Doanh nghiệp bất động sản: Thi gan để chờ cứu?

Cập nhật 12/11/2012 08:18

Lý giải cho hiện tượng TTCK không phục hồi bền vững dù có sóng lớn đầu năm, một NĐT tại Hà Nội cho rằng: TTCK sẽ chỉ đi lên bền vững khi những dấu hiệu ấm lên bắt đầu xuất hiện ở thị trường… bất động sản!

“… Chỉ còn cách hạ giá”


Khi bước chân vào đại học, người viết đã thấy những căn nhà 2 tầng xây dựng gần xong đứng bên nhau trong chiều buồn Cổ Nhuế (Từ Liêm, Hà Nội): trần nhà đã đổ, ngói đỏ cũng đã được lợp lên trên, chỉ có tường là còn… màu đỏ và loang lổ vôi vữa vì chưa trát. Vài hôm trước đi ngang qua khu này, vào thời điểm người viết đã là sinh viên năm cuối, vẫn thấy những căn nhà đó… trơ gan cùng tuế nguyệt. Duy chỉ có màu đỏ của tường là không còn tươi mới vì bụi mờ thời gian. Cách đó không xa là dãy nhà trọ lụp xụp của sinh viên và những người lao động ngoại tỉnh… Sự khác biệt này, bất chấp những bài báo giật tít về những nghề nhỏ lẻ kiếm hàng chục triệu ở thủ đô, đã diễn ra hàng chục năm nay.

Còn nhớ nhiều năm trước đây, mua một căn hộ chung cư hay một mảnh đất ở Hà Nội là mơ ước với bất kỳ ai. Ước mong chính đáng có được một nơi “an cư” ở thủ đô của người lao động bình thường trở nên viển vông khi những dự án bất động sản chỉ hướng đến tiêu chí “cao cấp”, dành cho những triệu phú với mỗi m2 tính bằng đơn vị nghìn đô. Chưa kể, lực lượng “đầu cơ” có sẵn tiền trong tay sẵn sàng lao vào thổi giá thị trường đất thổ cư, kiếm lời khủng từ việc mua đi bán lại kiểu “đa cấp”… Bất động sản một thời là ngành siêu lợi nhuận, doanh nghiệp chạy theo lợi nhuận nên họ để tâm gì đến ước mong chính đáng của người dân đen bình thường.

Đến khi bất động sản xì hơi, thì cả nền kinh tế phải trả giá. Không chỉ doanh nghiệp xây dựng, sản xuất xi măng, sắt thép… là khó khăn; mà hệ thống ngân hàng giờ cũng đang khốn đốn với đống nợ xấu vì tài sản thế chấp đa phần là nhà đất ngày càng trượt giá. Và, không thể không kể đến người anh em của bất động sản - chứng khoán cũng đang trong tình trạng đỏ như tường gạch vài năm nay.

Có lẽ vì đặc điểm ấy của bất động sản làm cho các doanh nghiệp trong ngành này có vẻ không vội vã tìm con đường thoát thân. Nợ xấu ngân hàng muốn giải quyết, sắt thép muốn bán được, và chứng khoán muốn tăng trưởng bền vững… thì giải pháp không thể thiếu là phá băng bất động sản. Các doanh nghiệp ngành này vừa muốn giải quyết hàng tồn kho, nhưng vừa không muốn hạ lợi nhuận thêm nữa, nên họ dây dưa trước giải pháp hạ giá sản phẩm mà “bàn tay vô hình” của thị trường chỉ ra.

Vì vậy, câu chuyện cứu bất động sản được lật đi lật lại đã mấy năm nay. Báo chí thì tốn giấy mực, chuyên gia thì tốn nước bọt, doanh nghiệp thì tốn mồ hôi kêu than, còn dư luận thì mất thời gian theo dõi… nhưng cuối cùng chính người trong ngành này cũng phải phải thừa nhận chỉ còn giải pháp mà họ không muốn chấp nhận nhất: “Muốn cứu chỉ còn cách hạ giá” (Ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai).
 

Trơ gan cùng tuế nguyệt (ảnh minh họa, nguồn: Internet)

Nhưng vẫn thi gan chờ giải cứu!

Vào thời điểm này, nhiều doanh nghiệp bất động sản có lẽ chỉ còn hoạt động cầm chừng, hoặc sống đời thực vật. Sau vài năm vật lộn để tồn tại trong cơn sóng gió thì hẳn sức đã tàn lực đã kiệt. Muốn vượt qua khó khăn, họ buộc phải chấp nhận hạ giá. Một vài vị có tiếng tăm cũng đã lên mặt báo khẳng định sẽ giảm giá sâu hơn, làm dư luận mong ngóng hàng tháng trời. Nhưng rồi tất cả mới chỉ dừng lại ở cấp độ… “chém gió”. May sao, đã có một cái tên đầu tiên xuất hiện…

Chủ đầu tư khu đô thị Xa La - Xí nghiệp xây dựng Tư nhân số 1 Lai Châu gần đây tung ra chào bán các căn hộ ở chung cư Đại Thanh (Thanh Oai, Thanh Trì, Hà Nội) với giá thấp nhất trên thị trường hiện nay: 10 triệu đồng/m2 gây xôn xao dư luận. Hẳn nhiên, luồng ý kiến ủng hộ thì nhiều vì với mức giá này, cùng với diện tích các căn hộ nhỏ từ 36 m2 trở lên thì đã biến nhiều ước mơ thành hiện thực. Cụ thể, sau 3 ngày chào bán, gần 1,000 căn hộ đã được đặt mua. Tuy nhiên, giữa niềm vui của người dân lao động bình thường, vẫn đâu đó có chút ngậm ngùi vì cánh chim đầu đàn này bị nhiều ông chủ doanh nghiệp khác trong cùng ngành “đánh hội đồng” bằng những câu hỏi nghi vấn về chất lượng công trình, và thậm chí họ tố chủ đầu tư này… phá giá và ăn bớt!

Theo người viết, khả năng đầu tiên là các doanh nghiệp này thỏa thuận ngầm với nhau để giữ cho giá không giảm sâu hơn nữa; họ ỷ lại và chọn cách gây áp lực lên Nhà nước để mong Nhà nước “cứu” chứ nhất quyết không chịu hy sinh lợi nhuận; và doanh nghiệp nào đi ngược lại lợi ích nhóm ấy, họ lập tức “đánh hội đồng”. Hai là, nếu chủ khu chung cư Đại Thanh có bán phá giá thật, thì âu cũng là một cách chấp nhận thua lỗ để giải phóng hàng hóa, kích cầu trong thời buổi khó khăn hiện nay. Cũng có thể coi là hành động dũng cảm chấp nhận trả giá vì sai lầm trong những năm về trước khi cả ngành không tập trung tiết giảm chi phí, áp dụng công nghệ xây dựng tiên tiến… để giảm giá vốn mà chỉ chạy theo xây dựng sản phẩm cao cấp với mức giá nghìn đô. Thay vì ỷ lại và kêu gào Nhà nước hỗ trợ, chính bản thân họ tự tìm lối thoát cho mình, và đáp ứng nhu cầu của người dân, điều này nên được khuyến khích chứ sao lại bị lên án?

Cho dù động cơ đằng sau của những ông chủ doanh nghiệp này là gì, thì chắc chắn họ không dành được sự ủng hộ của dư luận. Với mức giá bình quân như hiện nay trên thị trường, người mua vẫn cần phải có hơn 1 tỷ đồng mới có được một căn hộ bình thường. Con số này rõ ràng là còn xa tầm tay với của đại bộ phận dân chúng ở một đất nước GDP mới có 1,300 đôla/năm. Cung không chịu hạ mình để gặp cầu, hiển nhiên thị trường bất động sản thời gian tới còn chứng kiến cảnh ảm đạm khi đa phần các doanh nghiệp còn “thi gan” với người dân và Nhà nước.
 

DiaOcOnline.vn - Theo Vietstock