Đô thị mới xấu do... nhà nước

Cập nhật 27/06/2008 10:00

Nhiều khu đô thị sau khi giao về cho chính quyền địa phương quản lý là thấy rõ sự chuyển biến xấu đi so với thời gian do nhà đầu tư quản lý.

Cả nước hiện nay có 288 khu đô thị mới nhưng chỉ vài khu đô thị đạt chuẩn khu đô thị kiểu mẫu. Đó là con số ít ỏi mà Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân cung cấp bên lề hội thảo hôm qua (26-6) về mô hình phát triển khu đô thị mới tại TP.HCM.

Mới nhưng tệ

“Hiện nay, các khu đô thị của Việt Nam được xây dựng theo kiểu “mì ăn liền”. Nhà đầu tư chỉ chú trọng lợi nhuận kinh doanh bất động sản chứ không chú ý đến việc xây dựng chất lượng dịch vụ đô thị. Nhiều khu đô thị bị chia lô, bán lúa non, hạ tầng dang dở, thậm chí chưa làm nên đô thị rất nhếch nhác” - ông Nguyễn Hồng Quân nhận định.

Nhiều đại biểu đã chỉ ra những khuyết điểm của các khu đô thị mới tại Hà nội và TP.HCM. Phổ biến nhất là những trường hợp tăng mật độ xây dựng, chia lô nhỏ để tận dụng mặt bằng, bỏ qua quy định về khoảng cách không gian trong xây dựng. Nhiều khu đô thị thiết kế nhà ở bám trục đường hoặc quay theo mọi hướng để tận dụng diện tích đất mà quên đi những quy luật tối thiểu về hướng đón gió, sức chịu nhiệt... của một khu đô thị miền nhiệt đới.

Hậu quả là có căn hộ phải hứng chịu nắng quanh năm hoặc luôn trong tình trạng bí gió. Thậm chí nhiều khu chung cư mới không được thiết kế khu phơi áo quần khiến chủ nhà phải phơi ra ban công hoặc cửa sổ, làm mất mỹ quan đô thị...

Kiến trúc sư Khương Văn Mười - Phó Chủ tịch Hiệp hội kiến trúc sư TP.HCM chỉ ra hàng loạt sai lầm giữa ý tưởng và thiết kế thực tế của các khu đô thị Việt Nam. “Trong những cuộc thi ý tưởng thiết kế, nhiều ý tưởng kiến trúc rất lãng mạn, hoàn hảo trong bài tập nhưng không được đưa vào thực hiện trong thực tế! Đó chính là nguyên nhân khiến cho những khu vực xây dựng mới trở nên thực dụng và xấu xí đi rất nhiều so với ý tưởng ban đầu” - ông Mười khẳng định.

Chính sách trói tay nhà thiết kế

Bên lề hội thảo, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân cho rằng chính sách về quy hoạch hiện nay đang trói tay các nhà thiết kế. Muốn xây dựng một khu đô thị mới, lẽ ra các nhà chuyên môn phải tính toán từ quy mô dân số, cảnh quan, môi trường, nhu cầu phát triển trong tương lai, ý tưởng thiết kế khu đô thị... Sau đó họ mới quyết định xây dựng khu đô thị mới rộng bao nhiêu để đáp ứng những tiêu chí đó. Đằng này, nhà nước làm ngược là khoanh vùng diện tích rồi buộc nhà thiết kế triển khai ý tưởng trong khuôn khổ đó.

Ông Quân cũng lưu ý: Để hình thành một khu đô thị tốt, điều quan trọng là quản lý, khai thác tốt. Vấn đề này cần phải có sự kết hợp giữa ba nhà: nhà đầu tư, nhà nước và người dân. Nhà nước phải bắt tay với nhà đầu tư để đưa ra những cơ chế, chính sách quản lý khu đô thị thật tốt bằng những quy định pháp luật cụ thể.

Chia sẻ những suy nghĩ này với bộ trưởng, KTS Lê Văn Năm - nguyên Kiến trúc sư trưởng TP.HCM nhận xét: Chính quyền địa phương chưa biết cách quản lý khu đô thị. Nhiều khu đô thị sau khi giao về cho chính quyền địa phương quản lý là thấy rõ sự chuyển biến xấu đi so với thời gian do nhà đầu tư quản lý.

“Chính quyền du di, không quyết liệt đối với những vi phạm của người dân làm cho khu đô thị mới nhanh xuống cấp, cảnh quan môi trường xấu đi, không đảm bảo sự phát triển bền vững...” - kiến trúc sư Lê Văn Năm nói.



Một góc sân chơi dành cho trẻ em tại khu
đô thị Phú Mỹ Hưng. Ảnh: HTD


Quy chuẩn chỉ dành cho... người giàu?

Cuối buổi hội thảo, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Quân cũng đã trao quyết định công nhận khu đô thị mới kiểu mẫu cho Khu A của khu đô thị Phú Mỹ Hưng. Đây là khu đô thị đầu tiên được chính thức công nhận đạt tiêu chuẩn khu đô thị mới, kiểu mẫu trong cả nước.

Không ít người băn khoăn khi tiêu chuẩn của khu đô thị Phú Mỹ Hưng chỉ dành cho người có thu nhập cao. Khu vực này đạt độ hoàn hảo về dịch vụ, an ninh và những tiêu chuẩn về cảnh quan môi trường nhưng với lực lượng 600 nhân viên làm vệ sinh, 400 nhân viên an ninh, trật tự cho một khu thì chi phí quản lý sẽ tăng lên rất cao. Như vậy, chắc chắn chỉ nhà giàu mới sống nổi ở khu đô thị tương tự Phú Mỹ Hưng.

Vậy còn những người có thu nhập trung bình, mua nhà trung bình, họ cũng cần sống trong môi trường sạch đẹp, ngăn nắp, văn minh “vừa túi tiền”. Chẳng lẽ phải sang trọng, phải có những điều kiện đắt tiền mới là kiểu mẫu?

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Quân cho biết: những khu đô thị mới trong tương lai cũng sẽ bắt buộc phải thiết kế theo tiêu chí chuẩn trên. “Người thu nhập thấp và cán bộ, công chức sẽ có một chính sách khác của nhà nước. Hiện tại, chưa có tiêu chí nào kiểu mẫu cho nhà ở của người thu nhập thấp” - ông Quân nói.

Theo Pháp Luật TP