Các doanh nghiệp xi măng đóng đô tại địa bàn tỉnh Thanh Hóa đều ra quân sản xuất kinh doanh sớm ngay trong ngày mùng 4 Tết Mậu Tuất 2018.
Những chuyến xe đưa xi măng Bỉm Sơn tới các công trình xây dựng.
|
Cùng với Nghệ An, Hà Nam, tỉnh Thanh Hóa là địa phương có nhiều doanh nghiệp xi măng đóng đô. Trong bối cảnh ngành xi măng dư cung vài chục triệu tấn, các doanh nghiệp xi măng tại Thanh Hóa đều ra quân sản xuất, kinh doanh từ sớm.
Công ty cổ phần Xi măng Vicem Bỉm Sơn tổ chức lễ ra quân sản xuất đầu năm từ sớm mùng 4 Tết 2018.Theo đó, trong các ngày mùng 4, mùng 5 Tết, sản lượng xi măng tiêu thụ của đơn vị đạt khoảng 11.000 tấn/ngày.
Năm 2017 là một năm khó khăn của ngành xi măng nói chung và Xi măng Bỉm Sơn cũng không ngoại lệ, khi doanh thu và lợi nhuận của doanh nghiệp đạt thấp.
Năm qua, doanh thu thuần của Vicem Bỉm Sơn đạt 3.475 tỷ đồng, giảm 19% so với năm 2016. Doanh thu của Xi măng Bỉm Sơn chủ yếu nhờ bán xi măng và clinker.
Tuy nhiên, do cả quý 2 và quý 3/2017 đều lỗ lớn nên dù quý 4 lãi hơn 56 tỷ đồng cũng không đủ xóa hết lỗ lũy kế, Xi măng Bỉm Sơn chấp nhận lỗ sau thuế gần 4,6 tỷ đồng trong năm 2017 trong khi năm 2016 lãi sau thuế gần 250 tỷ đồng.
Đáng lưu ý, lượng hàng tồn kho đến cuối năm 2017 của Vicem Bỉm Sơn đã tăng 280 tỷ đồng so với đầu năm, lên mức 887 tỷ đồng.
Để khắc phục những hạn chế trong năm vừa qua, năm 2018, công ty thực hiện đổi mới chiến lược phát triển. Công ty cho biết sẽ triển khai các giải pháp kỹ thuật để nâng cao hiệu quả, giảm chi phí trong các công đoạn sản xuất; chú trọng vào việc tận dụng tối đa nguồn tài nguyên, kiểm soát chất lượng và tiêu hao nhiên liệu; tiếp tục đổi mới công nghệ để nâng cao chất lượng sản phẩm; tăng cường công tác tuần tra, bảo dưỡng thiết bị, hạn chế các sự cố.
Ban lãnh đạo Công ty cổ phần Xi măng Bỉm Sơn cho biết, năm 2018, Công ty phấn đấu sản xuất hơn 3 triệu tấn clinker, tổng sản phẩm tiêu thụ 4,5 triệu tấn, tổng doanh thu đạt 3.950 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 200 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước 110 tỷ đồng.
Có Nhà máy tọa lạc tại Thanh Hóa, với 2 dây chuyền sản xuất, được hoàn thành xây dựng trong 2 năm 2016-2017, xi măng Long Sơn - thương hiệu xi măng sinh sau đẻ muộn cũng khởi động sản xuất năm 2018 từ ngày 4 Tết.
Theo Công ty TNHH Long Sơn, chủ đầu tư nhà máy Xi măng Long Sơn, tháng 9/2017, Công ty đã dây chuyền 2 nhà máy Xi măng Long Sơn đi vào sản xuất, nâng tổng công suất xi măng của cả 2 dây chuyền lên gần 5 triệu tấn.
Năm 2017, nhà máy xi măng Long Sơn đã sản xuất 3,2 triệu tấn clinker và xi măng, doanh thu đạt 3.000 tỷ đồng, nộp ngân sách 150 tỷ đồng; bảo đảm việc làm cho 900 lao động (trong đó 98% là người Thanh Hóa), thu nhập hơn 8 triệu đồng/người/tháng.
Năm 2018, Công ty phấn đấu vận hành 2 dây chuyền sản xuất ổn định, sản xuất hơn 5 triệu tấn clinker và xi măng.
Tại địa bàn tỉnh Thanh Hóa hiện có 4 nhà máy sản xuất xi măng, với tổng công suất thiết kế toàn tỉnh đạt 16,61 triệu tấn/năm.
Trong đó, Nhà máy Xi măng Bỉm Sơn với 2 dây chuyền sản xuất công suất thiết kế 3,2 triệu tấn/năm, nhà máy Xi măng Long Sơn với 2 dây chuyền công suất gần 5 triệu tấn/năm, nhà máy Xi măng Nghi Sơn với 2 dây chuyền công suất 4,3 triệu tấn/năm, nhà máy Xi măng Công Thanh với 2 dây chuyền công suất 4,51 triệu tấn/năm.
Năm 2017, các nhà máy sản xuất hơn 9 triệu tấn sản phẩm, đạt doanh thu hơn 12.000 tỷ đồng, tạo việc làm cho khoảng 6.000 lao động.
DiaOcOnline.vn - Theo Đầu Tư