Doanh nghiệp BĐS đón Tết trong lo âu, hồi hộp

Cập nhật 05/02/2014 07:52

"Đến lúc này có thể nói doanh nghiệp kinh doanh BĐS vẫn đang đón một cái tết lo lắng bởi không biết thị trường năm 2014 sẽ ra sao”, TS Liêm cho biết.

Nhìn lại thị trường BĐS trong năm 2013, trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam TS Phạm Sỹ Liêm – nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng, thị trường BĐS chính là tấm gương, nhiệt kế của nền kinh tế, phản chiếu nền kinh tế đó phát triển nhanh hay chậm. Vì thế nhìn vào kinh tế 2013 có thể thấy thị trường BĐS đã có khởi sắc hơn tuy nhiên không được như kỳ vọng.

Doanh nghiệp BĐS đón tết lo lắng khi hàng tồn kho không tiêu thụ được (ảnh Dự án khu nhà ở quân đội tại phường Thạch Bàn, quận Long Biên)

“Nhìn vào những đánh giá của chuyên gia, người làm chính sách và người kinh doanh BĐS có thể thấy đánh giá của những người làm chính sách lạc quan hơn những người trong cuộc. Những hy vọng đặt vào gói 30.000 tỉ đồng là vỡ mộng”, TS Liêm nhận định.

Cũng nhìn lại thị trường BĐS trong năm 2013 và những ngày đầu tiên của năm 2014, TS Liêm đánh giá có một số điểm nổi bật: Nguồn tiền đầu tư của nước ngoài đã tìm đến các dự án BĐS du lịch, resort nhưng mới chỉ dừng lại ở các dự án, tiền vẫn chưa vào thị trường; Doanh nghiệp BĐS trong nước vươn ra thị trường nước ngoài như HAGL tìm đến thị trường Myanma, Campuchia, Lào…

“Trong lúc khó khăn, việc nhiều doanh nghiệp trong nước tìm đến thị trường mới là hướng tốt chứng tỏ sự trưởng thành vươn lên của nhà đầu tư BĐS trong nước. Tuy nhiên đến lúc này có thể nói doanh nghiệp kinh doanh BĐS vẫn đang đón một cái tết lo lắng bởi không biết thị trường năm 2014 sẽ ra sao”, TS Liêm cho biết.

Trong khi đó, đứng khía cạnh người kinh doanh BĐS, ông Nguyễn Văn Đực – Phó Giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành (TP.HCM) cho rằng nối tiếp năm 2013, năm 2014 các doanh nghiệp kinh doanh BĐS sẽ tiếp tục gặp khó khăn. Trong đó, khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp BĐS lúc này là nỗi lo làm thế nào bán được sản phẩm tồn kho.

Tương tự, ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư Dầu khí Toàn Cầu (GP-Invest) dự đoán: Năm 2014 kinh tế còn hết sức khó khăn, vì thế thị trường BĐS không thể “đứng dậy” ngay được.

“Tôi cho rằng, năm 2014 vẫn cứ phải “thắt lưng buộc bụng”, trường chinh chiến đấu. Theo chu kỳ, 2-3 năm ở “đáy”, 2014-1015 cũng chỉ có chút thay đổi, phải sang năm 2016 thị trường mới có thể khởi sắc được”, ông Hiệp nhận định.

Cũng phân tích về thị trường BĐS năm 2014, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho rằng năm 2014, thị trường bất động sản sẽ bắt đầu hồi phục, thị trường sẽ không còn các đợt sốt “nóng-lạnh” bất thường.

“Cơ cấu hàng hóa BĐS sẽ thiên về các căn hộ có quy mô nhỏ và trung bình, lôi kéo được sự quan tâm trở lại của người mua có nhu cầu thật. Sẽ ổn định về mặt giá cả, tăng dần về số lượng giao dịch nhà ở xã hội và nhà ở thương mại quy mô nhỏ, trung bình sẽ là yếu tố chủ đạo dẫn dắt và có tác động lan tỏa sang các phân khúc khác”, Thứ trưởng Nam nhận định.

Được biết hiện nay có khoảng 57 dự án đăng ký chuyển đổi từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội với quy mô xây dựng khoảng 34.837 căn, tổng mức đầu tư khoảng 20.567 tỷ đồng; có 62 dự án đăng ký điều chỉnh cơ cấu căn hộ với số lượng căn hộ ban đầu là 31.999 căn hộ, điều chỉnh thành 40.500 căn hộ (tăng 8.501 căn).

Cùng với đó, giá nhà ở đã giảm nhiều so với thời điểm sốt giá giai đoạn 2008-2010, hầu hết các dự án đã giảm từ 10%-30%, nhiều dự án giá giảm tới 50%, trở về giá tương đương thời điểm 2006, do đó có lợi cho người mua.

Đây chính là cơ sở để nhiều chuyên gia hy vọng về sự khởi sắc hơn của thị trường BĐS trong năm 2014. Còn trước mắt, các doanh nghiệp BĐS vừa qua đã đón một cái tết trong sự lo lắng, hồi hộp chờ đợi tín hiệu lạc quan hơn của thị trường.

DiaOcOnline.vn - Theo Giáo dục VN