Giá đất ở Phú Quốc (Kiên Giang), Vân Đồn (Quảng Ninh) đang lên cơn sốt sau khi có quyết định thành lập đặc khu kinh tế.
Các trung tâm môi giới đất đóng ngay cửa ngõ sân bay Vân Đồn
ẢNH: LÃ NGHĨA HIẾU |
Giá tăng chóng mặt
Đến Vân Đồn những ngày này, không khó để nhận thấy các trung tâm giao dịch, môi giới đất đai ở đây mọc lên như nấm. Vào vai một “nhà đầu tư”, chúng tôi tìm đến Trung tâm môi giới Vân Đồn Star (xã Hạ Long, H.Vân Đồn) và được người quản lý trung tâm tên Nguyễn Trung Đức cho biết: “Đất ở đây đang sốt, các anh có vài chục tỉ thì hãy tìm hiểu. Ví như ở khu đô thị Ao Tiên ngay trong xã này thì tùy lô mà giá đã lên đến 20 - 30 triệu/m2, trong khi vài tháng trước giá chỉ 10 triệu/m2”.
“Nóng” nhất trong cơn sốt đất tại Vân Đồn là khu vực gần sân bay quốc tế Vân Đồn, với giá lên đến gần 35 triệu/m2, trong khi 2 năm trước chỉ 7 - 8 triệu/m2 mà “chẳng ai thèm mua”. Ngoài đất khu đô thị, đất tái định cư, đất rừng, đất nông nghiệp... đều được giới buôn đất nhòm ngó khiến giá tăng vọt chỉ sau một thời gian ngắn.
Bà Nguyễn Thị Trúc, một người dân TT.Cái Rồng (H.Vân Đồn), cho hay: “Nhiều tháng nay, nhiều xe ô tô tỉnh ngoài về đây lùng mua đất.
Nhà tôi có mảnh vườn mà ngày nào cũng có người tới gõ cửa hỏi mua. Lúc đầu giá chỉ 8 triệu/m2, giờ đã lên đến 30 triệu/m2 nhưng tôi không bán”. Theo UBND H.Vân Đồn, trong 11 tháng qua, đã có tới gần 1.500 trường hợp đến UBND huyện làm thủ tục chuyển nhượng đất, riêng tháng 11 là hơn 400 trường hợp. Nơi có nhiều giao dịch nhất là TT.Cái Rồng và các xã Hạ Long, Đông Xá, do khu vực này được quy hoạch là trung tâm hành chính kinh tế Vân Đồn nên giao dịch với số lượng lớn.
Tại huyện đảo Phú Quốc cũng tương tự. Ông Huỳnh Quang Hưng, Phó chủ tịch UBND H.Phú Quốc, cho hay trong tháng 11, đất trên đảo này bắt đầu sốt giá, mức tăng từ 80 - 90% so với bình thường. Hầu hết những người đến Phú Quốc tìm mua đất đến từ TP.HCM, Hà Nội, Hải Phòng...
Tại TT.Dương Đông, tùy vào tuyến đường, vị trí đất thuận lợi cho việc kinh doanh, xây dựng nhà hàng, khách sạn... được rao bán với giá 50 tỉ đồng/1.000 m². Khu vực Suối Cá, xã Cửa Dương, giá từ 900 triệu đồng/1.000 m² đã tăng lên 2,2 tỉ đồng/1.000 m2; đất vị trí đẹp, mặt tiền tại các xã vùng bắc đảo như Cửa Dương, Cửa Cạn, Bãi Thơm, Gành Dầu giá 3,5 tỉ đồng/1.000 m² tăng lên 5 - 7 tỉ đồng/1.000 m²; địa bàn gần khu vực sân bay, lân cận khu du lịch, bãi tắm ven biển, khu đô thị... từ 8 - 15 tỉ đồng/1.000 m² tùy theo vị trí mặt tiền hay mặt hậu. Có thửa đất, chỉ trong thời gian ngắn đã được mua đi bán lại hơn 10 lần. Một số chủ đất và “cò đất” lợi dụng tình hình sốt giá đã đẩy giá tăng cao hơn khiến giá đất tăng vượt ngưỡng giá trị thật gấp hàng chục lần.
Siết chuyển đổi, sang nhượng trái phép
Giao dịch đất đai tăng cao tại Vân Đồn đã khiến UBND H.Vân Đồn vào đầu tháng 12 đã phải trình đơn xin UBND tỉnh Quảng Ninh cho phép tạm dừng việc giải quyết chuyển nhượng đất trên địa bàn để rà soát lại công tác quản lý đất đai. Cơn sốt đất tại Vân Đồn cũng làm nóng nghị trường HĐND tỉnh Quảng Ninh. Mới đây, trong kỳ họp thứ 7 HĐND tỉnh Quảng Ninh khóa 13, ông Nguyễn Đức Long, Chủ tịch UBND tỉnh, đã yêu cầu H.Vân Đồn phải siết chặt công tác quản lý đất đai, trong đó nghiêm cấm việc tự ý chuyển mục đích sử dụng đất rừng, đất nông nghiệp cho các đối tượng không trực tiếp sản xuất, là người địa phương khác đến nhận chuyển đổi đất với mục đích đầu cơ, bỏ hoang gây lãng phí tài nguyên. Ông Long cũng chỉ đạo Thanh tra tỉnh, Sở TN-MT thanh tra các giao dịch chuyển nhượng đất có dấu hiệu vi phạm tại Vân Đồn.
Trao đổi với Thanh Niên, ông Đặng Tiến Sĩ, Trưởng phòng TN-MT H.Vân Đồn, cho biết: “Chưa bao giờ huyện này có số lượng giao dịch chuyển nhượng đất nhiều như vậy, tại trung tâm hành chính công, chúng tôi phải bố trí thêm 2 cán bộ, không để người dân phải chờ đợi lâu”. Theo ông Mạc Thành Luân, Chủ tịch UBND H.Vân Đồn, những người đến đây thu gom đất hầu hết đều ở nơi khác, nhưng thâu tóm từ đất ở, đất tái định cư, đất rừng, đất nông nghiệp... rồi thành lập các trung tâm giao dịch, môi giới để bán lại. Còn theo Công an H.Vân Đồn, chỉ trong 6 tháng qua đã có khoảng 100 người đến tạm trú, hầu hết là những người “môi giới” đất.
UBND H.Phú Quốc cũng khuyến cáo người mua đất nên bình tĩnh, suy tính trước khi quyết định mua đất, không chạy theo cơn sốt giá và mua với bất cứ giá nào. Vì mua đất ngoài luồng, dễ dẫn đến “tiền mất tật mang” do đất đai ở Phú Quốc đã được quy hoạch, không phải nơi nào cũng cho phép xây dựng nhà hàng, khách sạn hay làm điểm du lịch, kinh doanh dịch vụ...
DiaOcOnline.vn - Theo Thanh niên