Ngay sau khi Sở TN-MT TP.HCM công bố danh sách 77 dự án bất động sản cầm cố ngân hàng, nhiều chủ đầu tư có tên trong danh sách dự án đã phản ứng gay gắt.
Nhiều doanh nghiệp phản ứng vì có tên trong "bảng phong thần" của Sở TN-MT
|
Chúng tôi thế chấp ngân hàng vì theo quy định của luật Kinh doanh bất động sản là phải có ngân hàng bảo lãnh bán nhà hình thành trong tương lai, chứ không phải cầm cố để vay tiền Ông Lê Hùng Mạnh, Chủ tịch HĐQT Công ty Gia Hòa |
Đặc biệt, nhiều trường hợp người mua nhà tự thế chấp căn hộ đã mua nhưng dự án cũng được đưa vào danh sách này dễ gây hiểu lầm và ảnh hưởng đến công ty. Cụ thể như Công ty liên doanh Phú Mỹ Hưng không có dự án nào đang mở bán đem thế chấp NH mà 8 khách hàng tự thế chấp căn hộ đã mua cũng được đưa vào danh sách này vị trí số 21. Bên cạnh đó còn có 9 công ty rơi vào trường hợp này. Một chủ đầu tư bức xúc: “Khách hàng chỉ cần biết DN có tên trong bảng phong thần này là hoang mang, nghi ngại rồi nên việc đưa tên DN vào đây gây hiểu lầm và ảnh hưởng rất lớn đến DN”.
Phân loại để tránh nhiễu thông tin
Lãnh đạo một công ty BĐS cho rằng công bố thông tin dự án thế chấp, cầm cố NH, giúp minh bạch là đúng. Tuy nhiên, việc gom tất cả các dự án thế chấp vào một cục mà không phân loại xem dự án đó thế chấp vì mục đích vay tiền hay bảo lãnh cho khách hàng, chủ đầu tư thế chấp hay khách hàng thế chấp, là không ổn.
Đứng từ góc độ NH, ông Nguyễn Thanh Nhung, Tổng giám đốc Vietbank, giải thích NH cấp tín dụng cho một dự án có 3 mục đích: cho khách hàng vay, bảo lãnh cho chủ đầu tư vay tiền để triển khai dự án, bảo lãnh cho người mua nhà theo quy định từ luật Kinh doanh BĐS. Nguyên tắc cấp tín dụng là phải có tài sản bảo đảm. Nếu một dự án được thế chấp để bảo lãnh cho khách hàng thì dự án đó tốt vì thủ tục đầy đủ từ giấy phép xây dựng, hoàn thành phần móng, đã đóng tiền sử dụng đất... Một dự án đã thế chấp NH thì khi bán cho khách hàng, chủ đầu tư phải giải chấp. Đơn cử một dự án có 1.700 căn mà đã bán 1.000 căn thì 1.000 căn không còn thế chấp nữa, chỉ còn 700 căn của dự án đang thế chấp tại NH mà thôi. Đứng về góc độ khách hàng, để yên tâm khi mua một dự án nào đó, khách hàng cần yêu cầu chủ đầu tư khi ký hợp đồng bán căn hộ nào đó phải có thông báo giải chấp từ NH đang cầm cố dự án. Đồng thời phải có chứng thư bảo lãnh mua nhà hình thành trong tương lai của các nhà băng. Văn bản giải chấp gửi Văn phòng đăng ký đất đai sẽ được gửi đến Sở Xây dựng, Văn phòng đăng ký đất đai TP.
Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM, ông Lê Hoàng Châu, nhận xét: Việc công bố thông tin dự án đang thế chấp NH là đúng theo yêu cầu trong luật Kinh doanh BĐS về minh bạch thông tin, chủ đầu tư có trách nhiệm với khách hàng. Tuy nhiên, việc công bố thông tin lần này có một số bất cập. Theo luật, một dự án bị thế chấp không bị cấm giao dịch, chủ đầu tư có thể ký hợp đồng bán nhà khi được NH giải chấp từng căn hoặc toàn bộ dự án. Vì vậy, khách hàng khi mua nhà chỉ cần có văn bản chấp thuận của NH đang nhận tài sản thế chấp thì không vấn đề gì. “Dự án cầm cố khách hàng sẽ ngộ nhận là DN yếu kém. Tuy nhiên, thực tế có nhiều DN có dự án thế chấp nhưng lại rất mạnh”, ông Châu nói.