Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường đề nghị cần xem xét việc giao đất cho nhà đầu tư nước ngoài Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường vừa gửi báo cáo giám sát về tình hình thực hiện dự án trồng mới 5 triệu ha rừng tới đại biểu Quốc hội.
Trong số các công ty nước ngoài thuê đất trồng rừng tại Việt Nam đã được phép đầu tư, chỉ riêng InnovGreen (Hồng Kông, Trung Quốc) đã thuê tới 274.848 ha, chiếm 87% diện tích đất thuê - Ảnh: Pháp luật Tp.HCM. |
Theo báo cáo giám sát, tính đến tháng 8/2010, tổng diện tích đất lâm nghiệp cho nhà đầu tư nước ngoài thuê để trồng rừng theo hình thức 100% vốn nước ngoài được cấp giấy chứng nhận đầu tư là 288.974 ha, và diện tích đất nhà đầu tư nước ngoài liên doanh liên kết với nhà đầu tư trong nước để trồng rừng là 21.657,51 ha.
Trong số các công ty nước ngoài thuê đất trồng rừng tại Việt Nam đã được phép đầu tư, chỉ riêng InnovGreen (Hồng Kông, Trung Quốc) đã thuê tới 274.848 ha, chiếm 87% diện tích đất thuê.
Nêu tiếp vấn đề này, báo cáo giám sát cho biết đã có 14 tỉnh cấp giấy chứng nhận đầu tư trồng rừng và 5 tỉnh khác cấp giấy chứng nhận đầu tư chế biến lâm sản kết hợp trồng rừng quy mô nhỏ và các dự án có liên quan.
Đáng chú ý, “một số giấy chứng nhận đầu tư được cấp ở những địa bàn trọng điểm về quốc phòng, an ninh. Ở một số địa phương có tình trạng giao đất trên giấy, nghĩa là diện tích đất rừng đã giao hộ gia đình quản lý cũng lại được giao cho nhà đầu tư nước ngoài thuê”.
Về giá cho thuê, Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường cho biết, riêng Công ty InnovGreen, với 8.123 ha đã được cấp, đã nộp ngân sách 77.946 USD, giá thuê đất trồng rừng trung bình 9,58 USD/ha, tương đương 180.000 đồng/ha (bằng tổng giá khoảng 10 bát phở).
Mức giá thuê này, theo Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường, là quá thấp.
Trong khi đó, hiện nhu cầu được giao đất, giao rừng của hộ nông dân là rất lớn; các tiến bộ khoa học kỹ thuật về giống cây rừng, kỹ thuật canh tác cho năng suất trồng rừng cao; giá gỗ rừng tăng khoảng 4 lần so với trước đây, cho nên trên thực tế không đủ đất rừng giao cho nhu cầu hộ gia đình.
Trước thực trạng trên, “cần xem xét việc giao đất cho nhà đầu tư nước ngoài để việc giao đất, giao rừng đảm bảo quyền lợi của hộ gia đình, cá nhân tại địa phương và việc giao đất, giao rừng tuân thủ đúng pháp luật, bảo đảm an ninh quốc phòng”, Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường đề nghị.
Trước đó, bản báo cáo đề ngày 20/10/2010 của Chính phủ về tình hình cho các công ty nước ngoài thuê đất trồng rừng cho biết, tính từ khi dự án trồng rừng đầu tiên được cấp phép vào năm 1995 đến ngày 10/8/2010, cả nước hiện có 8 dự án trồng rừng có 100% vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đã được cấp giấy phép đầu tư (hoặc giấy chứng nhận đầu tư), với tổng vốn đầu tư là 286.090.000 USD.
Chính phủ cho biết, các dự án sau khi đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư đã triển khai nhưng chậm và có quy mô nhỏ hơn nhiều so với quy mô diện tích đất dự kiến, đồng thời, tổng số tiền nộp ngân sách Nhà nước của cả 8 dự án trồng rừng có 100% vốn đầu tư nước ngoài là 24,65 tỷ đồng. Việc đóng góp vào ngân sách Nhà nước là không đáng kể, chủ yếu là thuế môn bài và thuế thu nhập cá nhân.
* Cũng theo báo cáo của Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường, tình trạng cháy rừng năm 2010 gia tăng một cách đáng lo ngại. Tính đến tháng 7/2010, diện tích rừng bị cháy của cả nước là 5.327,79 ha, trong đó rừng tự nhiên là 1.948,68 ha, bằng 4,01 lần cùng kỳ năm 2009 (1.326,69 ha). “Mặc dù các địa phương đã có phương án chủ động ứng phó, đầu tư trang thiết bị, một số nơi xây dựng đường ranh cản lửa, đầu tư nhân lực cho phòng cháy, chữa cháy rừng… nhưng do diễn biến thất thường của thời tiết, tình trạng hạn hán kéo dài nên công tác phòng, chống cháy rừng còn gặp nhiều khó khăn”, báo cáo nêu rõ.
DiaOcOnline.vn - Theo VnEconomy