Doanh nghiệp "khóc dở" vì làm nhà ở giá rẻ

Cập nhật 23/04/2019 15:30

Một doanh nghiệp làm dự án hơn 400 căn chung cư giá rẻ cho công nhân, sau khi bàn giao, tính toán lại thì doanh nghiệp lỗ hàng chục tỷ đồng.

Nhiều lãnh đạo doanh nghiệp bất động sản nhận định, trong thời gian tới, nhà ở giá rẻ sẽ “tuyệt chủng”. Lý do vì quỹ đất hiện nay khan hiếm, giá đất tăng cao, giá vật liệu xây dựng, nhân công cũng tăng.

“Lỡ” một lần làm nhà giá rẻ

Cuối năm 2017, một doanh nghiệp (xin giấu tên) tại tỉnh Long An triển khai dự ánnhà ở giá rẻ trên địa bàn huyện Đức Hòa. Dự án gồm 400 căn hộ chung cư, diện tích hơn 30 m2/căn, đầy đủ tiện nghi với giá bán chỉ 198 triệu đồng/căn hộ. Số căn hộ đã được bán hết chỉ trong 2 tháng mở bán. Nhưng sau đó, ngồi tính lại những chi phí đã bỏ ra để làm dự án và số tiền thu lại thì doanh nghiệp này lỗ hàng chục tỷ đồng.

Trao đổi với phóng viên, Tổng giám đốc doanh nghiệp này cho biết, doanh nghiệp đã chịu lỗ nặng vì các tiêu chuẩn để Nhà nước chấp thuận cho chủ đầu tư được đủ điều kiện bàn giao nhà cho khách hàng bị áp theo tiêu chuẩn nhà ở thương mại, trong khi đây là nhà giá rẻ.

“Chẳng hạn tiêu chuẩn phòng cháy, chữa cháy bắt đúng theo tiêu chuẩn của dự án cao tầng, trong khi dự án chỉ có 5 tầng. Hàng lang của nhà ở giá rẻ chỉ khoảng 1 m, nhưng cơ quan chức năng lại bắt phải làm từ 1,4 m trở lên. Tiếp đó là những chỉ tiêu chung về nhà xe, về tiện ích, mật độ dân số, mật độ xây dựng, hệ thống điện… đều bị áp theo tiêu chuẩn nhà ở thương mại bán giá cao”, vị Tổng giám đốc này nói.

Cũng theo lãnh đạo doanh nghiệp trên, khi làm nhà ở giá rẻ, doanh nghiệp vẫn bị áp thuế đất như nhà ở thương mại. Trong khi đó, giá xây dựng hiện nay phải từ 7 triệu đồng/m2 trở lên, với căn 30 m2 đã là hơn 200 triệu đồng, chưa tính giá đất thì đã không có lợi rồi.

Khi được hỏi vì sao tỉnh Bình Dương làm được dự án nhà ở giá rẻ mà các tỉnh khác doanh nghiệp không làm, vị tổng giám đốc này cho biết, tỉnh Bình Dương triển khai được nhà ở giá rẻ là do khi giao đất cho doanh nghiệp, họ không tính bất cứ khoản tiền đất nào, hơn nữa, san lấp mặt bằng và hạ tầng bên ngoài đã được tỉnh làm sẵn. Trong khi ở các tỉnh, thành phố như Long An, TP.HCM… giá đất được tính như nhà ở thương mại.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Đực, Phó giám đốc Công ty Địa ốc Đất lành cho biết, thời điểm năm 2007, khi thị trường bất động sản bùng phát, bên cạnh các dự án thương mại, vẫn có những dự án giá rẻ được bán ra thị trường. Thậm chí, có nhiều chủ đầu tư hăng hái tham gia, nhưng nay thì không ai “dám” làm nhà ở giá rẻ, lý do vì hết vốn, ngân hàng ngại cho vay và nếu cho vay thì áp mức lãi suất khá cao.

“Tuyệt chủng” dự án giá rẻ

Thống kê cho thấy, thời gian gần đây thị trường bất động sản TP.HCM và một số tỉnh lân cận đã vắng bóng nhà ở giá rẻ.

Cụ thể, theo danh sách phê duyệt nhà ở của Sở Xây dựng TP.HCM trong năm 2018, phân khúc căn hộ trung cấp giảm 6.676 căn, tỷ lệ giảm đến 34,2%; phân khúc căn hộ bình dân giảm 6.362 căn, tỷ lệ giảm đến 44,1%.

Theo các chủ đầu tư, Nhà nước cần có cơ chế hấp dẫn hơn để tất cả các bên khi tham gia vào dự án nhà ở giá rẻ đều có lợi. Chính phủ khuyến khích bằng cách ưu đãi chính sách vay vốn hoặc được hưởng những ưu đãi về thuế như giảm trừ thuế thu nhập doanh nghiệp.

Bước vào quý I/2019, theo báo cáo của Công ty nghiên cứu thị trường DKRA Vietnam, TP.HCM có 8 dự án bất động sản chung cư mới mở bán, nhưng không có dự án nhà ở giá rẻ nào xuất hiện.

Tình trạng quá thiếu loại căn hộ nhà ở thương mại giá thấp, nhà ở xã hội, nhất là loại căn hộ cho thuê giá rẻ phù hợp với khả năng tài chính của công nhân, người có thu nhập thấp đang tiềm ẩn yếu tố tác động đến ổn định an sinh xã hội.

“Đây là biểu hiện lệch pha cung - cầu và là chỉ dấu rõ rệt của sự phát triển thị trường thiếu bền vững. Với thị trường bất động sản phát triển bền vững, thì phân khúc căn hộ bình dân phải chiếm tỷ lệ lớn nhất, tiếp theo là phân khúc căn hộ trung cấp, còn phân khúc căn hộ cao cấp chiếm tỷ lệ nhỏ nhất”, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM nói.

Nhiều lãnh đạo doanh nghiệp bất động sản nhận định, trong thời gian tới, nhà ở giá rẻ sẽ “tuyệt chủng”. Lý do vì quỹ đất hiện nay khan hiếm, thêm vào đó, giá đất của TP.HCM và các tỉnh lân cận đang tăng cao, giá vật liệu xây dựng, nhân công cũng tăng. Trong khi đó, những hỗ trợ cho dự án nhà ở giá rẻ lại chưa rõ ràng.

“Doanh nghiệp không phát triển nhà ở giá rẻ, thiệt thòi lớn nhất thuộc về người dân. Dân số đô thị tăng nhanh, nhu cầu nhà ở cao, trong khi đó, thu nhập người dân tăng không đáng kể. Nếu không được tạo cơ chế thuận lợi về vay vốn, ưu tiên quỹ đất… thì nhà ở giá rẻ sẽ không còn xuất hiện trên thị trường”, ông Nguyễn Văn Hậu, Tổng giám đốc Công ty Bất động sản Asian Hoding nói.

DiaOcOnline.vn – Theo Đầu tư BĐS