Mặc dù còn hết sức khó khăn nhưng thời gian qua TPHCM đã xây dựng được hơn 600 cây cầu và hơn 2.000km đường, không những góp phần chống ùn tắc giao thông mà còn đóng góp quan trọng cho việc chỉnh trang đô thị ở TP. Tuy nhiên, hiện tượng đô thị hóa tự phát, xây dựng trái phép vẫn là nỗi lo thường trực của TPHCM.
Nhà máy được xây dựng sát bên ruộng rau (Ảnh chụp tại quận Bình Tân TPHCM). Ảnh: Kim Ngân
|
Phố mới theo đường
Bất chấp những khó khăn do khủng hoảng kinh tế, song song với việc hoàn thành dự án Cải thiện Môi trường lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè, TPHCM đã đầu tư xây dựng đường Hoàng Sa, Trường Sa - hai trục đường nằm dọc lưu vực, biến khu vực này trở thành một trong những khu vực đẹp nhất của thành phố. Lưu vực kênh Tàu Hủ - Bến Nghé cũng đang được cải tạo để trở thành điểm nhấn về du lịch của TPHCM. Một chương trình đua thuyền dọc con kênh này trong dịp Tết âm lịch 2013 đang được các sở ngành chức năng tính tới như là một trong những giải pháp thực hiện mục tiêu nêu trên của TP.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu không thể phủ nhận của TP trong việc chỉnh trang đô thị dọc các lưu vực sông, kênh là nỗi lo về những công trình kiến trúc mang đậm chất Sài Gòn xưa dọc các con sông, kênh này đang dần bị biến dạng. Trước khi có đại lộ Đông Tây mà nay có một đoạn là đường Võ Văn Kiệt, phần đi qua quận 6, quận 8 của kênh Tàu Hủ - Bến Nghé đã thường xuyên tấp nập cảnh “trên bến dưới thuyền” của các tiểu thương từ miền Tây Nam bộ mang nông sản lên TP buôn bán. Đại lộ Đông Tây ra đời, cái hiện đại đã dần xóa đi cái xưa cũ…
Hiểu mối nguy ấy, TPHCM đang khẩn trương xây dựng quy chế quản lý kiến trúc dọc đại lộ Đông Tây với những quy định khá chặt chẽ về việc bảo tồn các công trình kiến trúc có giá trị đồng thời với việc nghiên cứu tái hiện cảnh quan giao thương trên sông nước xưa. Thế nhưng, đại lộ Đông Tây đã xây dựng xong hơn một năm mà chưa thấy triển khai quy định về bảo tồn nên nhiều người dân đã không khỏi băn khoăn về sự chậm trễ này.
Cùng với những công trình kiến trúc có giá trị dọc sông, kênh, TPHCM còn khá nhiều công trình kiến trúc có giá trị khác như những biệt thự thời Pháp nằm rải rác trên nhiều tuyến phố. Dưới tác động của đô thị hóa, nhiều tuyến phố, nhiều con đường ở đây đã được xây dựng lại hiện đại hơn. Và tất nhiên, theo đó, không ít biệt thự thời Pháp đã bị đập đi xây mới hoặc cải tạo mà không còn giữ lại được bao nhiêu nét hào hoa, tinh tế xưa kia. TPHCM cũng đang giao cho các sở ngành liên quan như Quy hoạch Kiến trúc, Xây dựng… thống kê số biệt thự thời Pháp còn lại và đề xuất kế hoạch bảo tồn.
Ông Hồ Quang Toàn, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc, cho hay, trên tinh thần chỉ đạo của TPHCM, sở dự định đề xuất bảo tồn biệt thự thời Pháp theo 3 nhóm. Nhóm một là những biệt thự có kiến trúc đẹp, nằm xen trong các trường học và bệnh viện. Các biệt thự này sẽ được giữ gìn và bảo tồn với hình dáng nguyên thủy. Nhóm hai cũng là những biệt thự có giá trị kiến trúc nhưng nằm trong các khu vực phát triển. Để hài hòa giữa bảo tồn với phát triển, các công trình này được phép xây dựng mới nhưng phải theo nguyên tắc: giữ cho được không gian của biệt thự xưa. Nhóm ba là những biệt thự được phép chuyển đổi thành công trình xây dựng mới phù hợp với quy hoạch.
Tuy nhiên, giống như Quy chế Quản lý kiến trúc dọc đại lộ Đông Tây, chủ trương bảo tồn các biệt thự có giá trị chưa được hiện thực hóa. Có lẽ không phải ngẫu nhiên mà KTS Nguyễn Trường Lưu, Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư TPHCM, từng tâm tư, người dân TP vui mừng trước những đổi thay hiện đại hơn của TP song cũng lo ngại không ít cho việc lưu giữ lịch sử xưa kia của Sài Gòn.
Những khu vực bị lãng quên
Có những khu vực dường như bị lãng quên trước sự đổi thay ngày một tươi đẹp của TP. Một buổi sáng trung tuần tháng 10-2012, chúng tôi đến hai xã: Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B của huyện Bình Chánh. Chỉ cách trung tâm TP không xa, nơi đây dường như là một thế giới khác hẳn. Trong nhiều khu vực của hai xã này, đường đúng nghĩa gần như không có mà chỉ có những lối mòn chạy ngoằn ngoèo trên ruộng xâm sấp nước để dẫn tới nhà dân. Xung quanh nhà dân, vịt vẫn bơi lội và trâu vẫn gặm cỏ. Trứng ốc bươu vàng bám đỏ cả tường nhà. Môi trường “ao tù, nước đọng” đến ngột ngạt. Cư dân sinh sống ở đây phần lớn là người dân các tỉnh nhập cư về TPHCM. Họ làm đủ các nghề như lượm ve chai, làm phụ hồ, buôn bán nhỏ lẻ dọc đường để sinh sống.
Một cán bộ xã Vĩnh Lộc A (đề nghị được giấu tên) cho biết, về nguyên tắc, việc xây dựng nhà như vậy là sai nhưng người dân ở đây có khá nhiều cách để “qua mặt” chính quyền địa phương. Xây nhà trong một đêm và sáng hôm sau đưa trẻ em, người già vào sinh sống để ngăn việc xử lý của chính quyền địa phương. Dựng một chòi tạm, sau đó lén lút đưa vật liệu xây dựng vào chòi và âm thầm xây dựng một căn nhà kiên cố bên trong. Chỉ khi ngôi nhà hoàn thành, chủ nhà mới dỡ chòi…
Thời gian qua, chính quyền địa phương đã có khá nhiều nỗ lực để ngăn chặn và xử lý hiệu quả tình trạng xây dựng nhà trái phép nhưng như chính Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh Trần Trọng Tuấn cho biết, tình trạng xây dựng nhà trái phép có giảm song vẫn còn diễn biến phức tạp. Tất nhiên, không phải chỉ ở huyện Bình Chánh mới xảy ra tình trạng xây dựng nhà trái phép mà điều này tồn tại ở hầu hết các quận, huyện ngoại thành.
TPHCM có khá nhiều chương trình và đã thực hiện thành công không ít dự án xây dựng nhà ở cho người thu nhập thấp, cho công nhân, sinh viên, nhà ở xã hội. Thế nhưng, vẫn còn sự chênh lệch khá lớn giữa giá bán những ngôi nhà đó với khả năng chi trả của người dân, làm cho chương trình không thành công như mong muốn. Trung bình mỗi căn nhà xã hội có giá khoảng 500 - 700 triệu đồng.
Trong khi đó, nếu mua đất nông nghiệp ở quận huyện ven như ở Bình Chánh, người dân chỉ mất khoảng 70 - 80 triệu đồng là có thể có được một nền đất rộng khoảng 4mx15m hoặc 5mx12m… Thêm gần 300 triệu đồng nữa để xây dựng là họ đã có thể sở hữu một ngôi nhà khang trang. Việc mua bán đất như vậy đang diễn ra công khai. Trong chuyến đi thực tế tại hai xã Vĩnh Lộc A và Vĩnh Lộc B, chính chúng tôi cũng được chào mời mua đất với lời hứa “trước sau gì cũng được hợp pháp hóa”.
DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Giải Phóng