Doanh nghiệp địa ốc tìm cơ hội bán hàng

Cập nhật 01/03/2012 08:55


Một dự án biệt thự vừa hoàn thành tại Đồng Nai. Ảnh: Đình Dũng
So với TPHCM thì không khí thị trường tại tỉnh lận cận Đồng Nai có vẻ nhộn nhịp hơn khi một số chủ đầu tư dự án căn hộ và đất nền tiếp tục chào bán sản phẩm, tiếp tục tìm kiếm cơ hội kinh doanh trong bối cảnh thị trường địa ốc nói chung còn ảm đạm.

Cơ hội bán hàng


Tập đoàn Đất Xanh vừa khởi công dự án khu dân cư Gold Hill tại thị trấn Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai với kỳ vọng hạ tầng phát triển sẽ thu hút các nhà đầu tư từ TPHCM và các tỉnh lân cận đến Đồng Nai trong thời gian tới.

Công ty này cho biết sẽ đầu tư 350 tỉ đồng để chuyển khu đất rộng hơn 26 hécta thành khu dân cư gồm nhà liên kế thương mại, nhà liên kế vườn, biệt thự đơn lập và song lập, và các tiện ích công cộng khác như trường học, khu vui chơi thể dục thể thao và giải trí và công viên cây xanh.

Trong khi đó, Công ty TNHH Việt Thuận Thành cũng bắt đầu chào bán căn hộ dự án V_Citilight đang trong quá trình xây dựng tại phường Hố Nai, tỉnh Đồng Nai. Dự án gồm bảy khối nhà chung cư với khoảng 1.300 căn hộ và khoảng 40.000 mét vuông khu thương mại. Theo kế hoạch, dự án sẽ hoàn thành vào năm 2015.

Ông Thái Khắc Hoàng, giám đốc kinh doanh tiếp thị công ty, cho biết khoảng 100 căn hộ của dự án sẽ được chào bán với giá từ 15,4 triệu đồng/mét vuông, với chính sách hỗ trợ lãi suất trong 18 tháng.

Với viễn cảnh sân bay Long Thành sẽ được xây dựng vào năm 2013 với số lượng chuyên gia và kỹ sư Nhật Bản lên đến 2000 người, công ty này đang xây dựng chiến lược bán hàng của mình nhắm vào các nhà đầu tư mua căn hộ tại dự án này để cho giới chuyên gia Nhật Bản thuê lại khi họ đến làm việc tại khu vực này.

Sau một thời gian chuẩn bị, Công ty cổ phần đầu tư Nhơn Trạch chuẩn bị chào bán biệt thự dự án Khu đô thị Đông Sài Gòn – là một phần trong tổng thể dự án Đô thị mới Nhơn Trạch, tọa lạc tại xã Phú Thạnh và Long Tân thuộc huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai.

Đây là dự án có tổng vốn đầu tư lên đến 6 tỉ đô la Mỹ, được xây dựng trên diện tích đất khoảng 942 héc ta. Chủ đầu tư cho biết khoảng 150 căn nhà đầu tiên gồm biệt thự từ 300 – 600 mét vuông và nhà phố có diện tích 170 mét vuông/căn sẽ được chào bán ra thị trường vào quí 2 năm nay.

Ngoài ra, cũng tại Đồng Nai, Công ty cổ phần địa ốc Kim Oanh và Công ty Phú Tín thuộc tập đoàn Tín Nghĩa (Đồng Nai) vừa triển khai dự án Bien Hoa Dragon City có quy mô 33 héc ta tại thị xã Long Thành, cách TPHCM khoảng 30 cây số.

Dự án là một khu phức hợp bao gồm trung tâm thương mại, sân vận động, trường học, biệt thự, nhà liên kế và chung cư. Theo kế hoạch, Bien Hoa Dragon City sẽ cung cấp ra thị trường khoảng 300 nền đất trong giai đoạn một của dự án này.

Cũng còn phải chờ xem liệu những sản phẩm và chính sách các chủ đầu tư đưa ra có đủ sức thu hút người mua đến khu vực này trong thời gian tới hay không.

...và cơ hội bán dự án

Giới quan sát thị trường nhận định năm 2012 sẽ tiếp tục nhộn nhịp các hoạt động mua bán sát nhập dự án bất động sản giữa chủ đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài. Nhìn ở góc độ tích cực, việc mua bán sát nhập sẽ góp phần đẩy nhanh tốc độ thực hiện dự án, tăng tính thanh khoản và góp phần vào sự phát triển thị trường bất động sản.

Ông Ông Marc Townsend, tổng giám đốc điều hành Công ty CB Richard Ellis Vietnam, nhận định với những gì đã và đang diễn ra đối với thị trường bất động sản Việt Nam thì hoạt động mua bán sát nhập là nhu cầu cấp thiết bởi thị trường trì trệ trong hơn ba năm qua cộng với chính sách thắt chặt tín dụng làm cho phần lớn các công ty phát triển bất động sản không còn đủ nguồn lực để tiếp tục thực hiện dự án của mình.

Các doanh nghiệp địa ốc bắt buộc phải bán bớt một số dự án trong doanh mục đầu tư của mình để có thể tiếp tục thực hiện những dự án còn lại. Tái cấu trúc danh mục đầu tư và nguồn nhân lực thực hiện các dự án là những thử thách rất lớn.

Ông Townsend cho rằng trong khi việc mua bán sát nhập là họat động bình thường lở các thị trường khác thì tại Việt Nam một tỷ lệ lớn các chủ dự án vẫn còn rất nặng tâm lý: Bán lại dự án là thất bại.

“Họ cho rằng bán dự án là mất thể diện nên chưa thực sự thoải mái khi tiếp xúc với các nhà đầu tư, các quỹ đầu tư hay các đơn vị môi giới, cũng như yêu cầu hạn chế các nghiệp vụ quảng bá cần thiết để giới thiệu dự án đến các đối tượng tiềm năng. Có nhiều chủ tòa nhà yêu cầu giữ lại tên cũ sau khi chuyển nhượng,” ông Townsend nói.

Những nhà đầu tư đến từ các quốc gia phát triển như Nhật, Singapore hay Mỹ đều quan tâm đến tính minh bạch của dự án. Chẳng hạn như dự án đã có pháp lý rõ ràng, đã đền bù giải tỏa hay đã đóng tiền sử dụng đất.

Nhiều chủ đầu tư, theo ông Townsend, mắc sai lầm vì có thói quen chào mức giá mình mong muốn cao hơn nhiều so với mức chấp nhận rồi sau đó nếu có đơn vị hỏi mua sẽ thương lượng. Vì nếu người mua nhận thấy sự bất hợp lý sẽ không mất thời gian tiếp cận dự án.

Ông Townsend cho rằng với sự khủng khoảng của nhiều nền kinh tế trên thế giới và những khó khăn của kinh tế Việt Nam trong năm 2012, số lượng những nhà đầu tư có tiềm lực thật sự không nhiều, và do vậy giới chủ dự án sẽ khó có thể tiếp cận nhà đầu tư nếu không có sự chuẩn bị kỹ.

DiaOcOnline.vn - Theo TBKTSG