Doanh Nghiệp nguy cơ phá sản

Cập nhật 04/06/2010 13:10

Trong số các hướng xử lý đối với các dự án nhà cao tầng ở khu vực trung tâm phải tạm dừng theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, UBND thành phố Hà Nội đang tính đến việc đền bù thiệt hại cho các chủ đầu tư. Thông tin trên được ông Dương Đức Tuấn, Phó giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội hôm qua cho biết.

Thực hiện kết luận của Thủ tướng, đầu năm 2010, UBND thành phố đã chỉ đạo Sở Xây dựng tạm dừng cấp phép đối với các công trình từ 9 tầng trở lên. Tuy nhiên, trước khi có yêu cầu này, rất nhiều dự án đã và dang được triển khai. Chính vì thế, khi bị ngưng lại, hàng trăm tỷ đồng mà các doanh nghiệp đầu tư cũng bị “om” theo, trong khi hàng tháng vẫn phải trả lãi ngân hàng.

Hàng tỷ đồng bị "om", lãi ngân hàng vẫn phải trả


Để tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các doanh nghiệp, UBND thành phố Hà Nội đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao thành phố xem xét từng dạng dự án cụ thể. Mới đây nhất, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng đã tổ chức cuộc họp với 10 doanh nghiệp có dự án cao tầng ở khu vực trung tâm Hà Nội đang bị tạm ngừng để tổng hợp ý kiến trình Thủ tướng.

,
Thành phố Hà Nội sẽ rà soát lại các dự án nhà cao tầng trong ba năm trở lại đây. Ảnh: Trung Kiên.

Tại cuộc họp này, nhiều doanh nghiệp đã bày tỏ lo lắng vì dự án của mình bị dừng đột ngột, trong khi đã đầu tư một nguồn vốn lớn trong nhiều năm qua. Đa số các doanh nghiệp đều đã hoàn thành các thủ tục tài chính cần thiết, nộp ngân sách tiền thuê đất từ 150 - 200 tỷ đồng. Các doanh nghiệp cho biết, để có được nguồn vốn này, họ phải huy động từ tiền nhàn rỗi của người dân và vay ngân hàng với lãi suất cao. Vì vậy, không chỉ gây lãng phí (đối với số vốn đã thực hiện), việc dự án bị tạm ngừng cũng đồng nghĩa với việc họ phải chi hàng tỷ đồng trả lãi hàng tháng. “Nếu dừng một cách đột ngột như vậy sẽ gây phá sản cho những doanh nghiệp không có tiềm lực về kinh tế lớn”, đại diện một doanh nghiệp nói và cho hay, các dự án đều được UBND thành phố cho phép, đều đã thỏa thuận đền bù, giải tỏa và việc cấp giấy phép xây dựng chỉ là khâu cuối cùng.

Đền bù tương xứng mức thiệt hại


Liên quan đến “số phận” của các dự án đang bị tạm ngừng, Phó giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội Dương Đức Tuấn cho hay, thành phố đang tính đến ba hướng xử lý. Thứ nhất, đối với những công trình buộc phải dừng hẳn, nếu như mới đang ở giai đoạn được chấp thuận chủ trương đầu tư (hoặc mới ở giai đoạn đầu thực hiện), có hai khả năng là hoặc sẽ phải thay đổi quy mô công trình theo mô hình không gian mới (phải “cắt ngọn” thành công trình dưới 9 tầng), hoặc buộc phải điều chỉnh chức năng của công trình cho phù hợp với thiết kế.

Hướng xử lý thứ hai là hoán đổi cho chủ chủ đầu tư chuyển sang khu vực mới và được xây dựng những công trình phù hợp như ở vành đai 3, vành đai 4. Sau khi đền bù tương xứng với mức thiệt hại mà chủ đầu tư đã phải chịu, thành phố sẽ thu hồi quỹ đất đó để xây dựng những công trình công cộng phục vụ cộng đồng. Hướng xử lý cuối cùng là thành phố sẽ phối hợp với chủ đầu tư chuyển đồi hình thái chức năng công trình theo phương thức xã hội hóa, tạo ra những công trình có ích cho đô thị lõi. Tuy nhiên, trong hướng xử lý này, thành phố vẫn phải đền bù một phần những thiệt hại cho chủ đầu tư (như việc bồi hoàn một phần diện tích đất bên ngoài khu vực trung tâm).

Ông Tuấn cũng cho biết, thành phố sẽ tiến hành tổng rà soát lại toàn bộ các quận nội thành, phân loại dự án rõ ràng, đối chiếu với định hướng Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô để có hướng xử lý riêng đối với từng dự án. Theo đó, sẽ tổng hợp lại toàn bộ các dự án nhà cao tầng, đặc biệt là các công trình đầu tư trong vòng ba năm trở lại đây. “Nếu người ta đã có giấy phép xây dựng rồi thì không thể hồi tố được và phải cho doanh nghiệp xây. Quy hoạch kiến trúc mà được duyệt rồi thì có nghĩa đã tính đến khả năng hợp lý đối với không gian xung quanh rồi”, ông Tuấn nói.

DiaOcOnline.vn - Theo Đất Việt