Doanh nghiệp bất động sản khởi động nhiều dự án mới

Cập nhật 03/07/2015 14:09

Đón đầu cơ hội dòng vốn nước ngoài được kỳ vọng chảy mạnh vào Việt Nam sau khi TPP được ký kết, đồng thời sức mua trên thị trường đã cải thiện đáng kể, nhiều doanh nghiệp bất động sản đã “ra quân” các dự án khá rầm rộ.


Ngày 1/7, Tổng công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc - CTCP (KBC) và Công ty TNHH MTV Phát triển đô thị Tràng Cát, doanh nghiệp KBC sở hữu 100% đã khởi công xây dựng Dự án Khu công nghiệp, đô thị và dịch vụ Tràng Cát tại Hải Phòng.

Khu phức hợp có quy mô 790,79 héc-ta, được chia thành nhiều phân khu. Trong đó, Khu công nghiệp kỹ thuật cao có quy mô 205,88 héc-ta được xây dựng đồng bộ về hệ thống hạ tầng kỹ thuật nhằm thu hút các dự án đầu tư có dây chuyền công nghệ sản xuất hiện đại, công nghệ cao để phát triển các ngành điện tử, công nghệ thông tin, dược phẩm, lắp ráp linh kiện.

Khu đô thị với quy mô 435,73 héc-ta được xác định là khu đô thị ven biển, xây dựng đồng bộ về hệ thống hạ tầng kỹ thuật và chất lượng, bao gồm các loại hình nhà ở, trung tâm dịch vụ, khu vui chơi giải trí, khu nghỉ dưỡng kết hợp với cây xanh mặt nước.

Khu dịch vụ tổng hợp và nhà ở xã hội có quy mô 116,56 héc-ta được đầu tư phát triển các khu trưng bày, giới thiệu và kinh doanh sản phẩm công nghiệp và các loại hình dịch vụ phục vụ cho cộng đồng dân cư đô thị, khu nhà ở cho người có thu nhập thấp, các đối tượng chính sách của Thành phố. Khu cây xanh cách ly kết hợp giao thông tĩnh có quy mô 32,62 héc-ta.

Ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch KBC kỳ vọng rằng, với dự án đầu tư lớn của tổ hợp LG tại Hải Phòng, dự án sẽ thu hút được nhiều khách hàng, trong đó có người Hà Nội xuống mua nhà để cho thuê hoặc mua nhà nghỉ cuối tuần.

“Dự án nằm sau sân bay Cát Bi và tiếp giáp với điểm cuối cùng của đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng với vận tốc thiết kế 120 km/h. Khi tuyến đường cao tốc được thông toàn tuyến, từ Hà Nội chạy xuống dự án chưa đầy 1 tiếng đồng hồ”, ông Tâm nói đó là điều kiện thuận lợi cho dự án phát triển. Tại Bắc Ninh, nếu điều kiện thuận lợi, KBC cũng sẽ tái khởi động trở lại Dự án Khu đô thị Phúc Ninh.

Sau thành công giai đoạn 1 của Dự án Thăng Long Number One, Tổng công ty Viglacera sẽ đẩy nhanh tiến độ triển khai giai đoạn 2 dự án này tại Mễ Trì (Hà Nội), đồng thời khởi công Dự án Nhà ở Hoàng Hoa Thám giai đoạn 3 tại Ba Đình (Hà Nội), Khu công nghiệp Phong Điền (Huế), Khu nhà ở công nhân tại Khu công nghiệp Yên Phong (Bắc Ninh).

Tổng giám đốc Công ty Đầu tư phát triển hạ tầng Viglacera Trần Anh Tuấn cho biết, trong định hướng của tổng công ty này, bất động sản vẫn là mảng được quan tâm đầu tư đặc biệt.

Trên thực tế, đây chính là lĩnh vực đến sau nhưng đem lại lợi nhuận lớn nhất cho Viglacera. Không chỉ tập trung cho các dự án nhà ở thương mại, Tổng công ty còn đang theo đuổi kế hoạch mở rộng khu đô thị Đặng Xá với đề xuất tăng diện tích của khu đô thị tới tận sát cầu Thanh Trì.

Với Tổng công ty Vinaconex, sau gần 3 năm trầm lắng với hoạt động đầu tư bất động sản khi Khu đô thị Trung Hòa Nhân Chính, NƠ5, Splendora hoàn tất và bàn giao nhà cho khách hàng, Tổng công ty đã tái khởi động trở lại một loạt dự án mới như 97 – 99 Láng Hạ, Vinata Tower, 18,5 héc-ta Bắc An Khánh….

Trong năm 2015, Vinaconex sẽ cố gắng hoàn tất thủ tục đầu tư cho các dự án bất động sản này để có thể khởi công sớm nhất, có thể vào cuối năm nay.

Bên cạnh bất động sản, sự hồi phục trở lại của đầu tư công cũng giúp các đơn vị xây dựng quy mô lớn như Vinaconex dễ thở hơn. Mới đây, Ban quản lý khu công nghệ cao Hòa Lạc và Liên danh nhà thầu Taisei – Vinaconex – Trường Sơn đã ký kết hợp đồng thực hiện gói thầu CP – 1A.

Đây  là gói thầu chính, có quy mô lớn nhất của Dự án phát triển cơ sở hạ tầng Khu công nghệ cao Hòa Lạc có tổng vốn đầu tư khoảng 450 triệu USD. Gói thầu có tổng vốn đầu tư lên tới xấp xỉ 4.000 tỷ đồng và trên 1,2 tỷ yên. Trong đó, giá trị thực hiện của Vinaconex là khoảng trên 1.500 tỷ đồng.

Làn sóng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam sau khi các hiệp định thương mại tự do được ký kết được dự đoán có tác động khá tích cực tới thị trường bất động sản. Đơn cử, tại Dự án Vinata Tower của Vinaconex, đã có nhà đầu tư Nhật Bản đặt vấn đề hợp tác và mua bao một lượng lớn sản phẩm tại đây.

Nhiều dự án căn hộ thương mại cấp trung cao cấp tại Hà Nội cũng được quan tâm và tìm mua bởi các nhà đầu tư có mục đích cho người nước ngoài, hoặc các gia đình chồng Tây vợ Việt thuê dài hạn.              

DiaOcOnline.vn - Theo Đầu tư Chứng khoán