Rất nhiều doanh nghiệp sau thời gian đầu hào hứng với việc tham gia cải tạo các khu chung cư cũ đang bắt đầu chán nản khi phải đối mặt với những khó khăn mà không được bất kỳ sự hậu thuẫn nào từ phía chính quyền địa phương.
Vướng nhất là quy hoạch
Theo Nghị quyết 34/2007/NQ-CP của Chính phủ về một số giải pháp thực hiện việc cải tạo, xây dựng lại các khu chung cư cũ, hư hỏng và xuống cấp, UBND tỉnh, thành phố phải ban hành cơ chế, chính sách cụ thể về việc xây dựng lại các khu chung cư cũ trên địa bàn; đưa ra lộ trình, kế hoạch cụ thể cải tạo các chung cư cũ. Nhưng 6 tháng trôi qua kể từ khi Chính phủ có chỉ đạo, vẫn chưa có bất kỳ bản kế hoạch nào được đưa ra.
Hà Nội vốn là địa phương bức xúc nhất trong lĩnh vực này vì có nhiều chung cư cũ hư hỏng đang cực kỳ lúng túng, mặc dù đã có kinh nghiệm từ việc thực hiện Nghị quyết Hội đồng nhân dân thành phố về cải tạo chung cư cũ 4 năm trước. Một lãnh đạo Sở Tài nguyên - Môi trường và Nhà đất Hà Nội phải thốt lên: "Bí lắm" khi nói về sự chậm chễ ban hành cơ chế thí điểm cho việc cải tạo 3 khu chung cư cũ là Kim Liên (quận Đống Đa), Nguyễn Công Trứ (Hai Bà Trưng) và Thượng Đình (Thanh Xuân).
Theo ông này, vướng nhất dẫn đến chưa thể thông qua bản quy chế là giải pháp về quy hoạch - kiến trúc. "Lúc đầu dự định là cho nâng cao mật độ xây dựng tại các khu này, mặc dù không bảo đảm quy chuẩn xây dựng nhưng sẽ cân đối được lợi ích của chủ đầu tư. Nhưng gần đây nhất, lãnh đạo thành phố lại chỉ đạo giảm mật độ xây dựng và giãn dân ra khỏi các khu trung tâm, các khu chung cư cũ. Sự không thống nhất về quan điểm đó dẫn tới việc phải chỉnh sửa dự thảo và trình đi, trình lại nhiều lần", vị quan chức này nói.
Đấy là chưa nói đến việc, nếu không cho phép nâng mật độ xây dựng tại các khu chung cư cũ, chủ đầu tư sẽä không có lãi, thậm chí là lỗ nên việc kêu gọi đầu tư vào khu vực này rất khó khăn. Công ty xây dựng số 7, chủ đầu tư cải tạo khu Nguyễn Công Trứ đang "dọa" sẽ trả lại dự án cho thành phố nếu không được phép cải tạo khu nhà này thành chung cư 30 tầng, một đề nghị mà hiện chưa có một cơ quan có thẩm quyền nào dám đặt bút ký.
Chính quyền đứng ngoài cuộc
Không gặp vấn đề lớn về quy hoạch nhưng Công ty cổ phần xây dựng Sông Hồng (INCOMEX) cũng phải "kêu trời" vì những phức tạp trong việc giải phóng mặt bằng, đặc biệt đối với những trường hợp lấn chiếm đất lưu không, dựng nhà trái phép. Được coi là dự án cải tạo chung cư cũ có tiến độ nhanh nhất của Hà Nội, nhưng ông Phạm Hùng, Tổng giám đốc INCOMEX cho biết, phải đến tháng 3.2008 chủ đầu tư mới có thể khởi công xây dựng nhưng cũng chỉ là 1 trong 2 tòa nhà thuộc giai đoạn 1 của dự án.
Theo ông Hùng, Nghị quyết 34 của Chính phủ quy định các trường hợp tự cơi nới, xây dựng công trình trên đất lấn chiếm tại khu vực dự án buộc phải bàn giao mặt bằng mà không được bồi thường về đất, được ưu tiên mua căn hộ trong dự án theo giá kinh doanh và chủ đầu tư buộc phải tuân thủ quy định này. "Nhưng trên thực tế, phải thừa nhận rằng, việc để các hộ dân lấn chiếm và sinh sống trên đất lấn chiếm quá lâu (trước những năm 90) là do chính quyền quản lý kém chứ không phải lỗi của riêng người dân.
Bởi vậy cũng nên cho phép chủ đầu tư một cơ chế linh hoạt nhằm hỗ trợ giải phóng mặt bằng cho các đối tượng này để đẩy nhanh tiến độ dự án" - ông Phạm Hùng đề nghị. Ông Phạm Hùng tỏ ra rất bức xúc về việc "chính quyền địa phương gần như đứng ngoài cuộc để mặc doanh nghiệp tự xoay xở đối phó với những đòi hỏi, kiến nghị đôi khi rất vô lý của cư dân chung cư cũ". Nhiều hộ dân khi chưa hiểu chủ trương, chính sách của Nhà nước thì gửi đơn kiện tụng khắp nơi nhưng khi được giải thích đầy đủ, họ lại trở thành những người ủng hộ dự án nhiệt tình nhất.
Ông Phạm Hùng nói: "Suốt thời gian triển khai dự án, chúng tôi chỉ mong có một buổi lãnh đạo thành phố đối thoại với người dân (ít nhất đối với những dự án mang tính xã hội cao như cải tạo chung cư cũ) với sự tham gia của chính quyền cơ sở, chủ đầu tư để nói rõ về chủ trương, chính sách giúp người dân hiểu và chấp hành nhưng không được". "Mặc dù đã bỏ ra hàng chục tỉ đồng hỗ trợ ngoài chính sách nhưng doanh nghiệp vẫn không thể thuyết phục được các hộ dân rằng chúng tôi đã vận dụng tối đa các chính sách của Nhà nước để đảm bảo quyền lợi cho họ. Vì chúng tôi không phải là... lãnh đạo thành phố" - ông Hùng than thở.
Cục trưởng Cục Quản lý nhà (Bộ Xây dựng) Nguyễn Mạnh Hà cũng cười trừ khi được hỏi về kế hoạch cải tạo các khu chung cư cũ theo Nghị quyết 34 vì "các địa phương đang triển khai và chưa báo cáo". Ông Hà thừa nhận đây là vấn đề phức tạp. Một chuyên gia trong lĩnh vực xây dựng nhận định rằng, với cung cách làm việc như hiện nay thì kế hoạch hoàn thành việc cải tạo, xây dựng các khu chung cư cũ vào năm 2015 rất không khả thi.
Theo Thanh Niên