Đó là cảnh báo của ông Matthew Koziora, GĐ kinh doanh và tiếp thị Quỹ đầu tư bất động sản Vina Capital thuộc tập đoàn Vina Capital tại Hội nghị thượng đỉnh Ban thư ký liên đoàn bất động sản thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Tiềm năng vô hạn, khả năng... có hạn
Theo khảo sát của Vina Capital, nhu cầu của xã hội về thuê, mua bất động sản tại Việt Nam không ngừng gia tăng nhưng nguồn cung, đáp ứng nhu cầu trên lại đang trở nên khan hiếm hơn.
Đơn cử: Chỉ tính riêng khu vực TPHCM, thị trường bán lẻ với 150.000 m2 diện tích sàn xây dựng tại 15 trung tâm và khu thương mại, so với nhu cầu thực tế thì còn rất ít, nhất là Việt Nam đã cam kết thực hiện 100% sở hữu nước ngoài trong lĩnh vực bán lẻ vào năm 2009 khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Tương tự, số lượng căn hộ dịch vụ tại TPHCM hiện nay chỉ có 3.000 căn, trong khi số lượng người nước ngoài - đối tượng chính loại hàng hóa này lên đến hơn 50.000 người (gấp gần 20 lần).
Ngoài ra, TPHCM hiện chỉ có 6.950 phòng khách sạn đạt tiêu chuẩn từ 3 đến 5 sao - rất ít so với nhu cầu. Trong 7 tháng đầu năm 2007, TPHCM chỉ đón gần 320.000 du khách thì trong 6 tháng đầu năm 2008, lượng du khách ghé thăm thành phố này đạt gần 2,3 triệu.
Ông Nguyễn Thành Tài - Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM cho biết thêm thành phố đang cần xây dựng 30.000 căn nhà cho người có thu nhập thấp và hành chục nghìn mét vuông nhà ở xã hội nhưng khả năng để thực hiện mục tiêu này vẫn còn bỏ ngỏ.
Trong khi đó, theo Vina Capital, sau một thời gian dài được hưởng các chính sách nới lỏng tiền tệ nhằm đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế, các DN kinh doanh bất động sản trong nước với tiềm lực tài chính có hạn đã trở nên “liêu xiêu” khi cơn bão lạm phát bùng phát, dẫn đến việc Chính phủ ban hành chính sách thắt chặt tiền tệ.
Theo ông Trương Trọng Nghĩa - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư TPHCM, hạn chế cho vay trong lĩnh vực bất động sản và chứng khoán là chủ trương kiềm chế lạm phát đúng đắn, thể hiện qua chỉ số giá tiêu dùng trong tháng 7/2008 chỉ tăng 1,13%, tháng 9/2008: 0,78%.
Tuy nhiên, biện pháp này đã làm vỡ “bong bóng” dẫn đến “sự tháo chạy” trên thị trường bất động sản với giá nền đất, căn hộ nhiều khu vực giảm hơn 60%. Cơn bão giá nhiên liệu và vật liệu xây dựng càng khiến cho nhiều DN trong nước điêu đứng, các dự án đình trệ.
Sắp “thua” trên sân nhà
Điều gì đang diễn ra khi đầu tư trực tiếp từ nước ngoài chảy vào Việt Nam (vốn FDI) trong 9 tháng đầu năm 2008 đạt mức cao nhất trong vòng 10 năm qua là 57 tỷ USD, gần gấp 3 lần so với cả năm 2007 (20 tỷ USD) và đạt xấp xỉ vốn FDI vào Trung Quốc trong năm 2007 (60 tỷ USD)?
Ông Matthew Koziora cho biết dòng vốn FDI vào Việt Nam tập trung ở các dự án nhà ở, resort, khách sạn… bởi ngoài các lợi thế quốc gia (tốc độ tăng trưởng GDP cao, giá nhân công rẻ, ổn định chính trị…), các nhà đầu tư nước ngoài đã thấy được nhiều cơ hội lớn thông qua chỉ số phát triển bán lẻ toàn cầu của AT Kearney mới nhất đã xếp Việt Nam từ hạng 4 (năm 2007) lên vị trí đứng đầu.
Mặt khác, do lượng hàng cung ứng khan hiếm, mất cân đối cung - cầu, giá thuê mặt bằng vẫn đang tiếp tục tăng bất chấp tình hình kinh tế khó khăn.
Khảo sát của Vina Capital cho biết các tập đoàn nước ngoài lớn như Casino Groupe, ECC, Fair Prince… đang thăm dò, tìm kiếm cơ hội ở Việt Nam và bắt đầu quan tâm đến các dự án trung tâm thương mại lớn đang được quy hoạch ở những vùng ngoại vi Hà Nội và TPHCM với quy mô từ 80.000 - 140.000 m2.
Chỉ tính riêng quỹ đầu tư của Vina Capital, kể từ năm 2004 đến nay đã đầu tư hơn 1 tỷ USD vốn tự có vào bất động sản với hơn 15 dự án đang được triển khai khắp Việt Nam, bao gồm 7 khách sạn tiêu chuẩn 4 - 5 sao, 3 resort và hơn 1,5 triệu mét vuông sàn khu dân cư và cao ốc văn phòng.
Sự hấp dẫn thể hiện rất rõ qua giá trị tài sản ròng tập đoàn này thu được tính đến 30/6/2008 tăng thêm đến 25,4% bất kể khó khăn trên thị trường trong nước và thế giới.
“Tại sao điểm đến của dòng vốn FDI lại là Việt Nam? Do các nhà đầu tư nước ngoài tin tưởng triển vọng tăng trưởng vượt bậc và chính sách thông thoáng của Chính phủ đối với đầu tư nước ngoài và tư nhân nên đã áp dụng chiến lược “Trung Quốc + 1”- tức là chọn Việt Nam vì hoạt động ở Trung Quốc tốn kém hơn. Bởi vậy, việc suy giảm tín dụng hiện tại của Việt Nam do biện pháp thắt chặt tiền tệ sẽ là cơ hội cho người nước ngoài lấp chỗ trống” - Ông Matthew Koziora khẳng định.
DiaOcOnline.vn - Theo Tiền Phong