Doanh nghiệp khó kiếm mặt bằng, KCN thừa đất

Cập nhật 03/07/2015 14:06

Hàng trăm doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) tại TP Đà Nẵng hoạt động trong khu dân cư, gây ô nhiễm môi trường dù Đà Nẵng có đến sáu khu công nghiệp (KCN). Nhiều KCN vẫn còn đất trống nhưng các doanh nghiệp không thuê được...


Công ty TNHH Bách Phương phải thuê lại đất của một doanh nghiệp khác ở KCN Hòa Khánh - Ảnh: Đ.CƯỜNG

Ghi nhận thực tế tại TP Đà Nẵng cho thấy nhiều DNNVV, từ ngành cơ khí, sắt thép, vận tải, dịch vụ..., vẫn đang hoạt động xen lẫn với khu dân cư, gây ô nhiễm môi trường với nước thải, tiếng ồn, bụi bặm... Tuy nhiên, các doanh nghiệp cho biết không dễ tìm đất ở các KCN.

Khi thành lập doanh nghiệp cách nay 10 năm, ông Nguyễn Văn Thanh, giám đốc Công ty TNHH Bách Phương, đến các KCN trên địa bàn tìm mặt bằng khoảng 1.000m2 để xây cơ sở sản xuất và làm kho bãi.

Tuy nhiên, KCN chỉ cho thuê tối thiểu phải từ 3.000m2 trở lên, không kham nổi do phải chi ra một khoản tiền nhiều tỉ đồng để thuê đất trong khi công ty mới thành lập nên ông Thanh đành phải ra về.

Điều oái oăm là sau đó ông Thanh cũng thuê được đất tại KCN Hòa Khánh nhưng là thuê... lại một doanh nghiệp khác còn đất trống.

“Tôi chỉ mong TP sớm có một KCN dành riêng cho các doanh nghiệp nhỏ với mức giá hợp lý để có đất làm ăn” - ông Thanh nói.

Ông H., giám đốc một doanh nghiệp tại quận Cẩm Lệ, cũng bức xúc vì mỗi năm trả tiền thuê mặt bằng mất 200 - 300 triệu đồng, trong khi đất tại KCN còn nhưng không thể thuê.

“Nhu cầu thuê đất doanh nghiệp dưới 1.000m2 nên không thể thuê ở KCN được vì họ đòi hỏi diện tích đất phải lớn” - ông H. nói.

Còn ông Nguyễn Văn Danh, giám đốc Công ty TNHH Gạch tuynen Đà Nẵng, chỉ ra bất cập khác khiến doanh nghiệp này đang tạm ngưng hoạt động do “thuê đất ở ngoài chỉ được năm năm, trong khi xây dựng nhà xưởng phải tốn hàng chục tỉ đồng, không doanh nghiệp nào hoàn vốn kịp”.

Ông Hà Đức Hùng, giám đốc Công ty CP cơ khí Hà Giang Phước Tường, cũng cho biết không đủ sức để vào các KCN khi yêu cầu phải đóng đủ tiền thuê đất một lần, mà trả cho gần 50 năm với số tiền gần 8 tỉ đồng, chưa kể phí sử dụng hạ tầng hằng năm trên 100 triệu đồng, chi phí xây dựng nhà xưởng, thiết bị máy móc...

“Cần có một cụm công nghiệp dành riêng cho các DNNVV với chính sách trả tiền thuê linh hoạt năm năm một lần, diện tích vừa với nhu cầu mới tạo điều kiện doanh nghiệp phát triển tốt được” - ông Hùng nói.

Trong khi đó, theo khảo sát tại các KCN TP, chúng tôi ghi nhận còn hàng chục hecta đất bỏ hoang, cỏ mọc um tùm, không có dự án hoạt động.

Theo báo cáo của Ban quản lý các KCN & KCX TP Đà Nẵng, hiện có ba KCN với 108ha đất trống, trong đó KCN Liên Chiểu còn đến 60ha đất trống, KCN Hòa Khánh còn hơn 33ha và KCN Hòa Cầm còn 14,5ha đất trống.

Chưa kể khoảng 30 doanh nghiệp đã thuê đất nhưng để trống đã được ban quản lý này đề xuất TP thu hồi bốn dự án với hàng chục hecta đất trống, chưa kể 20 dự án khác đã được thu hồi với diện tích gần 135.000m2.

Ông Phan Hồng Sơn - trưởng phòng đầu tư Ban quản lý các KCN & KCX TP Đà Nẵng - thừa nhận dù các KCN còn đất trống nhưng các doanh nghiệp thuê với diện tích nhỏ, không đúng với việc sử dụng hạ tầng, chưa kể các KCN do các doanh nghiệp làm chủ đầu tư còn yêu cầu ngành nghề sản xuất nên DNNVV khó đáp ứng.

Riêng các trường hợp cho thuê lại đất trong KCN, ông Sơn xác nhận có tình trạng này nhưng cho rằng rất khó xử lý.

Ông Nguyễn Văn Lý, chủ tịch Hiệp hội DNNVV TP Đà Nẵng, cho biết DNNVV hiện chiếm 96 - 97% số lượng doanh nghiệp trên địa bàn nhưng đối tượng này chưa được quan tâm đúng mức, trong đó chuyện khó thuê đất dai dẳng đã gây bức xúc nhiều năm. Chưa kể yêu cầu của các KCN là phải thuê diện tích lớn, đóng tiền một lần trong 50 năm...

Việc thuê đất ngoài KCN cũng gặp khó do phải đấu giá, trong khi nguồn lực của doanh nghiệp hạn chế, không đấu được với doanh nghiệp lớn.

Theo ông Lý, cuối năm 2014, hiệp hội đã khảo sát và đề xuất UBND TP giao hai khu đất khoảng 6ha ở phường Hòa Khánh Nam (quận Liên Chiểu) để làm cụm công nghiệp DNNVV nhưng đến nay vẫn chưa giải quyết.

Trước nhu cầu bức thiết về mặt bằng sản xuất của doanh nghiệp, đầu tháng 5 hiệp hội thành lập Công ty CP đầu tư Cụm công nghiệp nhỏ và vừa với vốn ban đầu 6,8 tỉ đồng, hoạt động phi lợi nhuận để xây dựng hạ tầng, cho các DNNVV thuê lại, giá và hình thức cho thuê sẽ theo UBND TP phê duyệt. Nhưng hiện công ty vẫn chưa hoạt động và chưa được giao đất.


DiaOcOnline.vn - Theo Tuổi trẻ