tư cần chia sẻ khó khăn cho doanh nghiệp bằng cách nghiên cứu tăng mức phí tư vấn sao cho phù hợp với mặt bằng chung của quốc tế và thực tế chi phí đầu vào ở Việt Nam. Theo ông Phạm Hữu Sơn, Tổng giám đốc Công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải (TEDI), việc tăng mức phí tư vấn sẽ đảm bảo mức thu nhập cho kỹ sư tư vấn và tạo điều kiện cho doanh nghiệp tư vấn có thể đầu tư nâng cao năng lực.

Bên cạnh đó, ông Sơn cho rằng, các nhà quản lý cần thay đổi tư duy trong xác định chi phí tư vấn, thay việc so sánh chi phí tư vấn với mức thu nhập chung của xã hội bằng việc xác định chi phí trên hiệu quả của công tác tư vấn, từng bước thu hẹp khoảng cách giữa chi phí tư vấn cho kỹ sư trong nước với kỹ sư nước ngoài ở cùng một loại hình công tác, cùng trình độ năng lực, địa bàn hoạt động, nhằm tạo điều kiện phát triển thị trường tư vấn trong nước.

DiaOcOnline.vn - Theo Đầu Tư