Theo thống kê của Cục Phát triển đô thị, Bộ Xây dựng, tính đến cuối năm 2010, cả nước có 755 đô thị. Theo tính toán của Bộ Xây dựng, bình quân mỗi tháng cả nước “mọc” lên một đô thị.
Cũng như các khu đô thị vô chủ ở Đồng bằng sông Cửu Long, TP HCM và các vùng ven cũng đang tồn tại nhiều dự án đô thị vắng bóng người.
Biệt thự để nuôi… dê
Sát vách TP HCM, hàng loạt khu đô thị ở huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai) rộng hàng trăm ha, đường xá khá chỉn chu, các lô nền được phân thẳng tắp nhưng không có ai ở. Trong khi đó, ở huyện này chỗ nào cũng có bảng hiệu "Mua bán nhà đất", biển báo dự án khu dân cư nhưng chưa xây, thậm chí còn bán cả những khu đô thị bị bỏ hoang.
Chỉ tính riêng tại xã Phú Hội và Long Tân, khu vực “trái tim” của huyện Nhơn Trạch, đã có hơn chục khu đô thị, khu dân cư đã triển khai. Tuy nhiên, không dự án nào ra hình thù, bởi thi công dở dang, ì ạch... Tính đến đầu năm 2010, huyện Nhơn Trạch có 74 dự án khu đô thị, khu dân cư, với diện tích 4.740 ha. Trong đó, hầu hết dự án đều trong tình trạng hoang hoá, rất ít dự án hoàn thành.
Bình quân mỗi tháng cả nước có 1 khu đô thị “mọc” lên, nhưng phần nhiều để giới đầu cơ hưởng lợi từ đất. Ảnh minh họa. |
Khu đô thị Long Thọ được xây dựng trên diện tích 223 ha, trong đó có khu chung cư cao tầng, biệt thự, nhà vườn, nhà liên kế, song lập... nhưng đến nay vẫn là một khu đô thị hoang. Những dãy nhà nhà phố, biệt thự xây dựng kiên cố rồi để cho cỏ mọc. Cá biệt có dãy nhà đã hoàn thiện hết nhưng không người nên được “nâng cấp” để... nuôi chim yến. Cách Nhơn Trạch không xa, khu vực Mỹ Phước tỉnh Bình Dương, tình trạng hoang hoá tại các khu đô thị cũng diễn ra tương tự.
Hàng loạt khu đô thị đã được đầu tư như: khu đô thị Mỹ Phước 1, 2, 3 và nay thêm khu Mỹ Phước 4 và thành phố mới Bình Dương, nhưng người dân thì vắng hoe, chỉ có đông đúc các trung tâm môi giới đất.
Anh Mạnh Lương, một nhà đầu tư bất động sản, đồng thời cũng là chủ một cửa hàng vật liệu xây dựng ở đây cho biết, năm 2007 thấy thị trường nhà đất Bình Dương nóng “hừng hực”, anh đã mua một số lô đất tại đây. Theo anh, mục đích là để làm cửa hàng vật liệu xây dựng bán cho những cư dân tại khu đô thị có nhu cầu làm nhà, nếu giá đất lên nữa anh sẽ mở văn phòng môi giới và kinh doanh nhà đất. Tuy nhiên, thị trường tuột dốc, không kịp đẩy hàng, nay đất bán không được, vật liệu xây dựng cũng không ai mua, nên anh đã chuyển hướng sang nuôi dê vì… đất ở đây rộng mênh mông.
Khu nhiều, thị chẳng có
Chỉ tính riêng tại quận 2, TP HCM hiện có khoảng 260 dự án bất động sản, trong đó có khoảng 40 dự án khu đô thị, khu dân cư; quận9, huyện Nhà Bè, Bình Chánh… mỗi nơi cũng có gần 20 dự án. Trong đó, 90% là dự án phân lô bán nền và phần lớn bị bỏ hoang, chỉ một số ít dự án có người nhưng cũng rất thưa thớt. Khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2) rộng hàng nghìn ha, được xem là khu đô thị vệ tinh của TP HCM, nhưng sau hàng chục năm triển khai, vẫn chưa xong khâu giải phóng mặt bằng.
Hàng loạt dự án khác tại quận 2 như khu dân cư Huy Hoàng, diện tích khoảng 40 ha thuộc phường Thạnh Mỹ Lợi, có vị thế đắc địa (gần trung tâm hành chính của quận), nằm trên mặt tiền tỉnh lộ 25B nối với cảng Cát Lái và đại lộ Võ Văn Kiệt nên được giới đầu cơ và người dân săn đón. Tuy nhiên, dù dự án đã triển khai gần 10 năm nhưng vẫn là một khu đất trống cỏ mọc lút đầu người. Sát bên, dự án Bình Trưng Đông rộng hàng chục ha cũng rơi vào cảnh vườn không nhà trống.
Tại quận 9, nơi được xem là “thiên đường” dự án đất nền, cũng không sáng sủa hơn. Năm 2003, UBND TP HCM tạm giao cho Tập đoàn Phát triển nhà và đô thị Việt Nam (HUD) 160 ha để phát triển dự án khu đô thị Đông Tăng Long, nhưng cũng chỉ mới xây được một số ngôi nhà. Tại dự án khu nhà ở đại học Bách khoa (quận 9), những lô nền được chia với diện tích 5 x 24m, cũng chỉ lác đác vài ba căn hộ xây dựng, nhiều lô đất bỏ hoang lau sậy mọc đầy.
Chỉ giới đầu cơ hưởng lợi
Thực tế nhiều dự án “vườn không nhà trống”, hạ tầng chưa đầu tư đồng bộ nhưng đất đã bán sạch từ lâu. Những lô đất được sang tay hàng chục lần, làm cho giá nhà đất bị đẩy lên chóng mặt.
Tại dự án khu dân cư Thạnh Mỹ Lợi - Huy Hoàng (quận 2), năm 2003, khi chủ đầu tư đưa giá bán khoảng 3 triệu đồng một m2 thì nay đã lên 40 – 50 triệu đồng, thậm chí những nền mặt tiền tỉnh lộ 25B lên 60 triệu đồng. Tại dự án khu Đông Tăng Long, nếu giá chủ đầu tư đưa ra khoảng 6 - 7 triệu đồng một m2 thì qua nhiều lần sang tay, giá ở đây nay lên trên 16 triệu đồng nhưng nhà vẫn chưa được xây.
Dự án khu nhà ở ĐH Bách Khoa có mục đích để bán cho thầy cô giáo của trường này, nhưng thực chất chủ sở hữu của những lô nền tại đây là giới đầu cơ. Chính vì vậy, chủ đầu tư bán cho cán bộ, công nhân viên của trường vào năm 2000 giá khoảng 700.000 đồng một m2, nhưng nhà ở của thầy cô giao đâu không thấy, chỉ thấy giới đầu cơ rao bán giá đất khoảng 15 triệu đồng.
Theo tiến sĩ Đỗ Thị Loan, Phó chủ tịch thường trực Hiệp Hội bất động sản TP HCM, tại nhiều khu đô thị, vào ban đêm các chung cư, nhà phố chỉ có vài nhà sáng đèn. Điều này khẳng định, hầu hết các khu đô thị hiện nay khách hàng chủ yếu là giới đầu cơ, mua đi bán lại hưởng lợi.
Sở dĩ có tình trạng này, theo bà Loan, chủ đầu tư các dự án đều đầu tư theo kiểu ăn xổi, chỉ chăm chăm phân lô bán nền mà không chịu đầu tư hạ tầng. “Người ta ở thì ít ra phải có trường học, bệnh viện, chợ… đằng này các khu đô thị hiện nay không có bất cứ thứ gì, vậy làm sao dân dám vào ở”.
DiaOcOnline.vn - Theo Đất Việt