Doanh nghiệp kinh doanh bất động sản than thuế cao

Cập nhật 04/11/2009 08:10

Đây là vấn đề được đặt ra tại hội thảo bất động sản và thuế - “Điểm nóng của thị trường”, tổ chức tại TPHCM chiều 3-11

Theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp, quy định về thuế thu nhập cá nhân vừa được áp dụng đang khiến giao dịch trên thị trường kinh doanh bất động sản chững lại, đặc biệt là giao dịch bất động sản theo hợp đồng góp vốn.

Việc các cơ quan thuế áp dụng mức thuế suất khác nhau (có nơi thì tính 25% trên giá chênh lệch mua và bán, có nơi tính 2% trên giá trị chuyển nhượng mà không hề cho người nộp thuế được lựa chọn cách tính) đang làm cho các nhà đầu tư hoang mang, không mạnh dạn đầu tư khiến cho dòng vốn vào bất động sản chững lại, gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Vì đa số người đầu tư vào thị trường bất động sản là nhà đầu tư nhỏ lẻ nên họ thường phụ thuộc vào nguồn vốn vay ngân hàng. Cái khó của họ ở thời điểm hiện nay là họ muốn bán nhưng lại không bán được dẫn đến nguồn vốn đổ vào bất động sản bị ứ đọng.

Hơn thế nữa, việc Cục thuế TPHCM áp thuế thu nhập cá nhân mức 25% cho trường hợp chuyển nhượng các hợp đồng góp vốn mua căn hộ, đất nền thì thị trường bất động sản sẽ bị tác động mạnh vì các hợp đồng dạng này chiếm khoảng 60%-70% giao dịch trên thị trường nhà đất.

Liệu có phải nhà đầu tư đang bị thiệt? Đó là câu hỏi của ông Nguyễn Văn Minh, Tổng Thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đặt ra. Theo Luật Dân sự, một giao dịch được công chứng thì mới hợp pháp. Hợp đồng góp vốn vào bất động sản thực chất không phải là hợp đồng mua bán bất động sản mà chỉ là hợp đồng góp vốn đầu tư.

Ông Phùng Văn Năng, Tổng Giám đốc Công ty Dịch vụ Bất động sản Nam Việt, cho biết không chỉ tê liệt về giao dịch, ngay cả những giao dịch chuyển nhượng bất động sản mà hai bên mua và bán đã đồng ý cũng đang bị ách tắc vì có những điểm hướng dẫn chưa rõ ràng. Chi cục thuế phải chờ ý kiến của Cục thuế thành phố (TP); Cục thuế TP thì lại chưa có hướng dẫn cụ thể từ Tổng cục Thuế.

Chính vì vậy, ở thời điểm hiện tại, thị trường đang rơi vào tình trạng người bán tính toán số tiền thuế phải nộp cao quá nên đã quyết định không bán nữa mà chờ khi nào có chính sách rõ ràng. Còn người mua thì thấy thuế đóng cao, mất thời gian làm thủ tục nộp thuế thu nhập cá nhân nên cũng lưỡng lự.

Bên cạnh việc áp mức thuế mỗi nơi mỗi kiểu thì thủ tục nộp thuế cũng rơi vào tình trạng này. Ông Năng đưa ra ví dụ cụ thể như khi làm thủ tục chuyển nhượng cho khách hàng mua bất động sản qua sàn giao dịch Nam Việt tại huyện Bình Chánh, mặc dù đã có giấy xác nhận giao dịch qua sàn nhưng chi cục thuế còn đòi hỏi phải có thêm giấy xác nhận giao dịch của chủ đầu tư dự án (?).

Hoặc như trường hợp mua bán, chuyển nhượng hay kinh doanh bất động sản bị lỗ, có quận thì miễn thuế, có quận lại không. Nhiều chi cục thuế không dám xác nhận việc người dân có bất động sản duy nhất để miễn thuế.

Các doanh nghiệp đã đưa ra kiến nghị và mong muốn Cục thuế TP phản ánh lên Bộ Tài chính: thay vì Nhà nước thu 25% lợi nhuận chuyển nhượng của hợp đồng góp vốn, thì nên thu 2% trên tổng giá trị hợp đồng, như vậy sẽ khả thi hơn.


DiaOcOnline.vn - Theo Người Lao Động