Với quyết định tăng thêm 1% tỷ giá bình quân liên ngân hàng và nới biên độ tỷ giá USD/ VND lên +/- 3% hôm 19/8, giá USD trên thị trường ngân hàng Việt Nam hôm 20/8 đã lên 22.320 đồng (mua vào) và 22.440 đồng (bán ra).
Một dự án bất động sản ở Tp.HCM.
|
Động thái này đã gây áp lực không nhỏ lên tiền đồng, và có thể sẽ tác động đến mặt bằng lãi suất VND.
Việc này cũng sẽ gây tác động khó khăn không nhỏ đối với các công ty địa ốc, vì phần lớn các chủ đầu tư đều sử dụng đòn bẩy tài chính lớn trong việc phát triển dự án. Do vậy, lãi suất tăng sẽ làm tăng chi phí tài chính, giảm lợi nhuận của các công ty bất động sản.
Một vấn đề khác là nhiều nguyên vật liệu xây dựng mà nhiều công ty địa ốc nhập về Việt Nam, đặc biệt là Trung Quốc, sẽ đắt đỏ hơn khi USD lên giá gây không ít khó khăn với các chủ đầu tư.
Bà Võ Thị Dịu Hiền, Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần Địa ốc Sài Gòn Thương Tín (Sacomreal) cho rằng, các công ty địa ốc nên tính phương án mở bán dự án sớm nhất có thể để tranh thủ được dòng tiền từ thị trường tài chính chảy qua, đón dòng vốn đầu tư từ lượng khách tiềm năng nước ngoài và tranh thủ được mức lãi suất ưu đãi cho khách hàng cũng như công ty trước khi lãi suất có thể tăng.
Mặt khác, cũng theo bà Hiền, các công ty cũng nên cân đối lại cơ cấu nguyên vật liệu sử dụng trong xây dựng bằng cách tăng cường sử dụng hàng nội, giảm cơ cấu hàng ngoại trong xây dựng để từ đó giảm giá thành và tạo ra giá bán cạnh tranh hơn.
Trước đó, ngay khi Trung Quốc đột ngột thực hiện chính sách phá giá đồng Nhân dân tệ để thúc đẩy xuất khẩu, hàng loạt các quốc gia trên thế giới đồng loạt có động thái đáp trả bằng cách phá giá đồng nội tệ.
Động thái này làm dấy lên mối lo ngại về một cuộc chiến tranh tiền tệ trong tương lai, gần gây lên tâm lý hoang mang trên thị trường chứng khoán. Thị trường chứng khoán của Việt Nam cũng không thoát khỏi vòng xoáy đó, khi các chỉ số chứng khoán có nhiều phiên giảm điểm.
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM, tâm lý trên có thể phần nào “nắn” dòng tiền từ thị trường chứng khoán chảy vào vàng và địa ốc như hai kênh trú ẩn an toàn. Tuy nhiên tại thời điểm hiện tại, giá vàng tại Việt Nam đang cao hơn giá vàng thế giới gần 5 triệu đồng, vì vậy đầu tư vào vàng trong thời điểm này sẽ có phần mạo hiểm. Nên địa ốc vẫn là kênh an toàn nhằm bảo toàn giá trị tài sản.
Để đón đầu dòng tiền này, mặc dù đang trong “tháng cô hồn”, một số chủ đầu tư đã ồ ạt xả hàng trước thời điểm mở bán dự án.
Chẳng hạn, Sacomreal cho biết vào Chủ Nhật tuần này (23/8), sẽ tung ra thị trường 238 căn biệt thự nghỉ dưỡng tại dự án Jamona Home Resort tại quận Thủ Đức có giá từ 1,9 tỷ đồng. Chưa mở bán chính thức, nhưng đã có gần 200 khách hàng đã đặt cọc giữ chỗ. Điều đặc biệt, trong gần 200 nền được giữ chỗ, có gần 10% được khách nước ngoài tiêu thụ.
Ở phân khúc căn hộ cũng ngay trong tháng 8, công ty này cũng sẽ tung ra sớm hơn dự kiến 200 căn hộ cao cấp thuộc dự án Jamona Apartment quận 7.
Tại khu vực Nam Sài Gòn, trong nửa cuối tháng 8, chủ đầu tư Phát Đạt sẽ mở bán 528 căn hộ và 75 biệt thự thuộc dự án The EveRich 3. Cũng trong thời gian này, chủ đầu tư Phú Mỹ Hưng sẽ giới thiệu 554 căn hộ thuộc dự án Happy Residence.
Việc các chủ đầu tư ồ ạt mở bán dự án trong thời điểm hiện tại được xem là mũi tên trúng hai đích. Một mặt nhằm đón dòng tiền rút khỏi thị trường chứng khoán, mặt khác, nhằm tranh thủ dòng tiền từ khách ngoại sau khi Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) cho phép người nước ngoài, Việt kiều mua nhà tại Việt Nam từ 1/7, cộng với việc tỷ giá USD/VND tăng tạo thêm thuận lợi cho khách ngoại mua nhà đất.
DiaOcOnline.vn - Theo VnEconomy