Doanh nghiệp nào hưởng lợi từ gói tín dụng 30.000 tỷ đồng?

Cập nhật 30/05/2013 08:19

Có những DN bất động sản niêm yết được hưởng lợi từ gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng, nhưng cũng có DN không được hưởng.

CTCP Tập đoàn Đầu tư Nam Long cho biết, đa số sản phẩm căn hộ Ehome của Nam Long đáp ứng được tiêu chí diện tích dưới 70 m2 và giá dưới 15 triệu đồng/m2 để khách hàng có thể vay ưu đãi từ gói tín dụng 30.000 tỷ đồng của Nhà nước. Để tiếp tục hỗ trợ khả năng thanh toán của khách hàng, Nam Long sẽ có chính sách giảm giá 4% căn hộ cho khách hàng mua nhà Dự án EHome 3 muốn vay mua trả góp. EHome 3 sẽ được Nam Long mở bán trong tháng 6 tới.

Dự án EHome 3 sẽ được Nam Long mở bán trong tháng 6 tới

Một DN khác cũng bám khá chặt vào phân khúc nhà ở cho người thu nhập trung bình là CTCP Dịch vụ và xây dựng địa ốc Đất Xanh (DXG) cho biết, chính sách tín dụng ưu đãi sẽ tạo cơ hội lớn cho người mua nhà.

“Chúng tôi đang làm việc với BIDV và Vietinbank để giúp khách hàng mua sản phẩm của DXG có thể tiếp cận tín dụng ưu đãi thông qua hai ngân hàng này”, ông Lương Trí Thìn, Chủ tịch HĐQT DXG nói. Mặc dù chưa công bố sẽ chào bán dự án cụ thể nào trước tiên nhằm tận dụng cơ hội từ gói tín dụng ưu đãi, nhưng theo ông Thìn, năm nay, DXG sẽ đưa ra thị trường khoảng 1.000 căn hộ ở các quận Gò Vấp, Thủ Đức và Tân Phú (TP. HCM) cho người thu nhập trung bình.

Tập đoàn Hà Đô (HDG) cũng có thể được hưởng lợi từ các chính sách ưu đãi của Chính phủ đối với chủ đầu tư của các dự án nhà ở xã hội tại Dự án Nguyễn Văn Công.

CTCP Chương Dương (CDC) hiện đang hoàn tất các thủ tục cuối cùng là xin chấp thuận điều chỉnh chỉ tiêu quy hoạch cho dự án nhà ở xã hội tại phường Trường Thọ, quận Thủ Đức, TP. HCM để khởi công dự án trong năm nay. Ông Trần Mai Cường, Chủ tịch HĐQT CDC chia sẻ, dự án này gồm 900 căn hộ diện tích 48 m2 và 55 m2, giá bán khoảng 10 triệu đồng/m2. Cả chủ đầu tư và khách hàng đều được vay vốn theo chương trình ưu đãi lãi suất của Nhà nước. CDC đang làm việc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để được giải ngân gói lãi suất ưu đãi 30.000 tỷ đồng.

Cổ phiếu HQC của Địa ốc Hoàng Quân có thanh khoản cao trên thị trường hiện tại cũng đang dồn lực cho các dự án nhà ở xã hội. Hai dự án thương mại mà HQC đã xin chuyển đổi sang nhà ở xã hội là HQC Plaza đường Nguyễn Văn Linh, quận 8, TP. HCM và dự án 30 héc-ta ở Cần Thơ. HQC Plaza là dự án có đất sạch, hiện xin điều chỉnh thiết kế căn hộ nhỏ diện tích từ 50 - 70 m2, với số lượng khoảng 1.900 căn. HQC đang kỳ vọng thủ tục sớm hoàn tất để khởi công dự án sau 1 - 2 tháng nữa.

Một số DN khác cho biết, họ không tận dụng được gì từ gói tín dụng 30.000 tỷ đồng, bởi sản phẩm không phù hợp với phân khúc được ưu tiên. Ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAG) cho hay, các sản phẩm của HAG không nằm trong phân khúc dưới 70m2 và giá bán dưới 15 triệu đồng/m2. Vì thế, chiến lược của HAG lúc này là tiếp tục chờ đợi, bởi nhu cầu của thị trường với căn hộ diện tích khoảng 100 m2, giá bán từ 15 triệu đồng/m2 trở lên vẫn có và sẽ phục hồi trở lại.

Ông Trần Quang Mỹ, Chủ tịch HĐQT CTCP Xây dựng số 5 (SC5) cũng chia sẻ, Công ty không có dự án nào tham gia gói tín dụng 30.000 tỷ đồng, bởi sản phẩm của SC5 đều thuộc dòng cao cấp. Dự án ở quận 11, TP. HCM với bốn mặt tiền đường mà SC5 đang xây dựng móng có giá bán tới 30 triệu đồng/m2.

Với những dự án chưa triển khai, ông Mỹ cho rằng, việc chuyển đổi sang nhà ở xã hội mất nhiều thời gian, SC5 sẽ chậm chân hơn các DN khác trong việc tiếp cận gói tín dụng ưu đãi, nên việc chuyển đổi có thể không hiệu quả. Tuy nhiên, ông Mỹ đánh giá, gói tín dụng ưu đãi là rất tích cực, ngoài việc hỗ trợ người thu nhập trung bình có nhà ở thì một số chủ đầu tư gặp sức ép tài chính cũng có thể điều chỉnh giá bán để thu hồi vốn. Khi sức ép bán hàng để thu hồi vốn từ phía cung  giảm đi thì thị trường ở phân khúc căn hộ cao hơn cấp hơn sẽ sớm phục hồi.
DiaOcOnline.vn - Theo Đầu tư Chứng khoán