Sắp tới đây, doanh nghiệp có thể sẽ không còn phải nhận những quyết định truy thu thuế tiền sử dụng đất dẫn đến khiếu nại kéo dài như thời gian qua khi trách nhiệm thất thu ngân sách do chậm ban hành hệ số điều chỉnh giá đất đã được quy định thuộc về ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố.
Tiền sử dụng đất là một trong những khoản thu gây tranh cãi giữa doanh nghiệp và cơ quan quản lý. Ảnh minh họa: Minh Tâm |
Khoản 1, điều 2 của Nghị định 123/2017/NĐ-CP sẽ có hiệu lực từ đầu năm sau quy định, hệ số điều chỉnh giá đất (hệ số k) do ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố ban hành áp dụng từ ngày 1-1 hàng năm. Trong trường hợp tại thời điểm xác định tiền sử dụng đất mà ủy ban nhân dân cấp tỉnh chưa ban hành hệ số k thì áp dụng hệ số đã ban hành. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm về việc thất thu ngân sách do chậm ban hành hệ số điều chỉnh giá đất, nếu có.
Đây là một điểm hoàn toàn mới so với quy định hiện hành (Nghị định 45/2014) và được đánh giá là sẽ chấm dứt tình trạng doanh nghiệp phải nhận những quyết định truy thu thuế tiền sử dụng đất bất hợp lý và cơ quan thuế cũng không còn bị quy thiếu trách nhiệm trong việc không thu hồi được nợ thuế.
Tại sao lại như vậy?
Theo quy định, tiền sử dụng đất được tính dựa vào các yếu tố gồm giá đất tính thu tiền sử dụng đất; diện tích sử dụng/ được giao/ được công nhận và mục đích sử dụng. Giá đất tính thu tiền sử dụng đất bằng giá đất nhân với hệ số k.
Lâu nay, một thực tế phổ biến là các ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố thường chậm ban hành hệ số k. Vì điều này, cơ quan thuế khi tính tiền sử dụng đất với doanh nghiệp thường căn cứ theo hệ số đã ban hành của năm trước đó.
Tuy nhiên, khi hệ số k mới được ban hành (thường là cao hơn hệ số cũ khiến giá đất tính thu tiền sử dụng đất tăng theo), doanh nghiệp lại bị truy thu số tiền chênh lệch, con số lên đến hàng tỉ đồng.
Điều này, không nhận được sự đồng tình của doanh nghiệp với rất nhiều lý lẽ như mọi chi phí đã tính vào chi phí năm trước hay doanh nghiệp đã cổ phần hóa, nhà đầu tư mới không chấp nhận chi tiền...
Hệ quả là cơ quan thuế không thể thu được số tiền này và phải tính vào số nợ thuế. Nhiều cục thuế tỉnh thành trên cả nước đã gặp phải tình trạng này.
Trao đổi với TBKTSG Online, một cán bộ thuế tại TPHCM chia sẻ, vì không thu hồi được những khoản truy thu kia, cơ quan thuế bị cơ quan thanh tra quy trách nhiệm trong việc để nợ thuế tăng cao, thất thu ngân sách nhà nước. Trong khi đó, việc giao dịch của người dân cũng ngưng trệ.
“Chính những bất hợp lý trên nên mới có Nghị định 123, bổ sung thêm quy định về trách nhiệm của ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trong việc chậm ban hành chỉ số k gây thất thu ngân sách kể trên”, vị này nói thêm.
DiaOcOnline.vn - Theo TBKTSG