Trong giai đoạn địa ốc trầm lắng cùng lãi suất cao, doanh nghiệp lên kế hoạch tồn tại, đeo bám thị trường bằng hình thức giãn tiến độ dự án đang xây, dừng công bố hàng mới, thu mua dự án rẻ, liên kết để chia sẻ rủi ro...
Trao đổi với VnExpress.net, Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) Đoàn Nguyên Đức cho biết: "Thị trường bất động sản đang khó khăn và không có chuyển biến gì đến hết năm nên công ty sẽ không tung hàng mới. Tuy nhiên, HAGL vẫn tiếp tục xây dựng căn hộ và cân nhắc mua lại các dự án giá rẻ để chuẩn bị hàng cho tương lai".
Theo ông Đức, nguyên nhân bất động sản, đặc biệt là thị phần căn hộ rơi vào cảnh trầm lắng như hiện nay vì lãi suất quá cao. Ông cho rằng, chừng nào lãi suất còn chưa hạ xuống thì căn hộ vẫn rất khó bán, dù giá rẻ đến đâu. Chính vì thế, ông kiên nhẫn chờ qua giai đoạn khó khăn này, lãi suất hạ thì sẽ bung hàng ngay.
Các dự án căn hộ khu Đông Sài Gòn, quận 2, đang thi công phần thân. Ảnh: Vũ Lê. |
Quyết đeo bám thị trường đến cùng, Tổng giám đốc Công ty Lilama SHB Lê Tấn Hòa cho hay, doanh nghiệp vẫn cố gắng không dừng các dự án căn hộ. Thay vào đó, ông áp dụng biện pháp giãn tiến độ đồng loạt tất cả dự án chung cư đang xây. Cụ thể, thay vì trước đây công trường làm mỗi ngày 2-3 ca thì nay giảm xuống chỉ còn một ca, nhân công cũng cắt giảm bớt. Nếu như trước đây thời gian hoàn thành dự án dự kiến 2 năm thì sắp tới sẽ kéo dài thành 3 năm hoặc lâu hơn nữa.
Theo ông Hòa, khó khăn hiện nay dồn vào các dự án có số lượng căn hộ lớn. Nếu tung ra bán nhưng thị trường tiêu thụ ít thì chủ đầu tư không thể xoay vốn xây dựng tiếp, vì việc huy động vốn tương ứng với quá trình thi công. Ông lấy ví dụ, một dự án quy mô 1.500 căn hộ, nếu tung ra 500 căn nhưng một tháng chỉ bán được vài chục căn thì xem như thất bại. Bởi lẽ, chủ đầu tư không thể xây dựng phần thân công trình trong hoàn cảnh vay vốn không được, huy động vốn cũng không xong. "Lãi suất hiện nay quá cao, chủ đầu tư và cả người mua nhà đều đau đầu tìm lời giải cho bài toán này", ông Hòa giải thích.
Thị trường bất động sản TP HCM nhiều khó khăn do thiếu vốn. Ảnh: Vũ Lê.
|
Lãnh đạo Công ty Lilama SHB khẳng định, dù thị trường hiện tại rất ảm đạm nhưng ông vẫn tập trung chuẩn bị nguồn hàng cho một vài năm tới. "Nếu dừng xây dựng thì khi giai đoạn khó khăn qua đi, mình sẽ không có hàng để bán vào lúc thị trường tốt trở lại", ông nói.
Trong khi các chủ đầu tư dự án căn hộ cố phòng thủ trước cơn bão thắt chặt tín dụng, hiện tượng sang nhượng dự án bất động sản (chủ yếu là căn hộ) lại được dự báo sẽ tăng nhiệt.
Tại diễn đàn M&A Việt Nam 2011, Phó giám đốc điều hành Công ty Savills Việt Nam, Nei Mac Gregor đưa ra các thương vụ mua bán sáp nhập, liên kết điển hình trên thị trường địa ốc TP HCM.
Cụ thể, Prudential rót vốn đầu tư vào dự án căn hộ cao cấp Blooming Park và đổi tên dự án thành Imperia, An Phú, quận 2. Công ty cổ phần dịch vụ và xây dựng địa ốc Đất Xanh giành quyền triển khai dự án căn hộ Phú Gia Hưng Apartment, quận Gò Vấp thông qua việc mua Công ty TNHH Hà Thuận Hùng. Các thương vụ này được đánh giá sẽ mang lại động thái tích cực cho thị trường địa ốc vì các chủ đầu tư có kênh chia sẻ rủi ro và huy động thêm vốn cho dự án. Ông Nei Mac Gregor nhận định rằng, năm 2011 số thương vụ mua bán, chuyển nhượng dự án bất động sản sẽ tăng lên.
Giám đốc Công ty thẩm định giá Hoàng Quân (thuộc hệ thống Công ty địa ốc Hoàng Quân), Trương Thái Sơn cho rằng để vượt khó thời kỳ lãi suất tăng cao, doanh nghiệp bất động sản phải linh hoạt ứng phó với nhiều tình huống.
Chẳng hạn như: chia nhỏ tiến độ để giảm áp lực về vốn, tăng khuyến mãi để hút khách, giảm giá để kích cầu (cắt lỗ), chia lãi suất với khách hàng, thậm chí là chấp nhận lỗ vẫn xây dựng công trình. "Nếu có kế hoạch trung hạn về vốn, vượt qua 6 tháng khó khăn của quý III và IV thì xem như đón đầu được cơ hội vì kinh tế vĩ mô có thể sẽ phục hồi vào cuối năm nay", ông Sơn nhận xét.
Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM, Lê Hoàng Châu phân tích, mục tiêu hàng đầu hiện nay của doanh nghiệp địa ốc là tồn tại trong khủng hoảng và vượt qua giai đoạn dầu sôi lửa bỏng này, không phải kiếm lãi. "Vì vậy, bán được hàng, cắt được phần nào các khoản lỗ hoặc duy trì nguồn cung xem như vượt khó thành công, cũng là mục đích sống còn của doanh nghiệp trong năm 2011", ông Châu nói.
DiaOcOnline.vn - Theo VnExpress