Doanh nghiệp phá sản, người mua nhà “mắc kẹt”

Cập nhật 23/10/2017 09:14

Chủ đầu tư phá sản, ngân hàng bán phát mãi dự án để cấn trừ nợ. Những khách hàng lỡ mua dự án bơ vơ, không biết quyền lợi mình đi về đâu.

Chủ đầu tư Cty 584 phá sản, ngân hàng bán phát mãi dự án khiến hàng trăm khách hàng mua nhà dự án "mắc kẹt"

BIDV vừa ra thông báo sẽ bán đấu giá toàn bộ dư nợ gốc, lãi phát sinh của Công ty CP Đầu tư Y tế Việt Nam và Công ty CP Đầu tư Xây dựng và Khai thác Công trình Giao thông 584, với tổng giá trị là 1.091 tỷ đồng (cả gốc và lãi phát sinh tính đến ngày 31.7.2017). Tài sản thế chấp kèm theo khoản nợ là dự án Khu dân cư 584 Tân Kiên tại xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh, TP.HCM. Giá khởi điểm của khoản nợ trên được BIDV thông báo là 810 tỷ đồng.

Được biết, dự án Khu dân cư 584 Tân Kiên được Công ty CP Đầu tư Xây dựng và Khai thác Công trình Giao thông 584 đầu tư xây dựng vào năm 2007 và đưa vào sử dụng vào giữa năm 2011 nhưng có rất ít khách hàng đến nhận nhà do dự án bị thanh tra phát hiện có nhiều sai phạm như tự ý chuyển đổi công năng, thế chấp quyền sử dụng đất cho ngân hàng nên khách hàng sẽ không được cấp giấy chủ quyền, thi công sai thiết kế...

Công ty này sau đó hợp tác với Công ty CP Đầu tư Y tế để chuyển đổi công năng từ chung cư thành bệnh viện. Tuy nhiên, việc chịu sự phản ứng từ khách hàng mua, cộng với không đủ năng lực tài chính để bồi thường khiến công ty đã phải ngừng việc chuyển đổi công năng vào cuối năm 2011. Hiện vẫn còn hàng trăm khách hàng đang bị “mắc kẹt” tại đây. Và cho tới nay khi có thông tin dự án bị bán phát mãi, các khách hàng lại càng hoang mang hơn khi không biết quyền lợi mình về đâu.

Theo ý kiến của luật sư Nguyễn Thanh Nhã, văn phòng luật sư DBS cho biết, trong trường hợp này, chủ đầu tư đã có dấu hiệu sai phạm nghiêm trọng khi đem thế chấp quyền sử dụng đất cho ngân hàng và vẫn bán nhà cho khách hàng dù chưa tiến hành giải chấp. Điều này đồng nghĩa nếu BIDV bán đấu giá thành công tài sản này thì các khách hàng mua nhà dự án sẽ không được ưu tiên  xử lý quyền lợi vì BIDV đã có giao dịch bảo đảm.

Theo quy định, sẽ xử lý ưu tiên các khoản tiền nợ thuế, các nghĩa vụ liên quan đến nhà nước nếu có của chủ đầu tư. Kế đến là quyền lợi của các đơn vị có giao dịch bảo đảm là ngân hàng. Số tiền còn lại mới xử lý quyền lợi cho các khách hàng. Như vậy được đền bù như thế nào thì các khách hàng không khác gì đang chơi trò hên xui.

Thực trạng này đang được dự báo là sẽ còn xảy ra ở nhiều dự án trên địa bàn vì có không ít dự án mặc dù đã thế chấp ngân hàng nhưng vẫn bán nhà cho khách hàng. Điều này sẽ khiến cho các khách hàng lỡ mua dự án sẽ không biết bấu víu vào đâu nếu chủ dự án phá sản.


DiaOcOnline.vn - Theo Lao động