Trên thị trường hiện nay xuất hiện làn sóng các dự án thương mại ồ ạt xin chuyển đổi thành nhà ở xã hội để hưởng những chính sách ưu đãi của nhà nước, tuy nhiên, người mua nhà nên cẩn trọng khi lựa chọn phân khúc này bởi "Tiền nào của nấy"
Bất cập về hạ tầng
Khi các căn hộ thương mại ế ẩm thì nhà ở xã hội lên ngôi bởi phân khúc này được ủng hộ từ các chính sách mới như được vay vốn gói hỗ trợ 30 nghìn tỷ đồng, lãi suất vay thấp sẽ giúp giá thành của nhà ở xã hội giảm xuống phù hợp với khả năng tài chính của người lao động. Tuy nhiên, chuyển đổi sang nhà ở xã hội theo hình thức chia nhỏ diện tích căn hộ của các dự án thương mại đồng nghĩa với tăng số lượng người sinh sống trong dự án. Việc quá tải hạ tầng là điều không thể tránh khỏi!
Thực tế cho thấy nhu cầu người mua nhà vẫn còn rất lớn đặc biệt với chung cư giá rẻ nhưng đa số người dân vẫn dè dặt lựa chọn nhà chung cư lý do chính là bởi chất lượng, tiến độ xây dựng cũng như tiện ích của dự án.
Để giảm giá thành, một số dự án nhà ở cho người thu nhập thấp đã chọn vị trí tại những địa điểm xa trung tâm thành phố, gây bất tiện cho việc sống và sinh hoạt; Thậm chí có dự án nằm biệt lập với khu dân cư, bốn bề là ruộng lúa, không chợ, không trường, không đèn đường… Đây cũng là nguyên nhân chính khiến nhiều người ký hợp đồng mua nhà ở xã hội xong đã trả lại và chấp nhận phạt với lý do tương tự: hạ tầng dự án chưa hoàn thiện, gây khó khăn cho việc sống và sinh hoạt của cư dân.
Dự án nhà thu nhập thấp tại dự án nhà thu nhập thấp Kiến Hưng (Hà Đông) do Công ty CP Bê tông Xuân Mai (Vinaconex Xuân Mai) làm chủ đầu tư là một ví dụ. Dự án này được xây dựng biệt lập, nằm giữa cánh đồng, hệ thống hạ tầng kỹ thuật chưa hoàn thiện, thiếu trường học, chợ dân sinh, hệ thống điện chiếu sáng... gây khó khăn cho sinh hoạt của người dân.
Theo ông Phạm Sỹ Liêm, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng, những dự án dành cho người có thu nhập thấp đang rất hấp dẫn và thu hút người dân tuy nhiên người mua nhà cũng nên cẩn trọng bởi chất lượng luôn đi liền với giá thành.
“Người có tiền thường không muốn mua những chung cư giá rẻ, người không có tiền lại cố vay mua được căn chung cư này. Đó là mâu thuẫn nên khi quyết định mua nhà, người mua cần cân nhắc kỹ bởi bài học "tiền nào của nấy" luôn đúng trong các dự án xây dựng”, ông Liêm khuyến cáo.
Chung cư giá rẻ liệu có rẻ?
Để giảm giá thành một dự án chung cư cao tầng ngoài việc chọn vị trí xa trung tâm, hầu hết các chủ đầu tư đều chọn cách bóc tách các hạng mục xây dựng. Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển đưa ra quan điểm của mình: " Nhà giá rẻ phải được hiểu theo đúng bản chất của nó. Gía rẻ ở đây là do diện tích các căn hộ nhỏ, vị trí xa trung tâm, hoặc NĐT bán các căn hộ dưới dạng thô, phần nội thất bên trong sẽ do khách hàng tự mua theo điều kiện kinh tế của mình...
Tuy nhiên trong thời gian gần đây, nhà thu nhập thấp tiếp tục “hâm nóng” thị trường bằng các vụ kiện cáo về chất lượng xây dựng. Đơn cử như dự án căn hộ nhà thu nhập thấp Đặng Xá do Vigracera làm chủ đầu tư mặc dù mới xây dựng xong nhưng nhiều căn hộ đã bị thấm dột, nứt, tường bị rêu mốc, xuống cấp ngay khi bàn giao nhà.
Hay như việc người dân mua căn hộ tại dự án nhà thu nhập thấp tại dự án nhà thu nhập thấp Kiến Hưng (Hà Đông) do Công ty CP Bê tông Xuân Mai (Vinaconex Xuân Mai) làm chủ đầu tư, mặc dù chủ đầu tư đã bàn giao nhà từ đầu năm 2013 nhưng đến nay vẫn có nhiều hộ chưa đến nhận nhà hoặc chưa đến ở. Hiện số người dọn đến ở mới chưa đầy 80%.
Theo chủ đầu tư, việc nhiều khách hàng chậm đến nhận bàn giao nhà có nhiều lý do nhưng theo người dân cho biết, lý do chính khiến nhiều người mua nhà thu nhập thấp Kiến Hưng xin được trả lại hoặc không đến ở là vì hệ thống hạ tầng kỹ thuật chưa hoàn thiện gây khó khăn cho sinh hoạt của người dân. Chính vì thế từ khi chủ đầu tư bàn giao nhà đến nay đã có nhiều khách hàng làm đơn xin trả lại nhà, thanh lý hợp đồng. Tổng số những khách hàng làm đơn xin trả lại nhà, thanh lý hợp đồng tại dự án Kiến Hưng này từ trước tới nay là trên 30 người.
Cơ sở hạ tầng không đồng bộ trong khi chất lượng nhà ở cũng không đảm bảo khiến người có thu nhập thấp quay lưng với nhà ở xã hội cũng là điều dễ hiểu. Chị Minh Tuyết công nhân của Công ty Dệt may tại Hà Nội lo lắng: “Chất lượng của đa số chung cư tái định cư quá kém, nếu chất lượng nhà ở xã hội cũng kém như vậy thì khi mua về sẽ lại phải mất thêm số tiền lớn để sửa chữa. Lúc ấy không sửa thì không ở được mà sửa thì tiền ở đâu ra?”.
Trao đổi với Ông Nguyễn Hoàng Nam, Giám đốc sàn giao dịch BĐS INFO về vấn đề này, ông Nam cho hay, thực tế đã cho chúng ta thấy tác hại của những khu nhà có chất lượng thấp sẽ ảnh hưởng đến điều kiện sống của cư dân trong đó cũng như mỹ quan chung của đô thị lớn đến như thế nào. Vào thập niên 70 – 80, Hà Nội phát triển hàng loạt các khu tập thể và bây giờ có thể thấy tình trạng căn hộ xuống cấp, thậm chí còn nghiêng lún, gây nguy hiểm cho người dân. Đến những năm 2000 lại xuất hiện các khu tái định cư tại các khu đô thị mới ở nơi còn được xếp hạng là “đất vàng” của Thủ đô. Mừng rỡ chưa được bao lâu thì vài năm sau chúng ta có thể thấy các công trình đã xuống cấp nghiêm trọng và gây ra một sự nhếch nhác không thể chấp nhận được.
“Để tránh đi vào những vết xe đổ trên, người mua nhà phải hết sức cân nhắc trước khi mua những căn hộ giá rẻ và nên suy xét giá rẻ do đâu? Nhà ở xã hội do không phải trả tiền đất và được ưu đãi về tài chính nên doanh nghiệp có thể hạ giá thành song ở các dự án khác nếu bán giá rẻ thì chỉ có thể do chủ đầu tư đã cắt bớt dịch vụ”, ông Nam nói.
Cũng theo khuyến cao của ông Nam, nếu không kiểm soát kỹ về chất lượng mà cứ tiếp tục cho xây dựng những khu nhà cao tầng chất lượng thấp với mục đích để dịch chuyển người dân từ những “khu ổ chuột” dưới đất lên các “khu ổ chuột” trên cao thì tác hại của quá trình này sẽ lớn vô cùng.
Về cơ bản, giá nhà ở xã hội thấp hơn so với nhà ở thương mại vì những chính sách ưu đãi đặc biệt dành riêng cho loại nhà này. Vấn đề còn lại cần phải xem xét là chất lượng có thực sự đúng nghĩa ưu đãi hay lại là “của ôi” như những khu nhà tái định cư trước đây.
DiaOcOnline.vn - Theo Thời báo doanh nhân