Tại nhiều huyện ngoại thành như Mê Linh, Hoài Đức, Chương Mỹ, Sóc Sơn, Quốc Oai…nhan nhản các dự án bỏ hoang, quây tôn nhiều năm. Trong khi đó, người dân khu vực bị lấy đất làm dự án thì xót xa khi không còn đất trồng cấy rau màu…
Dự án Khu đô thị mới Thanh Lâm - Đại Thịnh 2 trên địa bàn huyện Mê Linh. Ảnh: Trường Phong.
|
Lãnh đạo xã: “không biết chủ dự án là ai”
Là một huyện được sáp nhập về Hà Nội từ tỉnh Vĩnh Phúc, Mê Linh thuộc số ít huyện có nhiều dự án được đầu tư bằng vốn ngoài ngân sách chậm triển khai, vi phạm luật Đất đai. Dọc hai bên con đường nối xã Tiền Phong, Mê Linh, Đại Thịnh, Thanh Lâm... có thể thấy hàng chục mảnh đất nhiều năm bỏ hoang, cỏ dại mọc. Một số dự án đã làm đường nội bộ, trồng cây xanh, nhưng tấm biển công trường đang thi công đã mục nát theo thời gian.
Trên địa bàn giáp ranh giữa hai xã Đại Thịnh và Thanh Lâm, dự án khu đô thị mới Thanh Lâm – Đại Thịnh 2 đã nhiều năm nay gần như không có hoạt động gì. Đường nội bộ đã được xây dựng, đất đã được chia khu nhưng chủ yếu vẫn chỉ là chỗ chăn thả bò. Ngay bên cạnh đường, biển hiệu giới thiệu dự án đứng sừng sững nhiều năm qua. Phần đất tiếp giáp với ruộng của người dân được xây tường và lập hàng rào ngăn cách. Một phụ nữ đi thăm ruộng lúa chia sẻ, người dân bị thu hồi đất cả chục năm nay, nhưng dự án thì vẫn bỏ hoang đấy. Ngay trên địa bàn xã Mê Linh, khu vực trước lối rẽ vào đền thờ Hai Bà Trưng, một loạt khu đất bỏ hoang cho cỏ dại mọc, trong khi diện tích đất trồng hoa của người dân ngày càng bị thu hẹp.
Dự án khu đô thị mới Thanh Lâm – Đại Thịnh 2 rộng cả trăm ha chậm tiến độ chỉ là một trong nhiều dự án ở địa bàn huyện Mê Linh. Theo một lãnh đạo UBND xã Thanh Lâm, trên địa bàn xã có một số dự án chậm triển khai nhiều năm nay, thậm chí lãnh đạo xã cũng không biết dự án đó của ai. “Các dự án đã có quyết định rồi, nhưng không thấy đả động gì. Thực ra, anh em cũng không biết chủ dự án là ai. Chúng tôi thấy trong quy hoạch từ 2008 đã có rồi mà đến nay không thấy làm gì. Thu hồi đất rồi mà không thực hiện thì rất lãng phí”, ông này nói. Ông Tạ Quang Thái, Chủ tịch UBND xã Mê Linh nhấn mạnh, cùng với một số xã như Tiền Phong, Đại Thịnh, Tráng Việt, Văn Khê... Mê Linh đã được quy hoạch thành khu đô thị nên có rất nhiều dự án, thậm chí dự án rất lớn. Tuy nhiên, có những dự án quyết định thu hồi đất từ năm 2008 không thấy được triển khai. “Trên địa bàn xã có dự án khu đô thị mới AJC, tiến độ quá chậm, ảnh hưởng đến việc phát triển kinh tế nói chung của xã, đặc biệt là đất này lại nằm trong diện tích trồng hoa”, ông Thái nói. Theo tìm hiểu của phóng viên, dự án này được phê duyệt từ năm 2008, diện tích hơn 94ha, tuy nhiên mới giải phóng mặt bằng được khoảng 31ha.
UBND huyện Mê Linh đã nhiều lần có văn bản đôn đốc chủ đầu tư hoàn thành giải phóng mặt bằng nhưng chủ đầu tư không triển khai. Cũng chính vì lý do này, theo ông Thái, sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn, vì hạ tầng phục vụ nông nghiệp không được đầu tư trong khu đô thị. Thậm chí, nhiều khu vực nằm trong vùng dự án, nhân dân không được làm sổ đỏ, không được giao dịch đất đai, kìm hãm sự phát triển kinh tế. “Người dân Mê Linh dù mất đất nhưng rất ủng hộ phát triển các dự án, thậm chí còn đi thuê đất ở các tỉnh Lào Cai, Sơn La... để trồng hoa, nhưng đất ở địa phương thì lại bỏ hoang...”, ông Thái nói thêm.
Nhiều trường hợp “ôm đất” dự án
Không chỉ Mê Linh, tại nhiều quận, huyện trên địa bàn Hà Nội cũng nhan nhản các dự án chậm triển khai, quây tôn nuôi cỏ, thậm chí xây dựng dở dang rồi bỏ hoang hàng chục năm nay. Quận Hoàng Mai, theo báo cáo, có 13 dự án ngoài ngân sách có sử dụng đất đã có quyết định chủ trương đầu tư, quyết định giao đất nhưng chậm triển khai. Đặc biệt, dự án chung cư VPHH tại số 12 ngõ 115 phố Định Công đã triển khai thi công phần thô nhưng ngừng thi công và chủ đầu tư đã bỏ trốn.
Theo thống kê chưa đầy đủ của Sở TN&MT Hà Nội, trên địa bàn toàn thành phố có khoảng 161 dự án có dấu hiệu vi phạm các quy định của pháp luật đất đai, đề xuất thanh tra, xử lý vi phạm. Cụ thể, 40 dự án được nhà nước giao đất, cho thuê đất chưa đưa đất vào sử dụng sau 12 tháng kể từ ngày nhận bàn giao đất trên thực địa. 47 dự án thực hiện chậm hơn 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư được phê duyệt; 22 dự án chậm hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng dẫn đến chậm triển khai; 4 dự án chậm thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai; đặc biệt có 37 dự án có các vi phạm khác như sử dụng đất sai mục đích, cho thuê, cho thuê lại không đúng quy định và 11 dự án có nhiều vi phạm như chậm giải phóng mặt bằng và thực hiện nghĩa vụ tài chính, chậm hơn 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư được phê duyệt và sử dụng đất sai mục đích.
Trong khi đó, theo báo cáo của Sở KH&ĐT Hà Nội, trong giai đoạn từ 2012 đến hết năm 2017, UBND thành phố đã chấp thuận triển khai 634 dự án có sử dụng đất trong đó, 194 dự án được điều chỉnh, 198 dự án triển khai chậm. Ngoài 198 dự án chậm nêu trên, hiện nay trên địa bàn thành phố có khoảng hơn 300 dự án triển khai chậm tiến độ được rà soát từ trước năm 2012. Theo Sở KH&ĐT, các dự án này chủ yếu vướng mắc về giải phóng mặt bằng, cần điều chỉnh quy hoạch theo quy hoạch chung, quy hoạch phân khu. Một trong những nguyên nhân của tình trạng các dự án triển khai chậm được xác định là do cần điều chỉnh quy hoạch theo quy hoạch chung, quy hoạch phân khu như các dự án thuộc địa bàn các quận Nam Từ Liêm, Hoàng Mai, huyện Hoài Đức, Quốc Oai, Thanh Trì, Mê Linh... Đặc biệt, các dự án thuộc các khu đô thị vệ tinh vẫn đang tạm dừng để chờ nghiên cứu quy hoạch chung các khu đô thị vệ tinh.
Theo Phó Giám đốc Sở TN&MT Nguyễn Hữu Nghĩa, hiện giữa các sở vẫn chưa thống nhất số liệu các dự án vốn ngoài ngân sách chậm triển khai. Các sở, ban ngành và các quận, huyện do chưa có liên thông được về số liệu trên hệ thống. Hiện nay, vẫn cập nhật số liệu qua văn bản, qua xin miệng, thậm chí, hôm trước với hôm sau báo cáo gửi lên đã là số liệu khác...Ông Nghĩa cho biết, quan điểm của Sở TN&MT là kiên quyết thanh tra, kiểm tra, thu hồi dự án chậm triển khai, tuy nhiên, việc này không dễ. “Việc thu hồi các dự án vi phạm không đơn giản tí nào. Sẵn sàng ra hầu tòa thôi chứ không có chuyện nhượng bộ nhau giữa cơ quan nhà nước với doanh nghiệp nữa. Chỗ này phải thiết lập hồ sơ hết sức chặt chẽ”, ông Nghĩa nói.
Theo thống kê chưa đầy đủ của Sở TN&MT Hà Nội, trên địa bàn toàn thành phố có khoảng 161 dự án có dấu hiệu vi phạm Luật Đất đai, đề xuất thanh tra, xử lý vi phạm.
Theo ông Nguyễn Hữu Nghĩa, tình trạng các dự án ngoài ngân sách chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai, hay gọi là “dự án quây tôn” có ở cả các quận nội thành, huyện ngoại thành...Với các địa phương có địa tô cao hơn, sẽ có nhiều các nhà đầu tư nhòm ngó và họ sẽ còn muốn giữ, còn ôm dự án.
Phó Ban Thường trực Ban Nội chính Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thế Toàn cho rằng, cần báo cáo Thường trực HĐND thành phố Hà Nội xem xét, có biện pháp quyết liệt, huy động các sở ngành chuyên môn, xác định lý do chậm của các chủ đầu tư để quy trách nhiệm.
DiaOcOnline.vn - Theo Tiền phong