“Cắt lỗ - một thuật ngữ lâu nay ít được nhắc tới trong lĩnh vực bất động sản (BĐS), nhưng từ nay đến cuối năm, nếu cánh cửa tín dụng vẫn đóng chặt, áp lực tài chính tăng cao, các doanh nghiệp địa ốc TP.HCM phải tính đến chuyện… cắt lỗ”.
Đó là nhận định của ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM, khi trao đổi về thực trạng chung của các doanh nghiệp BĐS ở TP.HCM.
Theo ông Châu, do sự ngưng trệ của thị trường, các doanh nghiệp đang phải đối mặt với nhiều sức ép và dự báo, từ nay đến cuối năm, sức ép này sẽ còn tăng hơn. Đó là sức ép đáo hạn vốn vay ngân hàng, sức ép trả lãi vay, sức ép hoàn thiện công trình để giao nhà cho khách hàng theo cam kết. Trong khi đó, sức mua của thị trường khá yếu, khiến cho doanh nghiệp không có “cửa” để giải toả bớt các sức ép này.
Theo báo cáo tài chính quý II/2011 của nhiều doanh nghiệp địa ốc có tên tuổi ở TP.HCM, tỷ lệ bị thua lỗ cao. Ví dụ, trong quý II/2011, doanh thu của Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HAG) chỉ đạt 185,9 tỷ đồng, giảm gần 66% so với quý II/2010; lỗ 114,35 tỷ đồng. Tình cảnh tương tự cũng xảy ra với một doanh nghiệp địa ốc tên tuổi khác là Công ty cổ phần Đầu tư kinh doanh nhà (Intresco). Trong quý II/2011, doanh thu của Intresco chỉ đạt 24,14 tỷ đồng, giảm 86% so với quý II/2010; lỗ 19,62 tỷ đồng.
Thêm vào đó, lượng hàng tồn kho của nhiều doanh nghiệp địa ốc đang có xu hướng tăng lên, nhiều doanh nghiệp có hàng “tồn kho” trị giá lên đến hàng ngàn tỷ đồng, doanh nghiệp có quy mô dự án càng lớn, lượng hàng “tồn kho” càng cao. Theo các chuyên gia, hàng “tồn kho” trong lĩnh vực BĐS được hiểu là chi phí đầu tư xây dựng các dự án đang còn dở dang.
Với một dự án, khi doanh nghiệp công bố đã hoàn thành phần móng, nghĩa là doanh nghiệp đó đã đầu tư vào dự án một khoản tiền nhất định và được quyền bán sản phẩm để thu hồi vốn. Tuy nhiên, do đầu ra của thị trường BĐS gặp khó, sản phẩm chưa bán được, nên được xem là “tồn kho”.
Giám đốc một doanh nghiệp BĐS cho rằng, điều đáng nói của câu chuyện hàng “tồn kho” tại các doanh nghiệp BĐS ở đây chính là sự bế tắc về đầu ra của thị trường. Theo vị giám đốc này, giải pháp tốt nhất để doanh nghiệp vượt qua khó khăn hiện nay là làm thế nào giải quyết được đầu ra của thị trường. Tuy nhiên, đầu ra của thị trường hiện nay bị lệ thuộc quá nhiều vào tín dụng. Nếu tín dụng bị siết chặt, lãi suất cao thì khó có thể giải quyết được đầu ra.
Ông Phạm Ngọc Lâm, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đức Khải cho biết, thời gian qua, nhiều dự án, đặc biệt là các dự án căn hộ tầm trung ở TP.HCM được các chủ đầu tư đưa ra bán có giá bằng hoặc thậm chí thấp hơn giá thành đầu tư. Nếu phải tiếp tục giảm giá, doanh nghiệp sẽ bị lỗ nặng.
Tương tự, theo bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Tổng giám đốc Công ty Địa ốc Hưng Gia Việt, sự trầm lắng của thị trường căn hộ kéo dài từ 3 năm qua, giá cả nhìn chung ở các phân khúc đã có sự điều chỉnh về sát với giá trị thực, nên khó có thể giảm sâu hơn nữa.
“Đành rằng với việc giảm giá bán sản phẩm hiện nay, nhiều doanh nghiệp địa ốc sẽ bị lỗ. Song, trước quá nhiều sức ép đè nặng, khả năng sắp tới, nhiều doanh nghiệp sẽ phải tính đến nhiều giải pháp như chuyển nhượng dự án, bán doanh nghiệp, thậm chí là phải tính đến cả chuyện “đau đớn” hơn là giảm giá bán sản phẩm để kích thích đầu ra của thị trường”, ông Lê Hoàng Châu nhận định và cho rằng, giảm giá sản phẩm để bán được hàng biết đâu lại là giải pháp “cắt lỗ” khôn ngoan của các doanh nghiệp địa ốc lúc này.
DiaOcOnline.vn - Theo Đầu Tư