Kết quả khảo sát tại Báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2016 vừa được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố đã chỉ ra thực trạng khó khăn trong tiếp cận và sử dụng đất đai của doanh nghiệp.
Bấp bênh sử dụng đất
Theo PCI 2016, chỉ số tiếp cận đất đai bắt đầu giảm từ 2014 sau khi liên tục tăng trong suốt giai đoạn 2008-2013. Hai tiêu chí vẫn duy trì tốc độ cải thiện trong chỉ số này liên quan tới quyền sở hữu Giấy chứng nhận, quyền sử dụng đất.
Báo cáo PCI dẫn số liệu của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy, tỷ lệ diện tích đất trong các tỉnh có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đã tăng đều từ 69% năm 2006, lên 92% năm 2016. Gần 62% số doanh nghiệp tham gia điều tra có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cao hơn thời điểm điều tra năm 2014-2015. Tuy nhiên, theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế VCCI, các tiêu chí còn lại cho thấy những tín hiệu không khả quan.
Cụ thể, năm 2016, tình hình sử dụng đất, theo đánh giá của doanh nghiệp trở nên bấp bênh hơn. Các doanh nghiệp tham gia điều tra cho biết, rủi ro bị thu hồi đất của họ ở mức cao kỷ lục (1,73 điểm, tương ứng với múc độ rủi ro rất cao). Kết quả PCI trong suốt 11 năm trước đó, chưa từng ghi nhận chỉ tiêu này ở mức thấp hơn 2 điểm. Thậm chí, trong trường hợp xấu nhất là nếu bị thu hồi, chỉ 25% doanh nghiệp tin tưởng sẽ được đền bù thỏa đáng, giảm mạnh so với các năm trước (30-40%).
Minh bạch thông tin còn thấp
Một xu hướng đáng chú ý khác được Báo cáo PCI 2016 chỉ ra là tính minh bạch thông tin, trong đó có thông tin về tiếp cận đất đai chưa có nhiều cải thiện. Theo ông Đậu Anh Tuấn, dữ liệu quan sát theo chuỗi thời gian cho thấy, các các nỗ lực tăng cường khả năng tiếp cận thông tin cho doanh nghiệp đang có xu hướng chững lại.
Trên thang đo 5 điểm với 1 là không thể tiếp cận, đến 5 là dễ dàng tiếp cận, điểm tiếp cận các loại tài liệu về kế hoạch quan trọng như ngân sách, quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất, các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, các chính sách ưu đãi đầu tư... của các doanh nghiệp ở tỉnh trung vị năm nay là 2,39 điểm. Điểm số này tuy có cải thiện so với mức đáy của năm 2014 (2,25 điểm), song vẫn thấp hơn mốc 2,63 điểm năm 2006.
Bên cạnh đó, Báo cáo PCI 2016 còn chỉ ra rằng, mối quan hệ cá nhân với công chức nhà nước vẫn tiếp tục giữ vai trò quan trọng trong khả năng tiếp cận các thông tin, tài liệu quan trọng đối với hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp, trong đó có các thông tin về quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất, các dự án đầu tư, các chính sách liên quan sử dụng đất đai.
Riêng kết quả khảo sát năm 2016 cho thấy, 66% doanh nghiệp tại tỉnh trung vị cho biết, phải sử dụng các mối quan hệ để tiếp cận thông tin, cao hơn 16 điểm phần trăm so với mốc thấp lịch sử năm 2008.
ảnh 3
Một vấn đề đáng quan ngại cũng được báo cáo nhắc tới, đó là tình trạng kinh doanh bằng mối quan hệ của một số doanh nghiệp tiếp tục chèn lấn các hoạt động kinh doanh của đông đảo các doanh nghiệp khác. Có tới 72% doanh nghiệp tại tỉnh trung vị năm 2016 cho biết, “hợp đồng, đất đai… và các nguồn lực kinh tế khác chủ yếu rơi vào tay các doanh nghiệp có liên kết chặt chẽ với chính quyền tỉnh”, tuy giảm so với các năm trước, nhưng vẫn ở mức cao.
“Không chỉ xuất thân, mối quan hệ, mà ngay cả quy mô cũng trở thành rào cản đối với một doanh nghiệp tư nhân”, ông Tuấn cho biết.
Theo VCCI, việc một số cơ quan nhà nước địa phương chưa minh bạch, không công khai thông tin cho doanh nghiệp cũng như ứng xử thiếu bình đẳng sẽ dẫn tới nhiều hệ quả không mong muốn đối với nền kinh tế. Đó là nhiều doanh nghiệp phải đầu tư nguồn lực và thời gian để phát triển các mối quan hệ cá nhân với các cơ quan chính quyền, thay vì sử dụng các nguồn lực đó để phát triển sản xuất - kinh doanh một cách hiệu quả, trong đó có vấn đề về tiếp cận nguồn lực đất đai, vốn là yếu tố quan trọng hàng đầu đối với sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Khó khăn giải phóng mặt bằng theo cơ chế tự thỏa thuận
Mặc dù không có số liệu điều tra cụ thể, song liên quan đến chỉ số tiếp cận đất đai, một vướng mắc lớn phổ biến mà nhiều doanh nghiệp cho biết, vẫn là vấn đề khó khăn trong giải phóng mặt bằng, liên quan tới các dự án sử dụng đất cho hoạt động sản xuất - kinh doanh.
Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Tuyên Quang phản ánh, theo Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực từ 1/7/2014, thì các dự án phát triển kinh tế đều phải thỏa thuận với người dân. Đây là vấn đề gây khó khăn, vướng mắc nhất cho các doanh nghiệp, đặc biệt các doanh nghiệp thực hiện dự án càng lớn, thì càng nhiều rào cản do sử dụng diện tích đất, nên phải thỏa thuận với nhiều hộ dân.
“Việc thỏa thuận giải phóng mặt bằng đối với một vài hộ dân đã là vô cùng khó khăn, huống chi với các dự án lớn sử dụng diện tích lên tới hàng chục, thậm chí hàng trăm héc-ta, phải thỏa thuận với hàng ngàn hộ dân. Đây dường như là một nhiệm vụ bất khả thi đối với nhiều doanh nghiệp. Bởi theo cơ chế tự thỏa thuận hiện nay, mỗi người đòi một kiểu, nên không doanh nghiệp nào có đủ nguồn lực và khả năng để thực hiện giải phóng mặt bằng một cách suôn sẻ”. đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Tuyên Quang nói.
Cũng theo vị đại diện này, đã có nhiều doanh nghiệp buộc phải chấp nhận bỏ dự án vì không thỏa thuận được với người dân để có mặt bằng cho đầu tư sản xuất - kinh doanh.
“Chúng tôi tha thiết kiến nghị sửa đổi Luật Đất đai theo hướng có cơ chế thu hồi đền bù giải phóng mặt bằng theo quy định của các cấp có thẩm quyền, chứ cứ theo cơ chế thỏa thuận hiện nay, gây nhiều khó khăn, bế tắc cho doanh nghiệp”, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Tuyên Quang bày tỏ.
Ông Trần Ngọc Nam, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội
Đất đai, quy hoạch luôn là những vấn để khó khăn có tính đặc thù của TP.Hà Nội. Để giải quyết khó khăn này, hiện nay, hàng tuần lãnh đạo UBND Thành phố thực hiện việc xem xét quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án có sử dụng đất, giảm đáng kể thời gian thực hiện các thủ tục về đầu tư.
Nhiều nhà đầu tư có năng lực đã quyết định đầu tư dự án với tổng mức đầu tư, quy mô thù hồi đất lớn, có ý nghĩa về kinh tế - xã hội như Dự án Công viên Kim Quy, công viên phần mềm và một số nội dung trọng điểm, Cụm Công nghiệp Sóc Sơn, Trung tâm Hội chợ triển lãm Quốc gia mới…
Thành phố nỗ lực triển khai thực hiện nhiều cơ chế, chính sách và cách làm mới hiệu quả, như tổ chức các buổi giao ban tháo gỡ khó khăn về giải phóng mặt bằng, xây nhà tái định cư theo cơ chế xã hội hóa, đặt hàng doanh nghiệp…
Ông Mạc Quốc Anh, Phó chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Hà Nội
Để thu hút được các nhà đầu tư, theo tôi, dù chỉ số về minh bạch thông tin đất đai và quy hoạch về mặt bằng sản xuất - kinh doanh tại TP.Hà Nội đã tốt hơn trong năm 2016, song cần nỗ lực cải thiện theo hướng công khai minh bạch hơn để doanh nghiệp tiếp cận dễ dàng hơn.
Hiện nay, có một thực tế là thông tin đã được cập nhật trên website của các sở ngành, song quan trọng nhất là người nắm bắt thông tin đó vẫn chưa giải thích cụ thể, rõ ràng đâu là vị trí dành cho quy hoạch nào. Họ chưa tiếp cận cụ thể đối với doanh nghiệp tại các chương trình, chưa có chương trình công bố thông tin cụ thể dành cho doanh nghiệp trên địa bàn, đâu là khu vực cho sản xuất, cây xanh, cây xăng... để doanh nghiệp nắm bắt. Vì vậy, quan trọng nhất là người cung cấp, xử lý và hỗ trợ thông tin rõ nhất cho doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Hữu Thập, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Tuyên Quang
Trong 10 chỉ số thành phần, thì chỉ số tiếp cận đất đai chưa cao cho thấy vấn đề này vẫn còn tồn tại gây khó khăn cho doanh nghiệp. Hiện nay, nếu xét về tính công khai, minh bạch quy hoạch đất đai, thì với việc các cấp sở, ngành niêm yết công khai tại các trụ sở và trên website của cơ quan cho thấy sự cải thiện khá tích cực, giúp doanh nghiệp có thể thuận lợi hơn trong tiếp cận thông tin.
Tuy nhiên, dù đã được cải thiện, song vẫn còn một số tồn tại như doanh nghiệp vẫn phải trả chi phí không chính thức để có thể làm nhanh kịp tiến độ; doanh nghiệp chưa được cung cấp thông tin cụ thể mà mới chỉ tiếp cận ở mức cơ bản chung… Do đó, vẫn cần có nhiều nỗ lực cải thiện trong lĩnh vực này.
DiaOcOnline.vn - Theo Đầu tư Bất động sản