Doanh nghiệp cần phải liên kết

Cập nhật 29/12/2011 13:30

Không phải bây giờ, mà ngay từ đầu, các chuyên gia đã cảnh báo về tình trạng đầu tư manh mún, dàn trải và mạnh ai nấy làm của các DN BĐS. Hậu quả đến nay ai cũng rõ.

Câu chuyện liên kết, hợp tác là một giải pháp để các DN BĐS vượt qua khó khăn hiện tại lại được nhắc đến nhiều trong thời gian gần đây. Nguồn vốn và đầu ra đã “vắt kiệt” sức chịu đựng của nhiều DN địa ốc. Để vượt qua khó khăn, nhiều DN đã chọn cách liên doanh, liên kết với nhau. Giới kinh doanh địa ốc cho rằng, đây là hướng đi cần thiết trong bối cảnh hiện nay nhằm tạo nên sức mạnh, cùng nhau vượt qua khó khăn và phát triển. Đó là những giải pháp tối ưu trong thời điểm hiện tại.

Thị trường căn hộ TP liệu có tiếp tục giảm giá như dự báo?

Từ cuối năm 2010, ghi nhận của thị trường cho thấy, có khá nhiều dự án đã sang tên đổi chủ. Đó là quy luật tất yếu khi thị trường BĐS sau một thời gian dài gặp nhiều khó khăn với các chính sách tín dụng, huy động vốn ngày càng siết chặt, đã khiến nhiều chủ đầu tư dự án “thấm mệt”, tìm cách chuyển nhượng, rút lui khỏi dự án.

Thay vì đóng cửa DN, tạm dừng dự án, một xu hướng khác tại TP.HCM đang nỗ lực để tồn tại đó là liên doanh, liên kết. Cụ thể, liên doanh giữa 4 DN lớn gồm CTCP Phát triển nhà Thủ Đức (TDH), CTCP Đầu tư Phước Long, Tổng CTCP Phong Phú và CTCP BĐS Dệt may Việt Nam đã khởi công xây dựng dự án Khu nhà ở Trung tâm thương mại Phước Long trên đường Tăng Nhơn Phú (phường Phước Long B, quận 9, TP. HCM).

Đây là dự án Khu phức hợp có quy mô 3,7 hécta, bao gồm các dãy nhà phố liền kề, trung tâm thương mại và khu căn hộ. Tại buổi lễ khởi công, đại diện của liên doanh này đã cam kết, dù thị trường có khó khăn, nhưng với sự hợp tác này, dự án Khu nhà ở Trung tâm thương mại Phước Long sẽ được đầu tư xây dựng đúng như tiến độ.

Trước đó, TDH cũng đã bắt tay với CTCP BĐS Dệt may Việt Nam (Vinatex Land) để phát triển 2 dự án BĐS với tổng vốn đầu tư gần 1.700 tỷ đồng. Đó là dự án Chung cư TDH - Phúc Thịnh Đức (quận 9, TP.HCM) và Trung tâm Thương mại căn hộ Aquila Plaza (quận Thủ Đức, TP.HCM). TDH cũng phối hợp với CTCP Phát triển hạ tầng và BĐS Thái Bình Dương (PPI) đầu tư xây dựng dự án Khu đô thị Long Hội City (Long An).

Không chỉ những DN trong nước liên doanh, liên kết với nhau, gần đây, một số DN địa ốc trong nước cũng bắt tay với các NĐT nước ngoài như CTCP Địa ốc Sài Gòn Thương Tín (Sacomreal) hợp tác với Gamuda Land, Công ty Phát triển Nhà ở của Malaixia, để đầu tư xây dựng tòa nhà Celadon City với vốn đầu tư 215 triệu USD tại quận Tân Phú, TP.HCM.

Hay CTCP Kỹ thuật xây dựng và vật liệu xây dựng (COTEC Group) mới đây đã ký kết hợp tác chiến lược với TamaHome (Tập đoàn Xây dựng nhà ở và đầu tư kinh doanh BĐS hàng đầu tại Nhật Bản). Theo đó, TamaHome trở thành đối tác chiến lược của COTEC Group, khi mua lại 20% cổ phần của CTCP Đầu tư và phát triển nhà đất COTEC (COTECLAND), thành viên COTEC Group.

Nhận định về xu hướng chuyển nhượng dự án đang diễn ra, đại diện công ty TNHH Savills Việt Nam cho rằng, xu hướng sáp nhập dự án tại châu Á có xu hướng tăng đương nhiên tại Việt Nam trong bối cảnh tình hình kinh tế khó khăn như hiện nay chỉ có chủ đầu tư nào mạnh về vốn mới có thể tiếp tục phát triển. Còn những nhà đầu tư không trường vốn chỉ tham gia cuộc chơi bán chuyên nghiệp mà lại phải chịu áp lực triển khai dự án thì xu hướng sáp nhập và bán dự án là rất rõ. Tại TP.HCM xu hướng chuyển nhượng dự án khá rõ và công khai nhưng tại thị trường Hà Nội đa phần các DN tự thỏa thuận “ngầm” biểu hiện không rõ nét như TP.HCM .

Ông Lê Chí Hiếu, Chủ tịch HĐQT TDH, đơn vị thực hiện liên doanh, liên kết với khá nhiều đối tác thời gian qua cho rằng, liên kết, hợp tác là một giải pháp để các DN BĐS vượt qua khó khăn hiện tại. Một DN có đất, nhưng thiếu vốn và kinh nghiệm thì khó thực hiện tốt được dự án, nhưng khi hợp tác với nhau, thì sẽ tập hợp thành sức mạnh tổng hợp phát triển dự án tốt hơn.

DiaOcOnline.vn - Theo Báo Tin Tức