Doanh nghiệp bất động sản tìm cách lách để sống

Cập nhật 12/03/2013 09:17

Trong khi chuyện “cứu” địa ốc đang lùng nhà lùng nhùng thì các chủ đầu tư đã tự “giữ mạng” bằng nhiều cách.

Dự án khu dân cư Phú Mỹ do Công ty cổ phần Đức Khải làm chủ đầu tư.

Lấn sân ngành nghề khác

Cuối tuần qua Công ty cổ phần Đức Khải đã tổ chức sự kiện náo nhiệt ở khu Nam Sài Gòn, câu chuyện khá hiếm hoi trong tình cảnh thị trường địa ốc khó khăn như hiện nay. Buổi lễ tổ chức ngay tại dự án Khu dân cư Phú Mỹ - do Đức Khải làm chủ đầu tư, một đại công trường dở dang: 9 lốc chung cư xây dựng liên hoàn với nhau, 4 lốc đã xong phần hoàn thiện, 5 lốc đang cất nóc. Ông Phạm Ngọc Lâm, Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty cười nói: “Địa ốc khó tôi đâu có bỏ cuộc, xây ào ào thấy không”. Lạ thật, buổi lễ này là sự kiện Đức Khải trở thành nhà phân phối - bán lẻ máy lạnh Toshiba, ăn nhập gì với địa ốc?

Giải thích của ông Phạm Ngọc Lâm: Lâu nay công ty vẫn là nhà nhập khẩu và phân phối máy lạnh Toshiba nhưng thông qua Carrier từ Singapore, nay ký thẳng với nhà máy sản xuất tại Nhật Bản; không đi đường vòng sẽ lời hơn, dự kiến năm nay sẽ đạt doanh thu 1.000 tỷ đồng từ “phi vụ” này, nhờ đó sẽ nuôi sống công ty… Cách làm mới này đem đến cái lợi: khi mua nhà của Đức Khải, nếu mua máy lạnh Toshiba được giảm giá so với giá thị trường! Đây cũng chính là nỗ lực làm giảm giá thành căn hộ mà công ty áp dụng trước đó: khi chung cư xây xong phần thô, khách hàng tự lựa chọn vật liệu để chủ đầu tư thi công, tránh phải đập bỏ hay sửa chữa nội thất sau này vì không ưng ý.

Năm 2012 lợi nhuận của Công ty cổ phần Phát triển nhà Thủ Đức giảm 50%, chỉ đạt 15 tỷ đồng. Lý do, địa ốc không bán được hoặc bán rồi nhưng bị một số khách hàng trả lại; lãi từ đầu tư tài chính cũng giảm theo vì chứng khoán liên tục đi xuống. Để vực dậy doanh nghiệp, một lãnh đạo công ty chia sẻ, phải tập trung vào những dự án còn dở dang từ năm 2011, đồng thời tìm cách tiêu thụ sản phẩm tồn kho. Đặc biệt, công ty sẽ mở rộng làm nghề khác, kinh doanh nông sản dựa trên chợ đầu mối Thủ Đức hoạt động lâu nay, xuất nhập khẩu nông sản, liên kết những vùng nông nghiệp, mua bán nông sản và hỗ trợ nông dân; công ty có thể kinh doanh thêm mặt hàng phân bón để tạo doanh thu… Riêng “nghề nông” dự kiến mang lại khoảng 10 tỷ đồng, góp phần đem lại lợi nhuận đáng kể cho doanh nghiệp trong bối cảnh địa ốc chưa mấy sáng sủa.

Mấy năm qua thông tin về mảng địa ốc của Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai chìm hẳn nếu so với cao su, mía đường, đặc biệt cao su bắt đầu đem lại doanh thu sau nhiều năm hút hàng ngàn tỷ đồng. Báo cáo tài chính cho thấy, quý 4-2012 Hoàng Anh Gia Lai đã bán được 46 tỷ đồng từ cao su. Năm nay, khi hàng ngàn hécta cao su tại Lào cạo mủ đồng loạt sẽ mang lại nguồn thu đủ để quên đi địa ốc. Mía đường cũng vậy, từ khi khánh thành nhà máy mía đường- nhiệt điện (đốt từ bã mía) tại tỉnh Atapeu- Lào, hơn nửa tháng qua ngày nào đường cũng ra lò, điện cũng phát. 6.000ha đang trồng mía sẽ là một nguồn thu đáng kể!

Một đại gia địa ốc khác - VIC cũng cho thấy một nghề “trái tay” lợi hại: Kinh doanh y tế với việc Công ty cổ phần Bệnh viện Đa khoa quốc tế Vimec khai trương tháng 1-2012, các hoạt động khám chữa bệnh, bán các sản phẩm y tế, máy móc y tế… đem lại tổng doanh thu trên 154 tỷ đồng!

Sống bằng nghề khác, đó là cách lý giải vì sao doanh nghiệp địa ốc tồn tại được trong cơn bão kéo dài nhiều năm qua.

Rối đống “tiêu sản”

Không có nguồn thu khác để tạm quên nỗi buồn mang tên địa ốc, nhiều chủ đầu tư rối ren với khối tài sản đã biến thành “tiêu sản”.

Chủ một dự án địa ốc ở Nhà Bè đã xây xong phần thô nhưng bỏ trống nhiều năm nay, đang loay hoay không biết tính cách nào với “khối bê tông đen sì”. Trên tổng số 700 căn hộ, chủ đầu tư đã bán được 100 căn. Nếu giao ngần ấy căn hộ cho khách hàng thì phải vay 1.000 tỷ đồng để hoàn thiện vì căn hộ đã bán nằm rải rác các tầng, các lốc khác nhau. Bàn tới bàn lui thấy bất khả thi, chủ đầu tư quyết định ôm luôn, trở thành một chủ duy nhất khi trả lại toàn bộ tiền cho khách hàng đã mua. Ước muốn của ông chủ này là làm sao tìm được đối tác để chia bớt phần đầu tư trên đất, rồi “muốn làm gì thì làm”. Mới đây, trong khi đang thương thảo với đối tác chủ đầu tư Khu du lịch Hồ Tràm thì một cổ đông phía Mỹ rút vốn, dự án lại đi vào ngõ cụt. Một dự án khác tại quận 2, có vị trí đắc địa từng gây sốc thị trường do tụt giá xuống 7 triệu đồng/m², còn khoảng 15 triệu đồng/m². Tuy nhiên, cơn “địa chấn” đó không giải quyết được hàng tồn kho, hiện nay theo một lãnh đạo Hiệp hội Bất động sản TPHCM, nếu có khách hàng mua số lượng lớn, chủ đầu tư sẵn sàng giảm giá bán, còn 12 triệu đồng/m².

Việc chẻ nhỏ căn hộ cho thuê tưởng chừng sẽ là giải pháp xử lý hàng tồn kho nhưng thực tế không dễ. Dự án Thái An, quận 12, do Công ty Địa ốc Đất Lành làm chủ đầu tư còn tồn kho 60 căn hộ. Mới đây, chủ đầu tư quyết định làm thí điểm chẻ nhỏ một số căn hộ để cho thuê, mỗi căn hộ khoảng 22m², khách hàng đóng tiền trước, sau đó không thuê nữa sẽ được trả lại toàn bộ số tiền này. Hồi mới bung thông tin thăm dò phản hồi khá lạc quan, còn nay, ông Nguyễn Văn Đực, Phó giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành, nói: “Lúc đầu có 5-6 khách hàng tới hỏi, giờ tắt luôn, không hy vọng gì”.

DiaOcOnline.vn - Theo SGGP