Đô thị nén ở Việt Nam: Không phù hợp?

Cập nhật 10/04/2010 10:40

Một trong những giải pháp để hài hoà giữa phát triển đô thị và ứng phó với biến đổi khí hậu được các chuyên gia nước ngoài đưa ra là giải pháp đô thị nén. Tuy nhiên, theo một chuyên gia về môi trường và xây dựng tại Việt Nam, nếu chọn giải pháp này, hoàn toàn không phù hợp với biến đổi khí hậu.


“Càng xây dựng nhà chọc trời, càng khó ứng phó với biến đổi khí hậu”, GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng. Ảnh: Hồng Vĩnh

Tại hội thảo Ứng phó với biến đổi khí hậu và Sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả trong công trình xây dựng của Bộ Xây dựng, tổ chức ở Hà Nội mới đây, một nhóm chuyên gia xây dựng và năng lượng đến từ Đức chia sẻ, một trong những giải pháp phát triển đô thị là phải tính đến độ nén của đô thị vì không thể tăng thêm diện tích trong quỹ đất xây dựng.

Theo ông Frank Schwartze, Phó Giám đốc Chương trình Nghiên cứu Siêu đô thị, Đại học Kỹ thuật Cottbus, Đức, các đô thị kiểu như TPHCM là đô thị có cấu trúc hạ tầng phức tạp, nhiều kênh rạch nên gặp không ít khó khăn để lồng ghép bảo vệ môi trường với phát triển đô thị vào dự án.

Vì thế, phát triển đô thị tại những nơi như vậy phải tính đến độ nén. Tức là thành phố nên phát triển theo chiều cao, chiều thẳng đứng với những toà nhà, khu chung cư cao tầng chứ không nên phát triển dàn trải theo chiều ngang với những chung cư năm tầng, bảy tầng hay trên 10 tầng như hiện nay.

Tuy nhiên theo GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng, Chủ tịch Hội Môi trường Xây dựng Việt Nam, giải pháp đô thị nén rất không phù hợp với biến đổi khí hậu. Khi chúng ta càng xây dựng những tòa nhà cao chọc trời, sẽ càng khó khăn cho việc ứng phó với biến đổi khí hậu tại các đô thị. Trong khi đó, địa hình TP Hồ Chí Minh vốn đã thấp, nếu nén lại càng thấp hơn.

Trả lời những cảnh báo của GS Đăng, ông Frank cho biết, yếu tố nén ông sử dụng ở đây không phải nói đến việc tất cả các khu đô thị tại TPHCM, mà chỉ nên nén ở mức độ vừa phải, thay vì những tòa nhà chọc trời. Đó cũng là cách để tiết kiệm quỹ đất xây dựng vốn đã không đủ đáp ứng nhu cầu nhà ở của cư dân TPHCM hiện nay.

Ông Frank cho biết thêm, nước biển dâng một mét thì 30 - 40% diện tích đất TPHCM sẽ bị ảnh hưởng.

Không như các thành phố khác, nhóm chuyên gia đến từ Đức nhận định, TPHCM với địa hình thấp, tăng trưởng dân số tới 3,4%/năm, đồng thời tốc độ xây dựng rất nhanh, sự chênh lệch lớn về nhiệt độ giữa vùng nội đô và vùng ngoại ô là những nguyên nhân gây khó khăn cho việc lồng ghép giữa phát triển đô thị và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Một ví dụ cụ thể là xã Nhơn Đức (huyện Nhà Bè, TPHCM), là nơi nằm dọc trục chính trong trung tâm thành phố, cần có khoảng lùi là 60m tính từ bờ sông đối với các công trình khi xây dựng. Đây là khoảng cách cần thiết để đảm bảo độ an toàn cho các công trình xây dựng đối với các khu đô thị TP, và nó cũng ít nhiều thu hẹp diện tích đất.

Trong các vấn đề cần giải quyết đối với việc phát triển đô thị tại TPHCM, nhóm chuyên gia đến từ Đức cho biết, đó là giải quyết vấn đề chênh lệch nhiệt độ.

Ngược lại, theo GS Đăng, vấn đề lớn nhất của TPHCM là chống thấm nước, chứ không phải là ứng phó với biến thiên nhiệt độ. Đồng quan điểm với GS Đăng, TS Lê Thị Bích Thuận, Phó viện trưởng Kiến trúc Quy hoạch Đô thị và Nông thôn, đưa ra nghiên cứu giải pháp thiết kế kiến trúc xanh tại Việt Nam.

TS Thuận nhấn mạnh đến việc cần thiết kế chống thấm và ẩm mốc cho kết cấu bao che cho những ngôi nhà ở khu vực Nam Bộ. TS Thuận cho biết thêm, khu vực này có mùa khô và mùa ẩm tương phản nhau rõ rệt, phù hợp với hai mùa gió và không đồng nhất trong vùng, cường độ mưa khá lớn.

DiaOcOnline.vn - Theo Tiền Phong