Gấp rút tìm giải pháp thay thế, chủ động tiếp cận gói hỗ trợ, thay đổi chiến lược kinh doanh... là những điều mà doanh nghiệp bất động sản cần làm để tồn tại trong đại dịch COVID-19.
Theo nhìn nhận của các nhà tư vấn chiến lược và tổ chức kinh tế thế giới, dịch bệnh có thể còn kéo dài và ảnh hưởng không nhỏ đến các nước và doanh nghiệp kinh doanh trên toàn cầu.
Doanh nghiệp bất động sản nên tập trung cơ cấu lại sản phẩm để tồn tại qua đại dịch COVID-19
Ngày nào các nhà khoa học chưa tìm ra vắc xin phòng chống dịch thì chắc chắn tình trạng phong tỏa, hạn chế tiếp xúc và các hoạt động giao thương kinh doanh vẫn phải hạn chế và điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến các doanh nghiệp, đặc biệt là ngành bất động sản.
Doanh nghiệp thay đổi chiến lược kinh doanh
Anh P. một chủ đầu tư bất động sản cho thuê tại Đà Nẵng cho hay: Thị trường bất động sản nơi này thời gian qua rất sôi động, sốt đất diễn ra nhiều nơi, nhiều dự án mới được triển khai chào bán thông qua các công ty dịch vụ, môi giới. Đây cũng là thời điểm vàng son của bất động sản khi mỗi ngày đều có vài công ty địa ốc ra đời, không biết vốn các công ty đó như thế nào nhưng qua đợt dịch vừa rồi, số lượng đóng cửa và trả mặt bằng rất lớn.
"Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến doanh thu của công ty, mặc dù tôi đã chủ động giảm giá và nhiều trường hợp còn giảm tiến độ đóng tiền để hỗ trợ nhưng không ăn thua" - Anh P cho biết.
Được biết, đa phần các doanh nghiệp bất động sản khu vực miền trung đều là những công ty chuyên về môi giới, dịch vụ địa ốc với kinh nghiệm chưa nhiều, nguồn vốn ít ỏi, nguồn thu chủ yếu đến từ hoa hồng môi giới các dự án của chủ đầu tư nên mỗi khi sự cố xảy ra thì gần như nguồn thu của các công ty này đều sụt giảm nghiêm trọng.
Bên cạnh đó, chi phí cố định lại quá lớn như mặt bằng, nhân sự, marketing, phí hoạt động và phí lãi vay mua sắm thiết bị kinh doanh… làm cho các công ty này đứng hình và thậm chí là phá sản vì không kham nổi các chi phí trong thời điểm không có nguồn thu.
Chia sẻ giải pháp tồn tại, Công ty tư vấn JLL đề xuất kế hoạch cho các doanh nghiệp bất động sản ứng phó theo phương án chia nhỏ từng giai đoạn: Từ 1 - 2 tuần các doanh nghiệp cần thành lập một nhóm phản ứng khẩn cấp và tìm ra giải pháp duy trì hoạt động kinh doanh, liên tục phân tích dữ liệu nghiên cứu các rủi ro ảnh hưởng đến doanh nghiệp.
Ở giai đoạn từ 3 - 4 tuần sau đó, doanh nghiệp cần theo dõi và đánh giá tình hình liên tục, tăng cường công nghệ hỗ trợ làm việc từ xa, tập trung quản lý vận hành ở các vị trí quan trọng. Các giai đoạn trung hạn kéo dài từ 1-3 tháng, doanh nghiệp cần thận trọng hơn khi đưa ra những quyết định, giảm tương tác với khách hàng, tập trung vào phương thức làm việc từ xa và chú ý đến những thay đổi trong văn hóa doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Hoàng - Giám đốc bộ phận nghiên cứu và phát triển Công ty DKRA ví von, doanh nghiệp như một người đi đường đang tạm nghỉ, tranh thủ “xốc” lại hành lý, tư trang. Các chủ đầu tư phải điều chỉnh kế hoạch theo từng giai đoạn ngắn hạn. Một số doanh nghiệp đã điều chỉnh mục tiêu doanh số, hạ mức tăng trưởng, cắt giảm ngân sách chi tiêu, ứng dụng công nghệ vào nhiều hoạt động.
Chủ động tiếp cận các khoản hỗ trợ
Theo số liệu của Phòng đăng ký kinh doanh Đà Nẵng, tỉ lệ doanh nghiệp bất động sản trên địa bàn đa phần đều thuộc doanh nghiệp nhỏ và vừa, vốn điều lệ không lớn và hoạt động chủ yếu dựa vào phân phối lại, môi giới các dự án. Chính những điều này đã phần nào hạn chế rất nhiều năng lực quản lý doanh nghiệp.
Thực tế thời gian qua về phía nhà nước đã có những chính sách hỗ trợ rất nhiều cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong việc tổ chức đào tạo các khóa học về quản lý doanh nghiệp, chứng chỉ hành nghề, năng lực kinh doanh… tuy nhiên quan trọng nhất vẫn là các doanh nghiệp này phải tự mình cơ cấu để phù hợp với từng thời kỳ phát triển.
Đại diện một doanh nghiệp bất động sản trên địa bàn Đà Nẵng chia sẻ: Thị trường đã có dấu hiệu đứng từ nửa cuối năm 2019 và mọi nỗ lực của doanh nghiệp đã dồn vào năm 2020 với những kế hoạch nhân sự, chi phí marketing và dự án. Tuy nhiên ngay thời điểm sau tết dịch COVID-19 đã làm cho mọi kế hoạch thay đổi hoàn toàn, doanh nghiệp gần như trở tay không kịp và tất cả những khoản lợi nhuận trước kia gần như cạn dần.
"Trong thời điểm này, chúng tôi đã chủ động cắt giảm mọi khoản chi phí cố định đến mức tối đa, từ nhân sự, chi phí mặt bằng, chia sẻ khó khăn với ngân hàng để giãn nợ, mục tiêu là cần sự tồn tại cho đến khi hết dịch. Tuy hoạt động kinh doanh bị đình trệ, nhưng chúng tôi vẫn tập trung vào kinh doanh để tìm được đồng nào hay đồng đó".
Ở góc độ chủ đầu tư, đại diện một doanh nghiệp có dự án trên địa bàn Quảng Nam cho hay: Trong thời điểm này, không chỉ các đơn vị môi giới mà cả chủ đầu tư dự án cũng thực sự rất khó khăn để duy trì, tuy nhiên vì đã trù bị những khó khăn trong lúc dịch bệnh này, nên ngay từ đầu năm doanh nghiệp đã chủ động làm việc với các tổ chức tài chính về việc cơ cấu lại các khoản vay, bên cạnh đó doanh nghiệp cũng chủ động làm việc với các khách hàng đã mua sản phẩm công ty để thương lượng dời thời gian bàn giao đất và sổ.
Song song đó doanh nghiệp cũng nỗ lực để hoàn thiện các hạng mục còn dang dở và tập trung vào cơ cấu lại danh mục đầu tư, sản phẩm của mình. Chia sẻ khó khăn cùng các đơn vị môi giới nên chủ đầu tư cũng chỉ đưa ra thị trường rất ít sản phẩm tốt và giá thành ở mức ưu đãi nhất để có thể duy trì được.
Chia sẻ về nguồn vốn để duy trì doanh nghiệp, anh Đạt - Giám đốc một ngân hàng ở Đà Nẵng chia sẻ: Các doanh nghiệp bất động sản trong thời điểm này nên chủ động làm việc với ngân hàng nếu có vay vốn để giảm các khoản nợ, lãi vay đến hạn. Bên cạnh đó chi phí lương và duy trì doanh nghiệp nên tham khảo các gói hỗ trợ của Chính phủ trong thời gian qua như: Cho vay không lãi suất trả lương, các món vay kinh doanh.
Đặc biệt, doanh nghiệp nên lưu ý các nguồn cân đối trong danh mục của mình, thời điểm này không nên mạo hiểm trong các khoản vay bất động sản sẽ tạo ra nhiều rủi ro cho doanh nghiệp và khách hàng.
DiaOcOnline.vn – Theo DĐDN