Doanh nghiệp bất động sản đi về hai hướng

Cập nhật 21/11/2018 09:57

Trong bối cảnh yên ắng chung của thị trường bất động sản, kết quả hoạt động của các doanh nghiệp bất động sản lại có sự phân hóa rõ nét trong quý III, cũng như 9 tháng đầu năm.


Thị trường yên ắng

Theo báo cáo của Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HOREA), thị trường bất động sản cả nước có dấu hiệu sụt giảm cả về nguồn cung và số lượng giao dịch. Riêng thị trường TP.HCM đi xuống rõ nét ở nhiều khía cạnh. Cụ thể, 9 tháng năm 2018, số lượng dự án giảm 11,1%; tổng số căn nhà đưa ra thị trường giảm 39,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HOREA cho biết, có nhiều lý do khiến nguồn cung giảm, bao gồm điểm nghẽn về chấp thuận chủ trương đầu tư, giải phóng mặt bằng, tiền sử dụng đất, thủ tục hành chính kéo dài, chưa có quy định về việc dùng quỹ đất để thanh toán hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT)…

Trong đó, việc cơ quan nhà nước chưa chấp thuận chủ trương đầu tư đối với các trường hợp doanh nghiệp đã nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện dự án bất động sản là điểm nghẽn đầu tiên. 10 tháng đầu năm 2018, mới có 15/23 hồ sơ chuyển nhượng dự án được chấp thuận.

Chưa kể, tiến độ hoàn thành dự án của nhiều chủ đầu tư không theo kế hoạch khiến mức độ ra hàng mới “yên ắng” hơn hẳn so với mọi năm. Chẳng hạn, 2 dự án tại khu vực quận 8 của công ty Nam Sài Gòn (công ty con của LDG Group) vướng nhiều thủ tục về xây dựng khiến cho việc mở bán dự án bị chậm trễ. 

Kết quả phân hóa

Trong bối cảnh yên ắng chung toàn thị trường, kết quả hoạt động của các doanh nghiệp bất động sản có sự phân hóa rõ nét.

CTCP Tập đoàn Đất Xanh (DXG) ghi nhận kết quả khả quan từ các dự án đã và đang tiến hành bàn giao. 9 tháng 2018, DXG có doanh thu thuần 3.230 nghìn tỷ đồng, tăng 93% và lợi nhuận ròng 750 tỷ đồng, tăng 63% so với cùng kỳ năm ngoái.

Diễn biến tích cực này chủ yếu đến từ việc bàn giao nhiều hơn các căn hộ đã được bán trước và sự tăng trưởng mạnh mẽ của mảng môi giới bất động sản.

Mới đây, DXG đã sở hữu thêm 3,2 ha đất sạch cho sản phẩm căn hộ tại khu vực TP.HCM thông qua việc mua lại thành công 2 dự án là Sunview Garden (1,7 ha) và Opal Boularward (1,5 ha), nâng tổng quỹ đất sạch DXG đang sở hữu lên hơn 974 ha.

Tăng trưởng mạnh trong 9 tháng đầu năm, NLG đạt doanh thu 2.740 tỷ đồng, tăng 67,4% và lợi nhuận sau thuế 635 tỷ đồng, tăng 80,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Một trong những nguyên nhân dẫn tới mức tăng ấn tượng là việc chuyển nhượng cổ phần thuộc Dự án Waterpoint có diện tích 130 ha.

Trong khi đó, 9 tháng năm 2018, CTCP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va - Novaland (NVL) ghi nhận doanh thu 6.733 tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ năm ngoái, lợi nhuận sau thuế hơn 1.400 tỷ đồng. Năm nay, Novaland đã giới thiệu ra thị trường Dự án Grand Manhattan (quận 1) và mới đây là dự án Novahilss Mũi Né.

Tính đến ngày 30/9/2018, NVL có 11.352 tỷ đồng tiền người mua trả tiền trước ngắn hạn, tăng 28% so với thời điểm đầu năm. Đây là khoản khách hàng trả trước theo các hợp đồng mua bán nhà từ các dự án.

Ở chiều ngược lại, theo thống kê sơ bộ các doanh nghiệp bất động sản, có khoảng 10 doanh nghiệp đang chứng kiến lợi nhuận quý III sụt giảm mạnh (trên 50%) so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong đó, đáng chú ý nhất là CTCP Đệ Tam (DTA) với lợi nhuận sau thuế âm 722 triệu đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lãi 882 triệu đồng. Theo DTA, Công ty đang triển khai xây dựng chung cư thuộc dự án Khu đô thị DTA Nhơn Trạch, việc kinh doanh tại thời điểm này chưa như dự kiến nên doanh thu và lợi nhuận giảm so với cùng kỳ.

Đứng vị trí thứ hai về sụt giảm lợi nhuận là CTCP Quốc Cường Gia Lai (QCG) khi chỉ lãi vỏn vẹn 1 tỷ đồng trước thuế trong quý III/2018, giảm 99% so với cùng kỳ năm ngoái; trong khi  doanh thu đạt 82,5 tỷ đồng, chỉ giảm 30%.

Theo giải trình, kết quả kinh doanh sụt giảm trong quý III do Công ty chưa bàn giao căn hộ cho khách hàng và trong kỳ không phát sinh thu nhập từ chuyển nhượng đầu tư tài chính.

Lũy kế 9 tháng đầu năm 2018, doanh thu của QCG đạt 519,1 tỷ đồng, giảm 24,3%; lợi nhuận trước thuế 57,6 tỷ đồng, bằng 11,8% cùng kỳ năm ngoái.

Ở vị trí thứ ba với mức sụt giảm lợi nhuận đến 94%, CTCP Đầu tư và Phát triển nhà đất COTEC (CLG) báo lãi chưa đến 80 triệu đồng. Doanh thu thuần trên 72 tỷ đồng, giảm mạnh 59%, doanh thu tài chính cũng giảm mạnh, chỉ bằng 3% cùng kỳ do giảm lãi bán các khoản đầu tư.

Đáng chú ý, Công ty không ghi nhận phát sinh chi phí bán hàng trong kỳ. Chưa kể, 9 tháng đầu năm, CLG không ghi nhận doanh thu kinh doanh bất động sản, trong khi cùng kỳ năm ngoái, mảng này đóng góp hơn 8 tỷ đồng.

Một số doanh nghiệp bất động sản khác có mức độ sụt giảm trên 60% như HDC, TDH, SGR, LEC, DRH, D11, NTL, SJS, AMD…, mà nguyên nhân chính là đã tiêu thụ hết các sản phẩm, các dự án còn lại đang trong quá trình triển khai, chưa đủ điều kiện ghi nhận doanh thu. 

DiaOcOnline.vn - Theo ĐTBĐS