Trải qua quá trình hình thành và phát triển gần 1000 năm kể từ khi Lý Thái Tổ quyết định lập đô đến nay, Hà Nội đã định hình và phát triển các khu vực đô thị đặc trưng, có giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc đô thị như khu Thành cổ, các làng cổ, làng truyền thống, khu phố cổ, phố cũ... hòa quyện cùng các yếu tố cảnh quan tự nhiên tạo nên bản sắc đô thị Hà Nội.
Trong những năm qua, đặc biệt từ khi thực hiện Chính sách Đổi mới, Thủ đô đạt được những thành tựu nổi bật về kinh tế xã hội và đặc biệt là công tác xây dựng phát triển đô thị. Để hướng tới một đô thị phát triển toàn diện và bền vững, Thủ đô Hà Nội đã từng bước và quyết tâm thực hiện phát triển đồng bộ, vững vàng theo thế chân vạc: Quy hoạch không gian + Kiến trúc đô thị và Tổ chức Giao thông. Sự phát triển Thủ đô Hà Nội theo định hướng này không chỉ đáp ứng yêu cầu về kinh tế chính trị xứng tầm Thủ đô mà còn vì mục tiêu gìn giữ những giá trị của ông cha và bổ sung thêm những giá trị mới cho đô thị Hà Nội ngàn năm văn hiến.
Thay đổi tư duy Quy hoạch
Hà Nội là địa phương luôn coi trọng và đi đầu trong công tác quy hoạch. Quy hoạch xây dựng đã thực sự đi trước một bước và là căn cứ quan trọng bước đầu để quản lý bảo tồn, phát triển Hà Nội. Quy họạch tổng thể Hà Nội đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 108/1998/QĐ-TTg ngày 21/6/1998. Qua 9 năm thực hiện đã đạt được những kết quả nhất định: triển khai và phê duyệt được khối lượng công tác quy hoạch xây dựng lớn, đó là quy hoạch chi tiết các quận, huyện, một số phường xã, điểm, quy hoạch tổng thể một số ngành chủ yếu như công nghiệp, hạ tầng kỹ thuật và nhất là quy hoạch chi tiết các khu đô thị mới, các khu đặc trưng của Hà Nội để tương xứng với vị thế là Thủ đô. Quy họach chi tiết các quận huyện đã được phê duyệt và phân cấp bàn giao cho chính quyền địa phương chịu trách nhiệm quản lý quy họach kiến trúc.
Để đáp ứng các yêu cầu mới về phát triển kinh tế xã hội, Hà Nội đã nghiên cứu điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội tiến hành đồng thời với nghiên cứu các quy hoạch lớn liên quan đến nhiều tỉnh thành như Quy hoạch Vùng Thủ đô Hà Nội, Quy hoạch hai bên sông Hồng... với sự tham gia của chuyên gia Trung ương và nước ngoài như tổ chức JICA (Nhật Bản); Vùng Ile de France (Pháp); Thành phố Seoul (Hàn Quốc)… theo hướng đổi mới cách làm quy hoạch để phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế xã hội và vị trí Hà Nội trong Vùng Tam giác phát triển Kinh tế phía Bắc cũng như để nâng tầm Thủ đô Hà Nội của đất nước 100 triệu dân. Hà Nội vừa đẩy mạnh phát triển, tạo dựng đô thị, vừa tập trung khai thác hiệu quả cảnh quan thiên nhiên: mặt nước, sông hồ, cây xanh, hệ thống di tích để cải thiện môi trường và đưa thành tiêu chí để đô thị phát triển hướng đến: Mặt nước - Cây xanh - Văn hóa. Đây là bước thay đổi lớn về tầm nhìn của một đô thị cạnh tranh khu vực trong thời kỳ hội nhập phát triển mà vẫn gìn giữ được bản sắc riêng.
Thực hiện phương châm “Lấy đô thị nuôi đô thị”, phát huy nguồn tài nguyên, Hà Nội sẽ khai thác hiệu quả quỹ đất hiện có bằng cách đổi mới công tác quy hoạch: công khai các đồ án quy hoạch, các dự án kêu gọi đầu tư và thực hiện đấu thầu dự án, giải quyết thủ tục theo mô hình liên thông... nhằm thực sự cải cách, tạo sự thông thóang và kêu gọi được nhà đầu tư đích thực, tránh được tình trạng quy hoạch treo hay dự án treo như thời gian qua.
Bên cạnh đó cũng gắn phát triển với bảo tồn, nâng cao chất lượng các điểm dân cư nông thôn, rà soát việc sử dụng không gian nội đô, xây dựng các vành đai xung quanh theo hướng đô thị sinh thái để giảm mật độ dân số cao đang gây quá tải về nhiều mặt ở nội đô. Trong đó vấn đề tạo không gian để phát triển dịch vụ chất lượng cao (tài chính, ngân hàng, du lịch…) di dời chuyển đổi các cơ sở công nghiệp không hợp lý, bố trí hợp lý các trường đại học, trung học chuyên nghiệp, dạy nghề tăng cường quản lý lượng dân cư (đặc biệt là tăng dân số cơ học) là những vấn đề Hà Nội đang quan tâm nghiên cứu để điều chỉnh. Giải quyết những vấn đề trên rõ ràng sẽ góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển các ngành nghề mũi nhọn, đẩy mạnh dịch vụ, công nghiệp, nông nghiệp và rõ ràng không thể không xem xét trong mối quan hệ với các tỉnh lân cận với vùng Thủ đô.
Trong tương lai, Hà Nội chủ trương phát triển đô thị về phiá Bắc Sông Hồng ở các khu vực Bắc Thăng Long - Vân Trì - Đông Anh - Cổ Loa. Việc xây dựng đồng loạt các cây cầu mới vừa đảm bảo đáp ứng nhu cầu về giao thông, đồng thời tạo dựng cảnh quan giữa hai bờ Sông Hồng, tiếp tục giãn dân phố Cổ... tất cả đều hướng tới việc thực hiện đồng thời 03 công việc: Bảo tồn, tôn tạo các khu vực giá trị của đô thị Hà Nội như Khu Thành Cổ, Khu phố Cổ, Khu phố xây dựng thời kỳ Pháp thuộc...; Cải tạo, chỉnh trang các khu vực nội thành cũ, xuống cấp: các khu phố xây dựng thời kỳ Pháp thuộc, Khu tập thể cũ, làng xóm... và xây dựng các khu mới hiện đại.
Vừa qua, với việc Thủ tướng Chính phủ cho phép Hà Nội nghiên cứu địa giới hành chính tăng lên gấp đôi diện tích hiện có, Hà Nội một mặt có thêm nguồn tài nguyên dự trữ đáp ứng yêu cầu của Thủ đô thời hội nhập, đồng thời với vùng cây xanh, cảnh quan tự nhiên làm vùng đệm cho đô thị sẽ góp phần cho Hà Nội tăng cường chất lượng môi trường, giải quyết nhu cầu lương thực, thực phẩm...
Tạo dựng kiến trúc hiện đại
Đô thị là tổng hoà những mối quan hệ của các công trình kiến trúc. Trong những năm tới, song song với việc thiết kế đô thị, Hà Nội sẽ đặc biệt chú trọng đến công tác quản lý kiến trúc trên mọi lĩnh vực: Kiến trúc đô thị + Kiến trúc cảnh quan + Kiến trúc công trình nhằm đảm bảo phát triển kiến trúc Hà Nội hiện đại, tiêu biểu, xứng đáng là trung tâm, tấm gương về kiến trúc của cả nước.
Kiến trúc đô thị: Thiết kế đô thị để định hướng phát triển không gian Hà Nội sẽ được đẩy mạnh, tạo dựng những công trình kiến trúc mới sẽ được xem xét trên cơ sở xác định tính chất, chức năng đô thị của công trình trong tổng thể để đảm bảo tính hài hòa, không phá vỡ đặc trưng vốn có của cảnh quan khu vực.
Việc tạo dựng không gian các trục đường lớn, các cửa ngõ, quần thể khu đô thị, không gian kiến trúc hoàn chỉnh sẽ được đặc biệt quan tâm và có quy họach không gian cụ thể: Những khu vực trung tâm mới cao tầng như Tây hồ Tây, Bắc sông Hồng, Khu đô thị mới Cầu Giấy của các Tổng Công ty, Khu đô thị Đông – Nam đường Trần Duy Hưng... Việc đẩy nhanh phát triển các trung tâm tại các quận mới như Hoàng Mai và Long Biên sẽ góp phần đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa Hà Nội, tạo dựng những trung tâm mới hiện đại tại các cửa ngõ Hà Nội.
Việc phá dỡ một số công trình cao tầng sai phạm trong thời gian qua là sự thể hiện quyết tâm lập lại kỷ cương trật tự xây dựng đô thị, cương quyết xây dựng công trình theo đúng quy hoạch được duyệt.
Bên cạnh việc xây mới các tổ hợp cao tầng, không chia nhỏ đất để tiết kiệm quỹ đất, Hà Nội cũng tập trung bảo tồn, tôn tạo các khu vực có tính đặc thù như khu vực Ba Đình – Thành Cổ – Khu Phố nghề, Làng nghề 36 Phố phường tiến tới đề nghị UNESCO công nhận là Di sản thế giới.
Kiến trúc cảnh quan: Hướng tới mục tiêu đô thị Hà Nội “Xanh – Sạch - Đẹp”, Hà Nội sẽ tiếp tục phát huy các ưu thế, đặc trưng của Hà Nội là hệ thống sông hồ, cây xanh; đặc biệt là với việc hợp tác nghiên cứu của chính quyền thành phố Seoul (Hàn Quốc) trong Dự án Quy hoạch hai bên sông Hồng, đưa dòng sông thànhchủ thể không gian Thành phố. Mục tiêu của đồ án nhằm chỉnh trị dòng sông, ổn định dòng chảy, đảm bảo hành lang thoát lũ và an toàn cho đê điều; Xây dựng hai bên bờ sông Hồng thành khu đô thị cảnh quan, phục vụ cho phát triển kinh tế xã hội Thủ đô bao gồm khai thác quỹ đất hợp lý, phát triển đô thị, văn hoá, du lịch, thể dục thể thao, nghỉ ngơi giải trí; Tăng cường năng lực giao thông thủy, phục vụ vận tải hàng hoá hành khách và du lịch; Quy hoạch phân bố hợp lý dân cư ngoài đê theo quy họach, cải thiện đời sống dân cư và vệ sinh môi trường.
Các khu vực Cổ Loa - Đông Anh bên kia sông sẽ được kết nối với trục không gian xanh mặt nước hồ Tây bên này sông để kết hợp với các khu vực Sóc Sơn, hai bên sông Hồng tạo thành mạng không gian xanh liên hoàn, cải thiện môi trường đô thị. Việc tổ chức không gian và đầu tư xây dựng tại các khu vực này theo quan điểm tôn trọng và nhấn mạnh địa hình, cảnh quan như mặt nước sông, đầm, hồ và đồi núi, tạo thành những khu ở và khu nghỉ ngơi giải trí với môi trường và cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp.
Việc xác định, trồng và thay thế các cây xanh đặc trưng trên các tuyến phố cũng là cách vừa tăng cường mật độ cây xanh, vừa tạo dựng nét văn hóa - bản sắc vốn có của đô thị Hà Nội.
Kiến trúc công trình: Hà Nội là một đô thị đặc trưng với kiến trúc hài hoà với cảnh quan, sự chuyển tiếp không gian đô thị nhẹ nhàng giữa các khu vực đặc thù về quy họach kiến trúc. Hà Nội sẽ tập trung xây dựng Định hướng phát triển kiến trúc để tạo hướng đi đúng, tạo dựng các công trình kiến trúc hiện đại với những tác phẩm kiến trúc đánh dấu thời đại xây dựng, góp phần cho đô thị Hà Nội đẹp bởi không phải chỉ là sự tổng hoà mà là còn là sự tập hợp những công trình kiến trúc giá trị. Kiến trúc Thủ đô Hà Nội sẽ thực sự tiêu biểu, là đại diện và là nơi để nhận diện ra bản sắc kiến trúc Việt Nam, đặc biệt là tính văn hóa, làm tấm gương để thúc đẩy kiến trúc Việt Nam phát triển đúng hướng.
Mỗi khu vực sẽ được xác định các giá trị đặc thù về quy hoạch kiến trúc của mình: loại hình kiến trúc đặc trưng, bản sắc nổi trội để có Điều lệ quản lý quy hoạch kiến trúc tương thích để công trình kiến trúc mới không những không phá vỡ cấu trúc không gian cũ mà còn phát huy các yếu tố đó trong tương lai. Khuyến cáo và loại bỏ những biều hiện không lành mạnh trong sáng tác kiến trúc như xu hướng kiến trúc nhại cổ. Tạo điều kiện, khuyến khích sáng tạo kiến trúc hiện đại mới như Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Bảo tàng Hà Nội...
Sự tham gia đầu tư cuả các nhà đầu tư nước ngoài, các kiến trúc sư quốc tế chắc chắn cũng sẽ đem đến cho Hà Nội những công trình hiện đại như Khu trung tâm Tây Hồ Tây, toà nhà 65 tầng phố Đào Tấn, Văn phòng Thungshing tại Quảng trường Cách mạng Tháng 8... Việc tổ chức thi tuyển quốc tế khu trung tâm đô thị mới Bắc Sông Hồng để kêu gọi những kiến trúc sư giỏi, tiếng tăm tuy kinh phí có tăng nhưng việc góp phần tạo dựng quy họach đẹp và hấp dẫn đầu tư xây dựng, thu hút nhiều nhà đầu tư sau này thì hiệu quả lại lớn hơn gấp nhiều lần.
Đẩy mạnh phát triển giao thông
Chưa bao giờ Hà Nội lại tập trung phát triển hệ thống giao thông hạ tầng mạnh và nhanh đến như vậy. Chương trình phát triển giao thông là công việc gian nan, khó khăn, đặc biệt là trong công tác giải phóng mặt bằng, xây dựng nhà ở tái định cư nhưng Hà Nội vẫn quyết tâm thực hiện để giải quyết tình trạng ách tắc giao thông đô thị, giảm tải vào Hà Nội và đáp ứng yêu cầu vận chuyển hành khách, hàng hóa trong tương lai.
Giao thông liên Vùng: Xây dựng tuyến đường sắt cao tốc Bắc Nam, đường sắt Tây Bắc - Cảng Cái Lân, đường sắt cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, đường sắt đô thị và các ga đầu mối như: Bắc Hồng, Bắc Ninh, Cổ Bi, Ngọc Hồi…
Cùng với việc hoàn chỉnh nốt đường băng số 02 và Nhà ga T2 tại Cảng Hàng không Quốc tế Nội Bài, sẽ tính đến một sân bay quốc tế thứ hai tại khu vực phía Nam hoặc Đông Nam Hà Nội, đủ năng lực để tiếp nhận 20 triệu khách vào năm 2010 và 30 triệu khách vào năm 2020 và mang tính chất sân bay dự phòng, đảm bảo an ninh khi có sự cố ở Sân bay Nội Bài .
Để tạo sức hấp dẫn cho các đô thị xung quanh, Thành phố trung tâm được kết nối với các đô thị khác bằng hệ thống đường bộ hướng tâm và đường vành đai cao tốc. Song song với việc hoàn thiện hệ thống đường bộ, từng bước xây dựng hệ thống “đường sắt nội vùng tốc độ cao” đảm bảo quan hệ của các đô thị trong Vùng một cách thường xuyên, liên tục.
Để kết nối các loại hình giao thông công cộng với nhau phát huy hiệu quả sử dụng của các loại hình giao thông này, Hà Nội sẽ song song tiến hành xây dựng hệ thống các ga đầu mối trung chuyển, có thể kết hợp ga hàng không với đường sắt quốc gia, đường sắt nội vùng và đường sắt đô thị trong một khu vực để hành khách có thể chuyển tiếp các phương tiện thuận lợi, dễ dàng.
Giao thông nội đô: Tập trung xây dựng và đưa vào sử dụng các tuyến Vành đai 1, 2, 3; Đường 05 kéo dài; Xây dựng hoàn chỉnh các nút giao thông lớn như Ngã tư Vọng, Ngã tư Sở, nút Đại Cồ Việt, Bưởi, Cầu Giấy... Hoàn thành hệ thống các cây cầu: Thanh Trì, Vĩnh Tuy và Nhật Tân...; nhanh chóng liên thông để đẩy mạnh phát triển đô thị phía Bắc Sông Hồng.
Vận tải khách công cộng khối lượng lớn là xu hướng tất yếu và cốt lõi trong kế hoạch phát triển giao thông tại các đô thị trên thế giới. Các tuyến đường sắt đô thị thí điểm tại Hà Nội trong thời gian tới sẽ góp phần thay đổi diện mạo và phương thức sử dụng giao thông công cộng. Thành phố triển khai các dự án đường sắt đô thị như Nhổn - Ga Hà Nội, nghiên cứu tuyến đường sắt trên cao Yên Viên - Ngọc Hồi, Hà Đông - Ga Hà Nội, hai tuyến xe buýt nhanh (BRT) Lê Duẩn - Giải Phóng, Giảng Võ - Láng Hạ - Thanh Xuân. Vốn đầu tư sẽ được huy động từ nhiều thành phần kinh tế khác, ngoài đầu tư của Nhà nước. Với mục tiêu đến năm 2010, vận tải khách công cộng ở Thủ đô sẽ đáp ứng 30-35% nhu cầu của người dân, trong đó xe buýt và taxi chiếm 25%, đường sắt đô thị 10%.
Để đảm bảo việc phát triển giao thông hài hòa và đồng bộ với quy họach kiến trúc,Hà Nội được phân chia 03 khu vực chớnh trong thành phố: khu hạn chế phát triển (phía Nam và Tây nội thành), khu phát triển mở rộng (hữu ngạn sông Hồng) và khu phát triển mới (Tả ngạn sông Hồng). Bên cạnh đó, giải quyết mối quan hệ nhiều mặt của giao thông đối ngoại (đường bộ, đường sắt, đường không và đường sông) với giao thông đô thị.
Nhìn những gì đang diễn ra trong sự nghiệp xây dựng phát triển đô thị Hà Nội mới thấy hết những gì chúng ta đã và đang làm được và sẽ phải làm trong công tác quản lý quy hoạch kiến trúc Thủ đô. Với đô thị lịch sử gần 1000 năm tuổi, Hà Nội không thể chỉ đẩy mạnh phát triển hiện đại mà phải luôn kết hợp cùng bảo tồn, gìn giữ các giá trị của đô thị hiện hữu.
Với phương thức vừa học vừa làm nên việc phát triển nhanh trong thời gian vừa qua sẽ không tránh khỏi những hạn chế. Nhưng với ý thức tôn trọng các giá trị văn hóa đô thị mà cha ông đã để lại, với trách nhiệm của công dân Thủ đô trên tinh thần “Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Hà Nội” và với nghị lực của mình, với hướng phát triển đồng bộ theo thế chân vạc: QUY HOạCH + Kiến trúc + Giao thông, chắc chắn đô thị Hà Nội sẽ vững vàng phát triển, thiết thực chào mừngLễ kỷ niệm “1000 năm Thăng Long - Hà Nội” vào năm 2010.
Đỗ Hoàng Ân - Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố Hà Nội,
Chủ tịch Hội QH phát triển đô thị Hà Nội
(Theo KT&ĐT)