Đổi đất lấy hạ tầng: Cách nào bịt lỗ hổng tham nhũng?

Cập nhật 21/10/2017 08:53

Không phải ngẫu nhiên mà trong 5 năm trở lại đây, các dự án đầu tư theo hình thức BT (đầu tư – chuyển giao) đang trở thành một cơn “sốt” thực sự trên khắp cả nước. Dự án BT không chỉ mang lại cho chính quyền - nhân dân địa phương, cho nhà đầu tư mà còn mang lại nhiều lợi ích cho khách hàng. Hình thức “đổi đất lấy hạ tầng” còn là mảnh đất màu mỡ cho tham nhũng, lợi ích nhóm vì thiếu công khai minh bạch.


Hình thức “đổi đất lấy hạ tầng” còn là mảnh đất màu mỡ cho tham nhũng, lợi ích nhóm vì thiếu công khai minh bạch. Ảnh: Internet.

Kẽ hở của việc “xin - cho”

Theo bà Trương Hải Yến, Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp (Kiểm toán nhà nước), qua kiểm toán 21 dự án đầu tư xây dựng theo hình thức hợp đồng BT cho thấy cơ chế, chính sách và thực tế triển khai thực hiện còn khá nhiều bất cập. Trên thực tế, hầu hết các dự án đầu tư theo hình thức BT không nằm trong kế hoạch đầu tư trung hạn, không được thông qua HĐND. Do đó, nhu cầu, mục tiêu đầu tư dự án BT không rõ ràng, không thể hiện được sự cần thiết, cấp bách. Ngoài ra, còn có địa phương phê duyệt các dự án đầu tư theo hình thức BT đều được giao cho các nhà đầu tư đã được giao các dự án trước đó nhưng chưa nộp tiền sử dụng đất vào NSNN.

Kết quả kiểm toán cũng cho thấy, hầu hết các dự án BT đều lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức chỉ định thầu mà không thực hiện đấu thầu để chọn nhà đầu tư có đủ năng lực thực hiện dự án. Việc lựa chọn nhà thầu theo hình thức chỉ định thầu làm giảm sự cạnh tranh trong lựa chọn nhà đầu tư và tiềm ẩn rủi ro chọn nhà đầu tư không có đủ năng lực thực hiện dự án.

Ngoài ra, việc giao đất đã giải phóng mặt bằng không thông qua hình thức đấu giá là chưa phù hợp quy định của Luật Đất đai năm 2013 và là kẽ hở của việc “xin - cho” tạo ra thất thoát ngân sách. Bên cạnh đó, việc thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng để thanh toán cho nhà đầu tư cũng chưa được quy định một cách cụ thể, rõ ràng tại các văn bản hướng dẫn thực hiện, quản lý dự án BT.

Đồng thời, công tác quản lý, giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước chưa được thực hiện thường xuyên, đầy đủ theo chức năng, nhiệm vụ được giao nên dẫn đến để xảy ra sai sót ở tất cả các khâu, gây thất thoát trong quá trình thi công thực hiện dự án, chất lượng dự án kém. Kết quả kiểm toán, Kiểm toán nhà nước đã kiến nghị xử lý tài chính 3.815,4 tỷ đồng đối với 21 dự án, tương đương 12,54% giá trị được kiểm toán (3.815,4 tỷ đồng/30.425 tỷ đồng).

Bên cạnh đó, khi Thanh tra Chính phủ thực hiện thanh tra 15 dự án BT tại Hà Nội, toàn bộ đều có sai phạm ở nhiều mức độ. Đáng chú ý nhất là có 14/15 dự án chỉ định thầu nhà đầu tư yếu kém. Điều này dẫn đến những sự thất thoái lớn giá trị do không được đấu thầu công khai, đồng thời, làm thất thoát nguồn đất đai của Nhà nước khi bán với giá địa tô thấp.

Thiếu khung pháp lý chặt

Lý do được nhiều địa phương lý giải vì sự cấp bách, cần thiết phải xây dựng hạ tầng phải chỉ định thầu. Tuy nhiên, Kiểm toán Nhà nước cho rằng lý giải này không phù hợp, bởi các dự án này không nằm trong kế hoạch trung hạn của địa phương, không có sự giám sát của Hội đồng nhân dân. Có thể dẫn chứng đến việc nhà đầu tư bỏ hơn 700 tỷ đồng xây 5km cho đoạn đường nối tiếp đường Lê Văn Lương kéo dài. Đổi lại, Hà Nội bố trí hơn 197 ha để nhà đầu tư xây dựng khu đô thị. Với giá 8,5 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, sau khi xây xong tuyến đường, giá đất ở khu vực này đã tăng gần 5 lần.

Theo ông Lê Huy Trọng, Kiểm toán trưởng Kiểm toán nhà nước chuyên ngành V, với việc thanh toán dự án BT bằng quỹ đất mà không thông qua đấu giá dự án sẽ khiến lượng lớn tài sản đất không được định giá đúng giá trị. Nhiều mảnh đất đẹp, đắc địa được định giá thấp. Thực tế ở các quận, huyện khi đấu giá đất, giá trúng có thể còn cao gấp 15-20 lần so với mức giá khởi điểm.

Nhận định rõ hơn về hình thức đầu tư BT, PGS.TS Nguyễn Đình Hòa – Phó giám đốc Trường đào tạo và bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán (Kiểm toán Nhà nước) cho rằng, bản chất của dự án BT là một giao dịch mua sắm công với điều kiện thanh toán chậm hay thanh toán sau. Mặc dù là hoạt động mua – bán nhưng dự án BT lại không theo cơ chế thị trường bởi bên mua (nhà nước) không có sản phẩm cùng loại để có thể lựa chọn, còn bên bán (nhà đầu tư) không có ai phải cạnh tranh trực tiếp trong chào giá cạnh tranh.

Về giải pháp khắc phục, theo TS. Đặng Văn Thanh, Chủ tịch Hội kế toán và Kiểm toán Việt Nam, để công khai minh bạch, khi triển khai các dự án BT, BOT cần thực hiện phương thức đấu thầu dự án, kết hợp đấu giá các lô đất vừa đủ để thực hiện dự án. Cần hạn chế tối đa việc chỉ định nhà thầu, chỉ định nhà đầu tư, để tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh minh bạch, bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh. Đối với dự án BT, phải thẩm định dự án chặt chẽ, thẩm định được năng lực nhà đầu tư.

Tuy nhiên, theo ông Thanh, cần đặc biệt nhấn mạnh đến trách nhiệm, đạo đức công vụ và cái tâm của người đại diện cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt dự án BT trong các khâu thực hiện dự án. Nếu tham nhũng, nếu không vì đất nước, để nhà đầu tư dẫn dắt thì sẽ dễ dẫn đến sai phạm, đến thất thoát rất lớn cho tài sản quốc gia.

“Các dự án BT ngoài đảm bảo các điều kiện khác theo quy định hiện hành phải nằm trong kế hoạch đầu tư công và được Hội đồng nhân dân thông qua. Đồng thời, tiến hành đấu thầu để lựa chọn nhà đầu tư nhằm tăng tính cạnh tranh, chọn nhà đầu tư có đủ năng lực thực hiện dự án. Mặt khác cần quy định nhà đầu tư phải thực hiện, hoàn thành dự án BT trước khi được giao đất”, bà Yến đề xuất. 


DiaOcOnline.vn - Theo Hải quan