Đó là khẳng định của Hiệp hội Bất động sản (BĐS) TPHCM trong văn bản gửi Thủ tướng cuối tuần qua nhằm kiến nghị thực hiện một số giải pháp cấp bách để hỗ trợ các doanh nghiệp (DN), nhà đầu tư và người tiêu dùng trong tình hình cực kỳ khó khăn của thị trường BĐS hiện nay.
“3 dở dang”
Theo phân tích của hiệp hội, hiện nay các DN BĐS hầu hết bị thua lỗ, có những DN đứng trước nguy cơ phá sản vì không trả được lãi vay, nợ vay; không thể cơ cấu lại nợ đến hạn, quá hạn; hàng tồn kho rất lớn không bán được. Bức tranh BĐS khái quát như sau: “3 dở dang”, đó là đền bù dở dang, công trình dở dang và dự án dở dang; “3 giảm”: giá sụt giảm, sức mua giảm và giao dịch giảm.
Cụ thể, khó khăn chủ yếu của các DN đầu tư phát triển BĐS hiện nay là thiếu vốn đầu tư và phải trả lãi vay rất cao (hiện nay vẫn phải trả lãi vay khoảng 18%/năm), không tiếp cận được nguồn vốn tín dụng lãi suất giảm. Công tác bồi thường giải phóng mặt bằng khó khăn, kéo dài mặc dù DN phải thỏa thuận mua theo giá thị trường. Có dự án đã giải phóng mặt bằng trên 80% nhưng vẫn không hoàn tất được diện tích còn lại, DN lâm vào nguy cơ tiến thoái lưỡng nan. Bên cạnh đó, tiền sử dụng đất phải nộp theo Nghị định 69/2009/NĐ-CP đang là một ẩn số và là gánh nặng cho DN, vì gần như phải mua lại 2 lần theo giá thị trường để có quỹ đất đầu tư. Đây cũng là một nguyên nhân làm cho mặt bằng giá BĐS ở nước ta cao hơn các nước trong khu vực. Thị trường BĐS sụt giảm mạnh nhất là sức mua và khả năng thanh toán của khách hàng. Hàng hóa BĐS tồn kho rất lớn không bán được hoặc không cho thuê được dẫn đến nguy cơ mất thanh khoản của DN, gây tác động xấu đến hệ thống ngân hàng.
Tiếp đó, ách tắc khác là thủ tục hành chính nhiêu khê, kéo dài (trung bình phải mất 3 năm để hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư trong khi ở các nước chỉ mất vài tháng). Hệ thống quy phạm pháp luật về đầu tư xây dựng, đất đai và đầu tư kinh doanh BĐS không đồng bộ, mâu thuẫn, chồng chéo nhau. Tính minh bạch, công bằng trong việc tiếp cận với thông tin quy hoạch, dự án, quỹ đất chưa tốt. Việc mất quá nhiều thời gian để giải phóng mặt bằng, trình dự án đầu tư và các quy hoạch chi tiết, cấp phép xây dựng đã làm nản lòng nhà đầu tư, mất cơ hội kinh doanh, phát sinh tăng thêm chi phí quản lý và lãi vay.
Giãn thuế, xử lý nợ xấu
Nhằm tháo gỡ tình trạng khó khăn hiện nay, Hiệp hội BĐS TPHCM kiến nghị hàng loạt giải pháp, trước mắt cũng như lâu dài. Nhằm tháo đầu ra, hiệp hội kiến nghị UBND TPHCM tiếp tục xem xét mua lại các dự án căn hộ có quy mô trung bình, giá cả hợp lý để bổ sung quỹ nhà ở tái định cư, đồng thời giúp DN vượt qua tình cảnh khó khăn.
Liên quan đến Nghị quyết 13/NQ-CP Chính phủ ban hành ngày 10-5-2012 tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, hiệp hội kiến nghị: gia hạn 6 tháng thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng của quý 2 và mở rộng cả quý 3, quý 4 năm 2012 đồng thời áp dụng luôn cho tất cả các DN BĐS chứ không chỉ hạn chế trong DN nhỏ và vừa. Kiến nghị gia hạn 9 tháng nộp thuế thu nhập DN năm 2011 trở về trước và cả số thuế thu nhập DN năm 2012 đối với tất cả DN BĐS.
Về tiền sử dụng đất, kiến nghị gia hạn tối đa 12 tháng thời hạn nộp tiền sử dụng đất đối với các chủ đầu tư dự án không cần phải xét DN có khó khăn tài chính hay không và không phải thông qua Thường trực HĐND cấp tỉnh, nhằm tránh cơ chế xin- cho, mất thời gian vì xét duyệt kéo dài. Về lâu dài, nên giãn tiến độ nộp tiền sử dụng đất theo kết quả kinh doanh sản phẩm BĐS để phù hợp với khả năng tài chính của DN, tương tự như trường hợp dự án Khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng.
Hiệp hội cũng kiến nghị Ngân hàng Nhà nước thực hiện đúng Nghị quyết 13 về việc tiếp tục hạ mặt bằng lãi suất cho vay, thực hiện các biện pháp cơ cấu lại nợ. Hiện nay, hầu hết DN BĐS chưa tiếp cận được nguồn vốn tín dụng theo lãi suất mới do nguyên nhân chủ yếu là nợ xấu. Ngân hàng Nhà nước có biện pháp hợp lý và cụ thể xử lý nợ xấu thì DN mới tiếp cận được vốn tín dụng, bởi vì DN đang bị mất thanh khoản, khoảng 60% tài sản đảm bảo cho các khoản vay tín dụng là BĐS…
Tồn kho gần 60.000 tỷ đồng
Theo khảo sát của phóng viên Báo SGGP, dựa trên báo cáo tài chính quý 1-2012 của các công ty niêm yết trên sàn chứng khoán TPHCM và Hà Nội, chỉ tính số hàng tồn kho quy thành tiền từ 500 tỷ đồng trở lên, có 28 DN kinh doanh BĐS với tổng hàng tồn kho 52.437 tỷ đồng. Nếu cộng luôn 5 DN liên quan lĩnh vực BĐS (cùng lấy mốc tồn kho từ 500 tỷ đồng trở lên), gồm có tôn, xi măng, sắt thép, tổng cộng hàng tồn kho của 33 DN lên đến 58.492 tỷ đồng! Đáng chú ý, chỉ số hàng tồn kho của hầu hết DN trong quý 1 tăng so với cuối năm 2011.
DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Giải Phóng