Ông Phan Tâm, Thứ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông, cho biết Thủ tướng đã có chỉ đạo về việc hướng dẫn các địa phương xây dựng thành phố thông minh đảm bảo đầu tư thiết thực, hiệu quả.
Số hóa dữ liệu nhằm tiến tới giúp cơ quan nhà nước đảm bảo tính liên thông. ẢNH: NGỌC DƯƠNG |
Năm 2017, dân số khu vực đô thị chiếm hơn 54% tổng dân số toàn cầu. Dự báo của LHQ, đến năm 2050 gần 70% dân số thế giới sẽ sinh sống ở các đô thị.
Tại VN, xu hướng đô thị hóa, đặc biệt là ở các TP lớn diễn ra rất nhanh. Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, tỷ lệ đô thị hóa tăng từ 19,6% với 629 đô thị (năm 2009) lên khoảng 36,6% với 802 đô thị (năm 2016), và mục tiêu tỷ lệ đô thị hóa đến 2020 trên cả nước đạt 45%. Xu thế đô thị hóa gia tăng tạo ra nhiều sức ép như ô nhiễm môi trường, thiếu hụt nguồn lực (nước sạch, đất đai, không gian, giao thông, năng lượng...).
Việc xây dựng và quản lý theo cách truyền thống đang phải đối mặt với nhiều khó khăn. Vì thế, Chính phủ đặt ra yêu cầu cần có giải pháp đổi mới sáng tạo phù hợp với bối cảnh hiện nay và xu hướng sắp tới. Chính phủ định hướng xây dựng thành phố thông minh phải lấy người dân làm trung tâm, còn công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) chỉ là phương tiện hỗ trợ. Tất cả hướng đến mục tiêu nâng cao chất lượng cuộc sống và làm việc của người dân, doanh nghiệp; thúc đẩy đổi mới, sáng tạo phát triển kinh tế.
Để các địa phương xây dựng thành phố thông minh đảm bảo đầu tư thiết thực, hiệu quả, Chính phủ đề ra các nguyên tắc cơ bản: phải dựa trên nhu cầu thực tế của người dân, làm cho tất cả người dân được hưởng thành quả từ việc xây dựng thành phố thông minh; đảm bảo năng lực cơ sở hạ tầng thông tin tạo ra hệ sinh thái số đáp ứng nhu cầu phát triển các ứng dụng, dịch vụ, đẩy mạnh dùng chung cơ sở hạ tầng thông tin, khuyến khích dữ liệu mở (open data); đảm bảo an ninh mạng, tính kế thừa và phát triển bền vững…
Theo báo cáo của Temasek và Google năm 2017, nền kinh tế kỹ thuật số của ASEAN được dự đoán sẽ đạt 200 tỉ USD vào năm 2025. Trong bối cảnh đó, sáng kiến hàng đầu của Singapore trong năm Chủ tịch ASEAN 2018 về việc xây dựng mạng lưới thành phố thông minh, dự kiến gồm 26 thành phố lớn trong cả khu vực, sẽ giúp tăng cường khả năng phục hồi và đổi mới của ASEAN bằng cách phát triển nền tảng thương mại điện tử và cơ sở hạ tầng công nghệ, thúc đẩy an ninh mạng trong khu vực. VN có 3 đô thị gồm Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng sẽ là một phần trong mạng lưới các thành phố thông minh ASEAN.
DiaOcOnline.vn - Theo Thanh niên